Cho những cánh rừng Hà Tĩnh thêm xanh

(Baohatinh.vn) - Những cán bộ lâm nghiệp, kiểm lâm Hà Tĩnh ngày đêm không quản ngại vất vả để ươm mầm, bảo vệ màu xanh, sự đa dạng sinh học cho những cánh rừng.

Cho những cánh rừng Hà Tĩnh thêm xanh

Đoàn công tác của Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm Nguyễn Hữu Thiện kiểm tra thực tế công tác bảo vệ và phát triển rừng tại Hà Tĩnh vào tháng 6/2023.

Trồng cây, trồng rừng theo lời Bác...

Thiên nhiên khắc nghiệt, thời tiết cực đoan, nhưng những cánh rừng ở phía Nam Hà Tĩnh vẫn trùng điệp màu xanh. Hòa lẫn trong đó là hình ảnh hăng say lao động của những cán bộ lâm nghiệp, kiểm lâm và những người dân yêu rừng ở huyện Kỳ Anh. Họ ngày đêm thầm lặng cuốc đất, vỡ đồi, ươm giống, bảo vệ cây để phát triển rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc, làm giàu tài nguyên, đa dạng sinh thái gắn với phát triển kinh tế lâm nghiệp.

Từ cán bộ, nhân viên Hạt Kiểm lâm huyện Kỳ Anh, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh đến những người dân trồng rừng ở các xã: Kỳ Sơn, Lâm Hợp, Kỳ Thượng, Kỳ Lạc, Kỳ Khang, Kỳ Xuân... đều tập trung làm giàu oxy cho sự sống. Tất cả cùng chăm lo phát triển rừng, nâng cao hiệu quả sử dụng đất lâm nghiệp... để xây dựng các mô hình phát triển rừng bền vững theo định hướng tái cấu trúc ngành lâm nghiệp và chương trình xây dựng NTM.

Cho những cánh rừng Hà Tĩnh thêm xanh

Người trồng rừng nguyên liệu ở xã Kỳ Sơn (huyện Kỳ Anh) thu hoạch keo tràm.

Ông Nguyễn Đình Lưu - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Kỳ Anh phấn khởi: “Năm qua, toàn lực lượng đã tập trung tuyên truyền, vận động Nhân dân sử dụng hiệu quả, đúng mục đích những diện tích được giao khoán và tập trung chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện phương án quản lý rừng bền vững của các chủ rừng, thực hiện có hiệu quả các chính sách về lâm nghiệp.

Nhờ vậy, toàn huyện đã trồng được 3.550 ha rừng các loại, hơn 35 vạn cây phân tán, trồng 10,4 ha rừng phòng hộ ven biển, có thêm 1.663 ha rừng trồng sản xuất được cấp chứng chỉ FSC, làm được một số hạ tầng phục vụ sản xuất lâm nghiệp...”.

Cho những cánh rừng Hà Tĩnh thêm xanh

Kiểm lâm huyện Kỳ Anh phối hợp các lực lượng chức năng kiểm tra các khu vực rừng dễ bị xâm hại.

Cùng với huyện Kỳ Anh, các địa phương có nhiều lợi thế về đất lâm nghiệp như: Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang... cũng tập trung cao để hướng tới mục tiêu vừa cải thiện sinh thái, bảo vệ môi trường, làm giàu tài nguyên vừa cải thiện sinh kế và thu nhập cho người dân làm rừng.

Với quyết tâm cao, trách nhiệm lớn, hấp thu tốt các chính sách khuyến khích phát triển lâm nghiệp, toàn tỉnh đã trồng được 9.070 ha rừng tập trung, gần 3 triệu cây phân tán, gần 551 ha khoanh nuôi xúc tiến tái sinh. Nhờ hoạt động phát triển rừng được gắn liền với công tác chăm sóc, bảo vệ, khai thác nên đã cho sản lượng khai thác gỗ nguyên liệu đạt trên 583.120 m3, giá trị kinh tế đạt hàng trăm tỷ đồng.

Lá chắn bảo vệ “tấm phổi xanh”

Những cánh rừng Hương Khê vào xuân thêm xanh nhờ những bước chân không mỏi của các chiến sĩ trên mặt trận bảo vệ rừng.

Ông Nguyễn Quang Hào - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Hương Khê phấn khởi: “Trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt, địa hình hiểm trở, rừng luôn tiềm ẩn nguy cơ bị xâm hại..., chúng tôi luôn vào cuộc với quyết tâm cao nhất để hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng. Để quản lý, bảo vệ tốt gần 100.172 ha rừng và đất lâm nghiệp, lực lượng đã thực hiện gần 300 lượt tuần tra và nhiều hoạt động kiểm soát địa bàn, xử lý vụ việc, bảo vệ rừng tại gốc. Qua đó, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, chấn chỉnh 65 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, ứng cứu kịp thời 2 vụ cháy rừng và ngăn chặn được tình trạng sẻ phát, lấn chiếm đất rừng ở các tiểu khu 144, 200, 227, 236B, 265...”.

Cho những cánh rừng Hà Tĩnh thêm xanh

Kiểm lâm huyện Hương Khê kiểm tra, xử lý tang vật trong các vụ vi phạm lâm luật.

Vì rừng xanh quê hương, các đơn vị trực thuộc Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp để thực hiện bảo vệ rừng tại gốc có hiệu quả, nhất là ở những huyện có diện tích lớn, tiềm ẩn phức tạp. Hạt kiểm lâm các huyện cũng chủ động phối hợp chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt, xử lý dứt điểm các hành vi xâm hại rừng, động vật rừng.

Năm 2023, toàn tỉnh đã phát hiện, xử lý 201 vụ vi phạm lâm luật, tịch thu gần 72 m3 gỗ. Cùng đó, lực lượng cũng phối hợp bắt giữ 56 cá thể/14 kg động vật rừng và thực hiện hàng trăm cuộc truy quét để tháo dỡ, tiêu hủy 116.391 dụng cụ bẫy bắt chim tự nhiên, thả 986 cá thể chim mồi; tiếp nhận, vận động 114 tổ chức, cá nhân giao nộp 367 cá thể động vật hoang dã để cứu hộ, tái thả về tự nhiên...

Rừng thêm xanh còn nhờ công tác phòng cháy, chữa cháy được lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng cùng các chủ rừng, chính quyền địa phương và các lực lượng khác thực hiện hiệu quả theo phương châm “4 tại chỗ”, lấy nguyên tắc “phòng là chính”. Vào mùa nắng nóng, các cánh rừng được canh gác 24/24h với đầy đủ phương án, nhân lực, trang thiết bị... sẵn sàng cho mọi tình huống, mọi thời điểm.

Đặc biệt, toàn tỉnh đã làm mới, tu sửa 193 km đường băng cản lửa, 21 chòi canh lửa, 249 biển tường, xử lý 3.421 ha thực bì, mua sắm 633 máy thổi gió, 135 cưa xăng và nhiều phương tiện, dụng cụ khác... nên đã kịp thời ngăn chặn 27 điểm phát lửa, sớm dập tắt 11 vụ cháy rừng...

Cho những cánh rừng Hà Tĩnh thêm xanh

Cán bộ kiểm lâm Vườn quốc gia Vũ Quang phối hợp với BĐBP Hương Quang bảo vệ biên giới gắn với BVR.

Theo ông Hoàng Quốc Huấn - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh, dấu ấn của những “người lính” trên mặt trận bảo vệ rừng được thể hiện xuyên suốt, nổi bật, sinh động trong tất cả các lĩnh vực công tác, ở mọi địa bàn, được các cấp, ngành và Nhân dân đánh giá cao.

Thực hiện sự nghiệp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, trong năm 2023, Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hàng chục lượt tập thể và hàng trăm lượt cá nhân được các cấp, ngành tuyên dương. Đó là niềm tự hào, cũng là tiền đề, nền tảng vững chắc để ngành kiểm lâm cùng các cấp, ngành và toàn xã hội giữ rừng bền vững, an toàn, ngày càng hiệu quả.

Chủ đề Lâm nghiệp - bảo vệ rừng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast