Các lĩnh vực kinh tế quan trọng của Hà Tĩnh sau 30 năm tái lập tỉnh

(Baohatinh.vn) - Từ năm 2010 đến nay, trước những thời cơ và vận hội mới, Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh đã nỗ lực phấn đấu giành được kết quả rất quan trọng và khá toàn diện. Đặc biệt, từ sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020, kinh tế của tỉnh đạt kết quả quan trọng.

Các lĩnh vực kinh tế quan trọng của Hà Tĩnh sau 30 năm tái lập tỉnh

TP Hà Tĩnh hôm nay. Ảnh: Huy Tùng

Tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 4,55% (1), chất lượng từng bước được nâng lên. Quy mô nền kinh tế gấp hơn 1,4 lần so với năm 2015 (2); tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người tăng từ 39,7 triệu đồng lên 62,1 triệu đồng, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 23 triệu đồng lên 38,8 triệu đồng.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng nông nghiệp năm 2020 còn 16,29%, công nghiệp - xây dựng 40,49%, dịch vụ 43,22%. Cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực (3); năng suất lao động bình quân tăng 1,1%/năm.

Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH của tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 được cụ thể hóa bằng các quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực. Quy hoạch xây dựng vùng Nam Nghệ An - Bắc Hà Tĩnh và Nam Hà Tĩnh - Bắc Quảng Bình được triển khai, tạo liên kết vùng; tập trung đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng khu vực, đặc biệt là hạ tầng giao thông, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH.

Các lĩnh vực kinh tế quan trọng của Hà Tĩnh sau 30 năm tái lập tỉnh

Các sản phẩm công nghiệp chủ lực mới như thép, điện năng đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế Hà Tĩnh

Công nghiệp tăng trưởng nhanh, tiếp tục là động lực chủ yếu của nền kinh tế, bình quân đạt 31,1%/năm. Tỷ trọng công nghiệp tăng nhanh, từ 16,37% năm 2016 lên 33,17% năm 2020. Dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh (giai đoạn 1) đi vào hoạt động, trở thành hạt nhân tăng trưởng của nền kinh tế. Một số dự án công nghiệp quan trọng được khởi công, hoàn thành và bước đầu phát huy hiệu quả (4). Các sản phẩm công nghiệp chủ lực mới như thép, điện năng đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế.

Cơ cấu lại ngành nông nghiệp đạt kết quả khá. Tốc độ tăng trưởng bình quân toàn ngành đạt 2,01%. Tỷ trọng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi tăng từ 46,58% lên 52,55%; tỷ trọng nhóm các sản phẩm chủ lực (5) tăng từ 30,4% lên trên 46%; giảm tỷ trọng trồng trọt từ 47,82% xuống còn 42,32%; đến cuối năm 2020 có 50 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao, 4 sao. Giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích tăng từ 70 triệu đồng/ha lên trên 90 triệu đồng/ha.

Các lĩnh vực kinh tế quan trọng của Hà Tĩnh sau 30 năm tái lập tỉnh

Những năm qua, cơ cấu lại ngành nông nghiệp đạt kết quả khá; giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích tăng từ 70 triệu đồng/ha lên trên 90 triệu đồng/ha.

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới làm thay đổi căn bản diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Đến cuối năm 2020, có 171/182 xã đạt chuẩn, vượt mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII giai đoạn 2015-2020 và vượt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao trước 2,5 năm; có 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao thuộc 8 đơn vị cấp huyện; 7/13 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (Nghi Xuân, Can Lộc, Đức Thọ, Thạch Hà, TP Hà Tĩnh và TX Hồng Lĩnh), 3 huyện: Lộc Hà, Vũ Quang, Cẩm Xuyên có 100% số xã đạt chuẩn NTM; 438/1.647 thôn đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu (chiếm tỷ lệ 26,6%), 5.244 vườn mẫu đạt chuẩn. Xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu, vườn mẫu với những cách làm sáng tạo, đạt kết quả nổi bật, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng toàn diện chương trình xây dựng NTM.

Các lĩnh vực kinh tế quan trọng của Hà Tĩnh sau 30 năm tái lập tỉnh

Xây dựng nông thôn mới làm thay đổi căn bản diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân.

Dịch vụ, thương mại, du lịch từng bước khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động. Tăng trưởng bình quân 3,61%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng bình quân gần 6%/năm; kết cấu hạ tầng dịch vụ, thương mại phát triển theo hướng văn minh, hiện đại; thị trường hàng hóa ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng của người dân; công tác xã hội hóa đầu tư, chuyển đổi mô hình quản lý chợ, bảo vệ người tiêu dùng tiếp tục được quan tâm. Kết nối tour, tuyến du lịch được chú trọng. Giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng gấp 9,7 lần so với năm 2015.

Các lĩnh vực kinh tế quan trọng của Hà Tĩnh sau 30 năm tái lập tỉnh

Thị trường hàng hóa ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng của người dân

Về tài nguyên du lịch, Hà Tĩnh được xem là điểm đến hấp dẫn thuộc vùng du lịch Bắc Bộ và được xác định là một trong những ngành kinh tế có lợi thế của tỉnh. Về với Hà Tĩnh, du khách có thể đi thăm các di tích lịch sử văn hóa tâm linh, như đền Chợ Củi (Nghi Xuân), chùa Hương Tích (Can Lộc), đền thờ Nguyễn Thị Bích Châu (TX Kỳ Anh),... Khu Bảo tồn thiên nhiên Vũ Quang, hồ Kẻ Gỗ, các di tích gắn với cuộc đời của Đại thi hào Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, Đình nguyên Tiến sĩ Phan Đình Phùng;

Khu lưu niệm Tổng Bí thư Trần Phú, Hà Huy Tập; Khu lưu niệm Anh hùng liệt sỹ Lý Tự Trọng; di tích gắn với chiến thắng vẻ vang của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước như Ngã ba Đồng Lộc...; suối nước nóng Sơn Kim. Toàn tỉnh hiện có 7 khu du lịch biển, có đường bờ biển dài với những bãi biển đẹp như: Thiên Cầm (Cẩm Xuyên), Xuân Thành (Nghi Xuân), Thạch Hải (Thạch Hà), Xuân Hải (Lộc Hà), Khu du lịch biển Quỳnh Viên - Lê Khôi, biển Thạch Văn - Thạch Trị (Thạch Hà), biển Kỳ Xuân (huyện Kỳ Anh), biển Đèo Con (TX Kỳ Anh)... với lợi thế nổi trội về phát triển du lịch biển...

Các lĩnh vực kinh tế quan trọng của Hà Tĩnh sau 30 năm tái lập tỉnh

Khu vực trung tâm Vườn Quốc gia có hồ thủy lợi Ngàn Trươi với 32 hòn đảo lớn nhỏ tạo nên khung cảnh tuyệt đẹp

Các thành phần kinh tế phát triển đúng định hướng, góp phần huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong xã hội. Hoàn thành cổ phần hóa và từng bước thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước theo lộ trình đã được Chính phủ phê duyệt. Các doanh nghiệp sau sắp xếp, đổi mới cơ bản hoạt động thích ứng với cơ chế thị trường(6). Khu vực kinh tế tư nhân phát triển khá, đóng góp quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm và tăng thu ngân sách(7). Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng trưởng cao, đóng góp trên 30% GRDP. Kinh tế tập thể từng bước hoạt động thực chất, hiệu quả(8).

Biên soạn theo tài liệu của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

(Còn nữa)

---------------------------------------------------

1) Năm 2016 giảm 14,58%, năm 2017 tăng 9,9%, năm 2018 tăng 20,85%, năm 2019 tăng 9,44%, năm 2020 tăng 0,53%.

(2) Năm 2015 đạt 55,676 nghìn tỷ đồng; năm 2020 đạt gần 84 nghìn tỷ đồng.

(3) Cơ cấu lao động đang hoạt động trong khu vực nông, lâm, thủy sản, công nghiệp - xây dựng và dịch vụ năm 2015 và đến năm 2020 lần lượt là: 55,5% - 16,2% - 28,3%, 43% - 23,7% - 33,3%, 50,63% - 30,61%.

(4) Dự án Nhà máy sản xuất gỗ MDF/HDF Thanh Thành Đạt tại CCN Vũ Quang; một số dự án công nghiệp tại KCN Gia Lách, các CCN: Nam Hồng, Phù Việt, Bắc Cẩm Xuyên; dự án điện mặt trời tại Cẩm Xuyên.

(5) Như: Cam, bưởi Phúc Trạch, rau, củ, quả, chè, lợn, bò, hươu, tôm nuôi, hải sản, gỗ nguyên liệu rừng trồng.

(6) Có 5 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước không thực hiện cổ phần hóa; có 5 doanh nghiệp đã cổ phần hóa hiện đang thực hiện thoái vốn.

(7) Thành lập mới 5.600 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký trên 39 nghìn tỷ đồng, vượt mục tiêu đại hội. Năm 2020, toàn tỉnh có trên 10.000 doanh nghiệp, bình quân đạt 79 doanh nghiệp/1 vạn dân. Khu vực kinh tế tư nhân đóng góp từ 34,6% GRDP năm 2016 lên 56,6% GRDP năm 2019; giải quyết việc làm cho gần 60 nghìn lao động, đóng góp ngân sách tăng từ 2.760 tỷ đồng năm 2016 lên hơn 3.500 tỷ đồng năm 2019.

(8) Giai đoạn 2016-2020 thành lập 425 HTX, 1.860 tổ hợp tác; lũy kế đến nay toàn tỉnh có 970 HTX, 3.462 tổ hợp tác có quy mô vốn đăng ký, doanh thu tăng cao so với đầu nhiệm kỳ, tạo việc làm ổn định cho hơn 46 nghìn lao động.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast