Vì sao Vietnam Airlines bán rồi thuê lại 4 tàu bay A350?

Cân nhắc phương án vốn cho 4 tàu bay A350 dự kiến sẽ nhận trong hai năm 2018 - 2019, Vietnam Airlines đang tính chuyện tiếp tục bán rồi thuê lại những chiếc siêu tàu bay này.

vi sao vietnam airlines ban roi thue lai 4 tau bay a350

Tàu bay A350 của Vietnam Airlines đang khai thác

Cả vay tín dụng xuất khẩu và vay thương mại đều bất khả thi

Theo nguồn tin của Báo Giao thông, đến thời điểm này, Vietnam Airlines đã tiếp nhận và đưa vào khai thác 5 chiếc máy bay Airbus A350 thuộc Dự án đầu tư 10 tàu bay A350 - 900 và một chiếc nữa dự kiến sẽ được Vietnam Airlines nhận về trong những tháng cuối cùng của năm 2017.

Vietnam Airlines dự kiến sẽ nhận 4 tàu A350 còn lại trong hai năm 2018, 2019. Đến thời điểm này, ngoài 6 tàu bay A350 đầu tiên đã được Vietnam Airlines thu xếp xong vốn, doanh nghiệp này vẫn đang tiếp tục đánh giá và lựa chọn phương án vốn cho 4 chiếc còn lại.

Hiện, có rất ít ngân hàng nước ngoài có thể xem xét, đồng ý lựa chọn một trong hai điều kiện là có bảo lãnh của Bộ Tài chính hoặc thế chấp máy bay. Hơn nữa, ngay cả khi chỉ yêu cầu bảo lãnh cũng sẽ gặp nhiều khó khăn trong xin cấp bảo lãnh do áp lực nợ công quốc gia đang có xu hướng gia tăng.

Theo lãnh đạo Vietnam Airlines, do nhu cầu vốn đầu tư lớn (vốn chủ sở hữu khoảng 96,9 triệu USD, vốn vay khoảng 549 triệu USD), các phương án huy động vốn truyền thống để mua 4 tàu bay A350 này đều không khả thi và có chi phí vốn vay cao.

“Phương án vay tín dụng xuất khẩu khó có thể triển khai được do các cơ quan tín dụng xuất khẩu châu Âu vẫn đang tạm dừng bảo lãnh hỗ trợ xuất khẩu tàu bay cho Airbus. Thực tế, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo tổng công ty (TCT) cần nghiên cứu và tiếp tục triển khai các giải pháp để giảm tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu, giảm dần sự hỗ trợ của Chính phủ sau khi đã cổ phần hoá. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đã có văn bản yêu cầu TCT xem xét phương án xã hội hoá và chuyển đổi phương thức đầu tư mua tàu bay theo hướng vay vốn không có bảo lãnh Chính phủ như đã thực hiện trong năm 2017 để đầu tư các tàu bay còn lại trong các năm 2018 - 2019”, lãnh đạo Vietnam Airlines nói.

Đối với phương án vay thương mại, theo nhiều chuyên gia, trong thời điểm hiện tại, phương án này khó khả thi do chi phí vốn vay cao với xu hướng tăng dần do các ngân hàng trong và ngoài nước bị giới hạn về quy mô cho vay.

Thực tế, các ngân hàng trong nước có khả năng cho Vietnam Airlines vay với chi phí vốn cạnh tranh đều đã hết hạn mức cho vay. Trong khi đó, hầu hết các ngân hàng nước ngoài đều đưa ra điều kiện vay bắt buộc là phải có bảo lãnh của Bộ Tài chính và thế chấp máy bay. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, hai điều kiện này chỉ được phép áp dụng với khoản vay tín dụng xuất khẩu hoặc khoản vay hỗn hợp tín dụng thương mại và tín dụng xuất khẩu. Trong bối cảnh này, các chuyên gia trong lĩnh vực hàng không đều thống nhất quan điểm cho rằng, việc lựa chọn phương án bán và cho thuê lại sẽ khả thi nhất, bởi chi phí tiền thuê dù cao hơn chi phí bay tín dụng xuất khẩu nhưng vẫn thấp hơn chi phí vay thương mại.

Kỳ vọng giảm mạnh tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu

Được biết, hiện có rất nhiều đối tác (là các công ty cho thuê) quan tâm, mong muốn tham gia để thực hiện bán và cho thuê lại (sale and lease bank) với các dự án đầu tư tàu bay của TCT. Trong số này, có khá nhiều đối tác đến từ Trung Đông và Trung Quốc vốn là các định chế tài chính, quỹ đầu tư lớn trên thị trường thế giới có khả năng huy động nguồn vốn rẻ để đầu tư, mua và cho thuê lại tàu bay.

Theo Vietnam Airlines, việc quan tâm của nhiều đối tác làm tăng tính cạnh tranh và bảo đảm tính khả thi của việc tiếp tục triển khai bán và thuê lại tàu bay của TCT do chi phí tiền thuê cơ sở được đánh giá là thấp hơn chi phí vay thương mại tại cùng thời điểm. Vietnam Airlines vẫn bảo đảm được tàu bay với cấu hình đã lựa chọn để khai thác đúng kế hoạch. Giảm thiểu đáng kể nhu cầu vốn vay, qua đó giúp TCT giảm sự lệ thuộc vào nguồn vốn vay có bảo lãnh của Chính phủ, giảm áp lực nợ công quốc gia, đồng thời kiểm soát và giảm hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cho TCT (dự kiến giảm còn khoảng 2,98 lần vào cuối năm 2018 và xuống 2,67 lần vào cuối năm 2019).

Tổng giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành cũng nhiều lần khẳng định, “Sale and lease back” là một cấu trúc tài chính phổ biến, được nhiều hãng hàng không trên thế giới thực hiện. Áp dụng cấu trúc này, Vietnam Airlines có thể mua nhiều tàu bay để chủ động trong điều hành khai thác mà vẫn đảm bảo duy trì tỷ suất nợ/vốn chủ sở hữu 3:1 và được hưởng toàn bộ các lợi ích từ nhà chế tạo tàu bay, có được tàu bay theo ý định đầu tư và lựa chọn cấu hình tàu bay theo yêu cầu khai thác.

Thực tế, thời gian qua, Vietnam Airlines đã thực hiện khá thành công việc bán và thuê lại 6 chiếc tàu bay A350 đầu tiên trong giai đoạn 2016 - 2017. Thông qua nghiệp vụ này, Vietnam Airlines đã giảm đáng kể sự phụ thuộc vào nguồn vốn vay có bảo lãnh của Chính phủ (khoảng 774,5 triệu USD), qua đó góp phần giảm áp lực nợ công quốc gia. Thông qua việc bán và thuê lại, Vietnam Airlines đã kiểm soát, giảm thiểu rủi ro, không làm gia tăng hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu. Dự kiến cuối năm 2017, hệ số này sẽ giảm xuống còn 3,19 lần so với mức 5,2 lần tại thời điểm cuối năm 2015.

Theo Thanh Bình/Báo Giao thông

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast