Hai phiên bản bắt đầu xuất hiện tại đại lý từ tháng 5, dù hãng chưa có thông báo chính thức. Ngoại hình hai bản mới “hiền” hơn hai bản sẵn có là X-Line và GT-Line. Đèn pha halogen, không có projector. Đèn sương mù đặt ở vị trí khác so với hai bản cao cấp.
Bản AT tại một đại lý khu vực Hà Nội. Ảnh: Minh Đạt
Bản Premium sẽ có thêm giá nóc, trang bị này không xuất hiện trên cả bản cao, tay nắm cửa mạ crôm, gương chiếu hậu tích hợp đèn LED báo rẽ. Trên hai phiên bản mới, logo vẫn dùng loại cũ. La-zăng sử dụng chung cho cả 4 phiên bản, kích thước 15 inch.
Nội thất của hai phiên bản này sử dụng ghế da, bản AT thiếu bệ tì tay, cân bằng điện tử, điều hòa tự động so với bản Premium. Hai phiên bản đều được trang bị màn hình cảm ứng trung tâm 8 inch, tích hợp camera lùi, khởi động nút bấm Start/Stop.
Cả hai phiên bản này đều sử dụng động cơ 4 xi-lanh 1.25 cho công suất 83 mã lực và mô-men xoắn cực đại 120 Nm, đi kèm hệ dẫn động cầu trước và hộp số tự động 4 cấp như hai phiên bản X-Line và GT-Line.
Hai phiên bản giá rẻ hơn sẽ giúp Morning tiếp cận thêm nhiều khách hàng, nhất là nhóm khách mua xe chạy dịch vụ, tăng tính cạnh tranh với những VinFast Fadil hay Hyundai i10.
Trước đây, Morning là lựa chọn ưu tiên ở phân khúc A, sau đó i10 lên ngồi và giờ đây là Fadil. Mẫu xe nhà Kia rơi xuống vị trí thứ ba. Giá cao, không gian chật hơn các đối thủ là những điểm yếu của mẫu xe Hàn.