Không được hưởng phụ cấp, cộng tác viên dân số vùng đô thị Hà Tĩnh chịu thiệt thòi

(Baohatinh.vn) - Cộng tác viên dân số vùng đô thị ở Hà Tĩnh chỉ hưởng theo mức khoán nhiệm vụ, mỗi tháng từ 100 - 200 ngàn đồng nên nhiều người cảm thấy... buồn lòng.

Trong khi cộng tác viên dân số tại các xã thuộc địa bàn nông thôn ở Hà Tĩnh được hưởng phụ cấp 0,3-0,5 mức lương cơ sở/tháng, thì cộng tác viên vùng đô thị chỉ hưởng theo mức khoán nhiệm vụ mỗi tháng khoảng 200 ngàn đồng - khoản thù lao hết sức ít ỏi so với yêu cầu công việc mà họ đảm nhiệm.

Không được hưởng phụ cấp, cộng tác viên dân số vùng đô thị Hà Tĩnh chịu thiệt thòi

Mỗi tháng, chị Hồ Thị Tuyết (người bên trái) - cộng tác viên dân số khối 12, thị trấn Nghèn được hưởng hơn 200 ngàn đồng tiền thù lao công việc

Chị Hồ Thị Tuyết - cộng tác viên dân số khối 12, thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc đã gắn bó với nghề từ nhiều năm nay. Công việc “đi từng ngõ, gõ từng nhà” luôn chiếm nhiều thời gian, bởi phần lớn người dân trên địa bàn làm ăn xa hoặc buôn bán nên không phải lúc nào cũng có thể gặp gỡ, nói chuyện. Hơn 1 năm nay, việc sáp nhập các khối phố khiến chị càng vất vả hơn khi bám, nắm địa bàn và rà soát tổng hợp làm báo cáo hàng tháng, hàng quý. Thế nhưng, mỗi tháng của chị chỉ nhận được số tiền thù lao hơn 200 ngàn đồng.

Chị Tuyết cho biết: “Địa bàn rộng, dân số đông, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên vẫn còn cao, vì thế để tuyên truyền chủ trương, chính sách về công tác dân số, mỗi tháng tôi thường xuyên phải đi lại tuyên truyền, vận động nhiều lần nên phát sinh thêm chi phí”.

Không được hưởng phụ cấp, cộng tác viên dân số vùng đô thị Hà Tĩnh chịu thiệt thòi

Ông Võ Quang Tuyến - cộng tác viên dân số khối phố 19, thị trấn Hương Khê “đi từng ngõ, gõ từng nhà” tuyên truyền về chính sách dân số.

Thành phố Hà Tĩnh có 125 địa bàn với 125 cộng tác viên dân số. Nếu chỉ làm một nhiệm vụ là cộng tác viên dân số thì mỗi người chỉ được hưởng 100 đến 200 ngàn đồng/tháng. Vì thế, để có thêm nguồn thu cho cộng tác viên, các thôn, tổ dân phố đã bố trí một người kiêm nhiệm thêm một số phần việc. Nhưng thực tế, nguồn chi trả bồi dưỡng cho đội ngũ này vẫn quá eo hẹp so với nhu cầu cuộc sống.

Chị Dương Thị Tịnh - cộng tác viên dân số khối phố 9, phường Nam Hà cho biết: “Mặc dù kiêm nhiệm 3 nhiệm vụ: Dân số, y tế và chi hội trưởng phụ nữ nhưng mỗi tháng tôi cũng chỉ hưởng số tiền 400 ngàn đồng. Số tiền này mới chỉ đủ để chi trả xăng xe, điện thoại hàng tháng để tôi thực hiện công việc”.

Ngày 08/12/2020, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 258/2020/NQ-HĐND thay thế Nghị quyết 156/2019/NQ-HĐND ban hành ngày 17/7/2019 “Về quy định chức danh, số lượng, mức khoán chi phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố; mức bồi dưỡng đối với người trực tiếp tham gia công việc của thôn, tổ dân phố”. Theo đó, chức danh nhân viên y tế thôn, bản kiêm cộng tác viên dân số, y tế và gia đình (chỉ áp dụng đối với các thôn, bản) bằng 0,5 mức lương cơ sở/tháng tại các xã vùng khó khăn và 0,3 mức lương cơ sở/tháng tại các xã còn lại.

Không được hưởng phụ cấp, cộng tác viên dân số vùng đô thị Hà Tĩnh chịu thiệt thòi

Tư vấn tuyên truyền là giải pháp quan trọng để ổn định quy mô, nâng cao chất lượng dân số.

Tuy nhiên, nhân viên y tế kiêm cộng tác viên dân số, y tế và gia đình thuộc các phường, thị trấn sẽ không được hưởng mức phụ cấp như trên. Thay vào đó, họ chỉ được hưởng mức khoán nhiệm vụ theo hoạt động với số tiền thù lao hết sức eo hẹp, từ 100 đến 200 ngàn đồng.

Anh Lương Hà Long - cán bộ Phòng Dân số truyền thông (Trung tâm Y tế TP Hà Tĩnh) cho biết: “Công việc của cộng tác viên dân số ở các phường cũng rất vất vả, áp lực bởi ở khu vực này trình độ dân trí cao, dân cư nhiều biến động, việc gặp gỡ người dân để tuyên truyền, vận động khó khăn. Vì vậy, chế độ thù lao quá thấp khiến đội ngũ cộng tác viên dân số ở vùng đô thị buồn lòng”.

Hiện, toàn tỉnh có 1.972 cộng tác viên dân số, trong đó có 356 cộng tác viên phường, thị trấn. So với công tác viên dân số ở vùng nông thôn, cộng tác viên dân số vùng đô thị đang chịu thiệt thòi vì không thuộc đối tượng được hưởng phụ cấp.

Trưởng Phòng truyền thông Chi cục DS/KHHGĐ Hà Tĩnh Nguyễn Trung Kiên kiến nghị: “Chúng tôi mong muốn chính quyền các địa phương, các cấp có sự chung tay hỗ trợ để cộng tác viên dân số có thêm động lực gắn bó, cống hiến cho công tác dân số tỉnh nhà”.

Chủ đề Dân số KHHGĐ

Đọc thêm

Bình Định ghi nhận 4 ca tử vong do cúm A(H1N1)pdm

Bình Định ghi nhận 4 ca tử vong do cúm A(H1N1)pdm

Theo Cục Y tế dự phòng, thông tin từ hệ thống giám sát dựa vào sự kiện, tại tỉnh Bình Định (huyện Phù Mỹ và huyện Vĩnh Thạnh) đã ghi nhận 4 trường hợp tử vong do nhiễm cúm A(H1N1)pdm.