Tập trung bảo vệ rừng tại gốc
Những ngày này, các cán bộ Trạm BVR Hoa Lạc (ở xã Kỳ Lạc - trực thuộc BQL rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh) bận rộn hơn với nhiệm vụ trong thời gian cao điểm (trước, trong và sau tết Nguyên đán 2022).
Tất cả họ phải bám trạm cả ngày lẫn đêm, liên tục tuần tra địa bàn, phối hợp với chính quyền các xã Kỳ Lạc, Kỳ Tân (huyện Kỳ Anh), Kỳ Hoa, phường Hưng Trí (TX. Kỳ Anh) và các lực lượng chức năng khác để làm tốt công tác BVR tại gốc, quyết không để 4.700 ha rừng phòng hộ được giao quản lý bị xâm hại.
Ông Nguyễn Ngọc Lâm - Trưởng BQL rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh (ngồi giữa) trao đổi, chỉ đạo Trạm BVR Hoa Lạc tập trung thực hiện nhiệm vụ BVR dịp cuối năm.
Ông Bùi Minh Tuấn - Trạm trưởng Trạm BVR Hoa Lạc cho biết: “Nhiệm vụ chính của chúng tôi là tuần tra, kiểm tra, nắm bắt thông tin kịp thời nhằm ngăn ngặn tình trạng khai thác lâm sản, săn bắt động vật rừng, sẻ phát đất lâm nghiệp trái phép, phòng chống cháy rừng, ngăn việc chăn thả trâu bò vào rừng mới trồng, xây công trình kiên cố trên đất lâm nghiệp…
Mặc dù địa hình phức tạp, thời tiết không thuận lợi, lực lượng mỏng, có nhiều vùng rừng nhạy cảm (nhất là tại các tiểu khu: 397, 386B, 195…), nhưng chúng tôi vẫn kiên quyết bám rừng, giữ rừng, không để rừng bị xâm hại".
Cán bộ ở Trạm BVR Hoa Lạc chuẩn bị công cụ, phương tiện chuẩn bị cho chuyến tuần tra
Được biết, từ đầu năm lại nay, 25 cán bộ ở 4 trạm và 1 chốt BVR của BQL rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh đã tự thực hiện gần 1.000 lượt và phối hợp thực hiện 230 lượt tuần tra, kiểm tra lâm phần, nhất là các vùng nhạy cảm, vùng giáp ranh.
Việc liên tục tuần tra khép kín toàn bộ diện tích 20.315 ha trải dài trên địa bàn 19 xã, phường của huyện và thị xã Kỳ Anh được xem là nhân tố quyết định việc bảo vệ màu xanh cho những cánh rừng phía Nam của tỉnh.
Tuần tra để BVR tại gốc là nhiệm vụ trọng tâm, được thực hiện thường ngày của các trạm BVR phía Nam
Ông Nguyễn Ngọc Lâm - Trưởng BQL rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh cho hay: “Công tác BVR tại gốc luôn được chúng tôi xem là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt nên đã ngăn chặn được tối đa tình trạng khai thác, tập kết, vận chuyển lâm sản, sẻ phát rừng trái phép và các hành vi khác xâm hại rừng. Cũng chính nhờ dốc lực BVR nên năm nay trên lâm phần chỉ xảy ra 1 vụ sẻ phát trái phép (giảm 6 vụ so với năm ngoái) và 3 điểm phát lửa ở rừng trồng (giảm 10 điểm so với năm 2020), không có vụ việc nào vi phạm về gỗ”.
Tích cực phát triển rừng
Tiết trời sắp sang xuân nên những ngày này, cả 150 hộ nhận khoán, bảo vệ lẫn cán bộ, nhân viên BQL rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh đều đang tập trung chăm sóc, xuống giống các diện tích rừng trồng.
Ngoài 70 ha mới trồng xong, hiện các lực lượng đang hoàn thành trồng 20 ha cây bản địa còn lại theo kế hoạch của Dự án Hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường tính chịu hạn vùng ven biển (được trồng theo hướng xúc tiến tái sinh có trồng bổ sung) trong vài tuần tới.
Các hộ nhận khoán rừng ở Kỳ Hoa chuẩn bị hố để xuống giống lim xanh.
Để phát triển rừng bền vững và hiệu quả, đơn vị lâm nghiệp này cũng đã và đang tận dụng thời tiết thuận lợi, sắp chuyển mùa sang xuân ra quân chăm sóc hơn 349 ha rừng phòng hộ mới trồng cây bản địa và 11.667 ha rừng nhận khoán theo Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững.
Nhờ được chăm sóc, quản lý, bảo vệ tốt nên những cánh rừng tái sinh, rừng phòng hộ, rừng sản xuất mới trồng đang phát triển khá tốt, không bị trâu bò phá hoại, sâu bọ gây hại…
Tổ chức tuần tra, kiểm soát rừng khoanh nuôi tái sinh có trồng bổ sung ở tiểu khu 386 (thuộc xã Kỳ Hoa)
Ông Bùi Đức Huân ở xóm Xuân Tiến, xã Kỳ Lạc (huyện Kỳ Anh) cho biết: “Gia đình tôi nhận khoán bảo vệ 30 ha rừng tự nhiên. Nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình, tôi đã tuân thủ đúng các quy định BVR và tích cực tham gia với BQL, chính quyền địa phương, lực lượng chức năng đảm bảo an toàn tuyệt đối diện tích rừng nhận khoán cũng như vùng lân cận. Ngoài ra, được sự hướng dẫn, chỉ đạo về mặt kỹ thuật, chúng tôi đã tập trung chăm sóc, sẻ phát để rừng phát triển tốt hơn”.
Lãnh đạo BQL rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh nhắc nhở các hộ nhận khoán khoanh nuôi, bảo vệ quan tâm chăm sóc, trồng dặm rừng cây bản địa (lim xanh).
Đáng nói, để chủ động trong thực hiện nhiệm vụ phát triển rừng, BQL rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh đã quan tâm đầu tư, chăm sóc vườn ươm giống các loại cây lâm nghiệp. Theo đó, trong năm nay, đơn vị đã sản xuất được khoảng 80 vạn cây bản địa (chủ yếu là lim xanh) và 45 vạn cây keo lai hom chất lượng, đủ để trồng theo các chương trình, dự án đã được phê duyệt.
Ông Lê Khắc Hữu - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Kỳ Anh đánh giá: “BQL rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng rất tích cực, chủ động và trách nhiệm. Chủ rừng đã phát huy được tinh thần trách nhiệm trong mọi hoàn cảnh, ở mọi địa bàn, góp phần cùng lực lượng chức năng giữ rừng tốt hơn...”.