Cần sớm đánh giá lại vấn đề khai thác mỏ sắt Thạch Khê

(Baohatinh.vn) - Vấn đề khai thác mỏ sắt Thạch Khê được người dân Hà Tĩnh cũng như cả nước rất quan tâm. Hà Tĩnh đã tổ chức nhiều cuộc họp phản biện khoa học để phân tích, đánh giá trước nhiều băn khoăn, quan ngại về tính khả thi, đặc biệt là vấn đề tác động đến môi trường, xã hội của dự án...

Cần sớm đánh giá lại vấn đề khai thác mỏ sắt Thạch Khê

Đoàn công tác Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam (VUSTA) do GS-TSKH Đặng Vũ Minh - Chủ tịch VUSTA dẫn đầu tiến hành khảo sát hiện trường khu vực mỏ sắt Thạch Khê (ngày 19/6/2017).

Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến 6 xã với 5.928 hộ (số liệu tại thời điểm khởi công dự án năm 2009 - PV) của vùng mỏ mà còn ảnh hưởng gián tiếp đến nhiều xã của huyện Thạch Hà, Lộc Hà và thành phố Hà Tĩnh.

Tuy nhiên, ngay sau khi dự án triển khai bóc đất tầng phủ, nhiều vấn đề đã nảy sinh, trong đó có những quan ngại về tính khả thi và hệ lụy tác động môi trường, xã hội. Trước tình hình đó, từ thời điểm dự án triển khai, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức nhiều cuộc họp để phân tích, đánh giá tính khả thi của dự án.

Tháng 6/2017, đoàn công tác của Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) do GS, TS khoa học Đặng Vũ Minh - Chủ tịch VUSTA dẫn đầu đã có chuyến khảo sát, nghiên cứu và tư vấn phản biện Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê.

Tiếp đó, ngày 25/7/2017, tại Hà Nội, VUSTA đã tổ chức hội thảo góp ý Dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê - Hà Tĩnh. Hội thảo lấy ý kiến của các nhà khoa học về 5 vấn đề chính là công nghệ khai thác; công nghệ chế biến; tác động môi trường; hiệu quả kinh tế; tác động đến đời sống kinh tế - xã hội của người dân địa phương.

Cần sớm đánh giá lại vấn đề khai thác mỏ sắt Thạch Khê

Trên công trường mỏ sắt Thạch Khê giai đoạn bóc đất tấng phủ năm 2010-2011. Ảnh tư liệu

Theo GS.TS Đặng Trung Thuận - nguyên Chủ tịch Hội Địa hóa Việt Nam: Qua hồ sơ dự án, có thể thấy rằng, hiệu quả kinh tế của khai thác mỏ sắt Thạch Khê chưa rõ, nhưng hậu quả môi trường và xã hội thì rất lớn với nhiều vấn đề bức xúc như: Vấn đề môi trường phát sinh do đổ thải, nước thải mỏ, tháo khô mỏ; nguy cơ nhiễm mặn và sa mạc hóa vùng đất ven biển Hà Tĩnh; vấn đề di dân, giải quyết việc làm và ổn định cuộc sống cho hàng ngàn người dân xung quanh khu vực khai thác mỏ.

GS.TS Đặng Trung Thuận cho rằng, nếu dừng hoạt động khai thác mỏ, nhà đầu tư sẽ chịu mất phần vốn đầu tư bỏ ra (hơn 1.800 tỷ đồng - PV). Tuy nhiên, cái được là tránh tất cả các rủi ro không mong muốn có thể xảy ra trong suốt đời dự án 52 năm.

Cần sớm đánh giá lại vấn đề khai thác mỏ sắt Thạch Khê

GS.TS Đặng Trung Thuận phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh và Công ty CP Sắt Thạch Khê sau chuyến khảo sát, nghiên cứu và tư vấn phản biện Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê. (Ảnh tư liệu năm 2018).

Theo các nhà khoa học, chuyên gia trên lĩnh vực mỏ địa chất, môi trường, kinh tế…, khai thác mỏ ở độ sâu trên -500m, moong mỏ lại nằm gần bờ biển, việc xử lý, giảm thiểu sóng biển phải được tính toán rất kỹ. Việc đổ bãi thải lấn biển sẽ làm biến dạng bờ biển, thay đổi dòng hải lưu gần bờ. Cần phải đánh giá tác động khoa học đến hải dương học.

Theo đánh giá của 2 chuyên gia: Ths Lưu Văn Thực - Viện Khoa học Công nghệ Mỏ - Tập đoàn Than - khoáng sản Việt Nam (TKV) và PGS.TS Hồ Sỹ Giao - Hội Khoa học Công nghệ Mỏ Việt Nam: “Điều kiện địa chất thủy văn của mỏ sắt Thạch Khê rất phức tạp gây khó khăn cho quá trình hoạt động khai thác: khi đáy mỏ xuống tới độ sâu -195m thì biên giới khai trường phía Đông Bắc cách mép nước biển 500m; Sông Thạch Đồng chảy qua phía Tây mỏ; các vùng đá vỡ vụn rộng lớn có hệ số thấm nước cao, vài tầng chứa nước và tổ hợp chứa nước có liên kết thủy lực với nhau. Đây là thông tin khá chính xác và khi khai thác sẽ xảy ra nguy hiểm đặc biệt nghiêm trọng. Mỏ có lưu lượng nước chảy vào lớn nhất ở Việt Nam, như là một dòng sông”.

Cần sớm đánh giá lại vấn đề khai thác mỏ sắt Thạch Khê

Sơ đồ vị trí mỏ sắt Thạch Khê

Còn GS.TS Vũ Trọng Hồng – nguyên Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam thì cho rằng: Khi khai thác sẽ tạo hồ thủy lợi sâu 500m. Đây là hố rất sâu chưa bao giờ có, kể cả biển hồ ở Gia Lai cũng chỉ 100m. Vậy giải pháp sau khi khai thác thế nào, việc suy thoái hệ thống nước ngầm như thế nào trong khi độ dày trầm tích chỉ có hơn 30m? Thạch Khê có hệ thống nước ngầm tầng mặt, nước ngầm khu vực Thạch Khê rất lớn, nếu nguồn nước xuống thấp sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước ngọt xung quanh. Vậy giải quyết vấn đề này trong quá trình khai thác mỏ ra sao?

Theo đánh giá của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, việc bóc đất đá về nơi đổ thải, vận chuyển quặng về kho chứa sẽ gây ra nhiều hệ lụy về môi trường; khi xuống độ sâu vào lòng mỏ và khi bãi thải cao dần sẽ làm cho việc vận chuyển ngày càng phức tạp, dễ xảy ra tai nạn, năng suất thấp.

Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê tạm dừng cách đây 11 năm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ do quá trình triển khai còn nhiều bất cập, để lại nhiều hệ lụy cho địa phương cũng như doanh nghiệp. “Không đánh đổi môi trường lấy kinh tế” là quan điểm chỉ đạo nhất quán của Chính phủ, các bộ, ngành và mong mỏi của Đảng bộ, nhân dân tỉnh Hà Tĩnh trong vấn đề khai thác mỏ sắt Thạch Khê.

Cần sớm đánh giá lại vấn đề khai thác mỏ sắt Thạch Khê

Cán bộ xã Thạch Khê và thôn Thanh Lan kiểm tra tình hình sạt lở bờ mong mỏ Thạch Khê.

5 năm nay, vấn đề dừng hay triển khai dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê đang có nhiều tranh luận. Theo Giáo sư - Viện sỹ Nguyễn Huy Mỹ, để đảm bảo tính khoa học, khách quan, chủ đầu tư (Tập đoàn Than - khoáng sản Việt Nam) cần lập lại báo cáo khả thi. Bởi, báo cáo khả thi dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê được lập từ năm 2006 đã quá lâu, không còn phù hợp thực tiễn như: giá quặng biến động, công nghệ khai thác, môi trường thay đổi, các điều kiện quan hệ kinh tế - xã hội tại vùng mỏ thay đổi...

Về phía Hà Tĩnh, cần tiếp tục tổ chức hội thảo, các báo cáo, nghiên cứu, đánh giá khoa học để phản biện những mối lo ngại, đặc biệt là về vấn đề tác động môi trường, an sinh xã hội.

Cũng theo Giáo sư - Viện sỹ Nguyễn Huy Mỹ, việc “đánh giá hiệu quả đầu tư, hiệu quả kinh tế - xã hội bền vững để xem xét đầu tư các dự án khai thác, chế biến sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh); ti tan (Bình Thuận) hoàn thành trước năm 2030” theo Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là rất đúng đắn và thận trọng. Tuy nhiên, nếu để thời gian đánh giá kéo dài đến năm 2030 là quá dài. Cần làm sớm hơn để quyết định việc triển khai hay dừng dự án. Không nên để Nhân dân phải chờ đợi câu trả lời quá lâu.

Cần sớm đánh giá lại vấn đề khai thác mỏ sắt Thạch Khê

Bờ bao bãi chứa chất thải ở mỏ sắt Thạch Khê bị sạt lở, bùn đất tràn ra ngoài, vùi lấp đất canh tác, các ngôi mộ và nhà dân.

Ông Đỗ Khoa Văn - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Hà Tĩnh cho biết: Vấn đề khai thác mỏ sắt Thạch Khê đã, đang được người dân Hà Tĩnh cũng như cả nước rất quan tâm. Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Hà Tĩnh đã kết nối với các nhà khoa học đầu ngành của Việt Nam về khai thác mỏ, địa chất, môi trường… tổ chức nhiều cuộc họp phản biện khoa học để phân tích, đánh giá những tác động đến môi trường, xã hội của dự án khi khai thác mỏ sắt Thạch Khê.

Video: Ông Đỗ Khoa Văn - Chủ tịch Liên hiệp các Hội KHKT Hà Tĩnh nói về vấn đề khai thác mỏ sắt Thạch Khê

Cũng theo ông Văn, thực tiễn quá trình khai thác bóc đất tầng phủ đã xẩy ra hiện tượng tụt mực nước ngầm cả khu vực rộng lớn của 6 xã quanh dự án, đồng ruộng khô hạn, không thể canh tác được. Chỉ mới khai thác ở độ sâu 25 - 35 m đã xẩy ra hiện tượng như vậy, thì ở độ sâu hàng trăm mét như dự án thì sẽ đối mặt với rất nhiều vấn đề khó khắc phục.

Mỏ sắt Thạch Khê có trữ lượng quặng trên 544 triệu tấn, được coi là mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á. Điểm hạn chế của mỏ là gần biển (bờ mong mỏ phía Đông Bắc chỉ cách bờ biển 500m), hàm lượng kẽm trong quặng sắt lớn (0,071%). Quá trình khai thác mỏ đến độ sâu - 550m sẽ phải bốc đi hơn 700 triệu m3 đất, đá. Tuổi thọ mỏ Thạch Khê là 52 năm.

Chủ đề Kinh tế Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast