Cho những cánh rừng thêm xanh!

(Baohatinh.vn) - Khi những cơn nắng mùa hè đã bắt đầu gay gắt, người ta bắt đầu nghĩ nhiều hơn đến những tán rừng xanh mát, về những triền đồi đang hồi sinh sau cơn hỏa hoạn… Và đâu đó, trên những trảng rừng ven biển, trên những cánh rừng ở non cao, những giọt mồ hôi đang thấm tan vào đất, vào gió, cát cho màu xanh thêm xanh.

“Có một cây là có rừng”

Chúng tôi trở lại núi Mồng Gà thuộc địa phận xã Sơn Trà (Hương Sơn) khi trên những sườn đồi, những “vết sẹo” của vụ cháy lớn hồi tháng 6/2020 đã bắt đầu “lên da non”. Hàng nghìn cây xanh đã được cơ quan chức năng và người dân trồng mới. Trên những trảng đất rừng, màu đen của khói lửa đã bắt đầu phai màu.

Cho những cánh rừng thêm xanh!

“Có một cây là có rừng”

Ông Lê Văn Bồng - chủ 5,4 ha rừng ở thôn 5, xã Sơn Trà chỉ cho chúng tôi “con đường lửa” mà năm ngoái hàng nghìn bước chân hối hả lao lên để dập cháy. Chúng tôi không còn hình dung ra cảnh tượng của mùa hè năm ngoái nữa, chỉ thấy một con đường nở tím sim mua… Bây giờ, con đường ấy cũng đã trở thành lối đi quen của ông Bồng và người dân nơi đây.

Sau cơn hỏa hoạn ấy, 5,4 ha keo mới được 3 năm tuổi của gia đình ông cháy rụi. Phía trên diện tích đồi keo, rừng thông cũng bị lửa thiêu sạch. Tôi ngước mắt nhìn lên những đỉnh cao của dãy núi Mồng Gà, những thân cây mới trồng đã bén rễ lên xanh. Để có được màu xanh ấy, các lực lượng chức năng và người dân đã phải nỗ lực hết mình.

Cho những cánh rừng thêm xanh!

Ông Lê Văn Bồng giữa cánh rừng mới trồng lại sau vụ hoả hoạn năm 2020 ở thôn 5, xã Sơn Trà (Hương Sơn)

Năm 2020, trên địa bàn huyện Hương Sơn xảy ra 35 điểm phát lửa tại 9 xã; trong đó, 2 vụ cháy rừng, diện tích thiệt hại 35,54 ha. Tổn thất đó là bài học sâu sắc cho cả các cơ quan chức năng lẫn người dân.

Toàn huyện hiện có gần 85.000 ha rừng và đất lâm nghiệp, để làm tốt công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng (BVR-PCCCR) huyện đã tăng cường công tác tuyên truyền, ký cam kết BVR-PCCCR cho 5.800 em học sinh và 1.971 hộ dân sống gần rừng. In ấn, phát 1.500 tờ rơi tuyên truyền công tác BVR-PCCCR cho cộng đồng, hộ dân sống gần rừng.

Sau thời điểm cháy rừng đến nay, các địa phương, đơn vị chủ rừng ở Hương Sơn đã trồng được hơn 1.370 ha rừng và hơn 980.000 cây phân tán...

Ông Lê Văn Bồng chia sẻ: “Tôi nhận đất trồng rừng một phần vì mong muốn phát triển kinh tế gia đình, đồng thời muốn góp sức mình phủ xanh đất trống, đồi núi. Qua cơn hoạn nạn, tôi và gia đình lại bình tâm, cùng nhau khắc phục. Mỗi ngày tôi lên núi không biết bao nhiêu lần, dọn dẹp, sửa sang lại mặt bằng, mặt khác liên hệ tìm mua cây giống, thuê nhân công để khôi phục lại rừng. Đến nay, tôi đã phủ xanh được gần kín 5,4 ha với 8.000 cây keo”.

Cho những cánh rừng thêm xanh!

Để phủ xanh được 5.4 ha rừng bị “bà hoả” thiêu rụi, mỗi ngày ông Bồng phải vào rừng mấy chuyến, khi thì đốc thúc nhân công, khi chỉ để ngắm nhìn những cây xanh đang bén rẽ, đâm chồi.

Nhìn những mầm cây đang lên xanh, chúng tôi như cảm nhận được tình yêu của người dân nơi đây với rừng. Và tôi biết, không chỉ riêng Hương Sơn, mỗi ngày, trên những triền rừng khắp nơi trong tỉnh, bóng áo xanh của lực lượng kiểm lâm, bước chân của những người trồng rừng cũng đang hòa vào mỗi nhịp quang hợp của lá xanh, hòa vào mỗi nhịp sinh sôi của rễ cây… để cùng tạo nên lời tâm tình của rừng xanh.

“Có một cây là có rừng” - câu hát ấy được ông Bồng nhắc đi nhắc lại nhiều lần khi dẫn chúng tôi lên tham quan khoảnh rừng mới. Chúng tôi hiểu rằng, đó là niềm tin, hy vọng của một người gắn bó gần cả cuộc đời với rừng. Và, đó phải chăng cũng chính là lời của rừng xanh vọng vào tâm thức của họ…

“Rừng giữ đất quê hương”

Từ bao đời nay, những người dân ven chân sóng hiểu rõ nhất vai trò giữ đất, giữ làng của rừng. Những cây phi lao dẻo dai, ngày đêm rì rào cùng sóng, cùng gió ven biển tưởng như thật yên ả mà kỳ thực là cả một cuộc đấu tranh rất kiên cường. Người dân vùng biển thấu hiểu rất rõ điều đó nên họ luôn nêu cao ý thức bảo vệ rừng.

Cho những cánh rừng thêm xanh!

Rừng phi lao chắn sóng có vai trò rất quan trọng đối với người dân xã ven biển Thịnh Lộc (Lộc Hà).

Anh Nguyễn Khắc Anh - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Thịnh Lộc (Lộc Hà) chia sẻ: “Địa phương hiện có hơn 353 ha rừng chắn sóng, chắn cát. Người dân Thịnh Lộc chủ yếu sống ven tuyến đê biển nên rừng chắn sóng, chắn cát có ý nghĩa rất lớn đối với đời sống.

Những triền rừng phi lao ven biển và những triền đồi bạch đàn, keo đang ngày càng xanh tốt đã giúp những cơn gió biển giảm sức mạnh, không mang theo cát vào xâm lấn đất nông nghiệp. Hơn nữa, những cánh rừng này cũng tạo nên môi trường sống trong lành cho người dân. Chính vì thế, người dân Thịnh Lộc rất có ý thức trong việc bảo vệ và trồng cây gây rừng”.

Cho những cánh rừng thêm xanh!

Anh Nguyễn Khắc Anh kiểm tra sâu bệnh rừng phi lao chắn sóng ven biển trên địa bàn xã Thịnh Lộc.

Dọc theo con đường ven biển, nếu chịu khó lắng nghe, rất dễ để nhận ra lời reo vui của rừng phi lao, như thể chúng hiểu được ý nghĩa của sự tồn tại của mình; như thể chúng cảm nhận được lòng biết ơn của người dân ven biển. Đã nhiều lần, trong những chuyến tác nghiệp của mình, tôi may mắn gặp được những ngư dân không chỉ giỏi nghề chài lưới mà còn mặn mà tình yêu với làng mạc.

Trên những miền quê ven chân sóng, đã có những người tiên phong ra đê dựng lều, gieo trồng những cây phi lao trên cát để gây rừng giữ làng. Những tấm gương đó đã dần lan tỏa, ngày càng có nhiều ngư dân nhận đất gây rừng. Lâu dần, màu xanh đã bao phủ những ngôi làng ven chân sóng. Có rừng, mùa nắng cũng như mùa gió bão, cuộc sống của người dân ven biển được an toàn hơn.

Ông Võ Hồng Lâm (thôn Quang Trung, xã Thịnh Lộc) cho biết: “Từ thuở nhỏ, chứng kiến những cơn bão cát “tấn công” làng mạc, tôi đã hiểu vai trò của rừng đối với đời sống người dân quê tôi như thế nào. Năm 1993, khi xã có chủ trương giao đất, giao rừng, tôi đã nhận 25 ha rừng phòng hộ ở thôn Yên Điềm để trồng cây gây rừng.

Ngoài ra tôi cũng nhận 2 ha ven biển để trồng rừng phi lao. Gần 30 năm gắn bó với rừng, tôi càng yêu cây, yêu đất và biết ơn giá trị của rừng. Mỗi năm tôi chỉ trồng chừng 5 - 7 nghìn cây nhưng giờ đây, diện tích rừng của tôi đã phủ kín. Những lứa rừng đến tuổi khai thác sẽ được trồng xen gối để đất không bao giờ trống”.

Cho những cánh rừng thêm xanh!

Mỗi năm, ông Võ Hồng Lâm chỉ trồng 5000 - 7000 nghìn cây nhưng đến nay 25 ha rừng phòng hộ của ông đã phủ kín và đã cho thu hoạch nhiều lứa.

Hà Tĩnh hiện có 360 nghìn ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó, rừng tự nhiên gần 218 nghìn ha, rừng trồng gần 96 nghìn ha, đất chưa có rừng 46 nghìn ha. Thời gian qua, rừng đã phát huy ý nghĩa, vai trò của mình trong đời sống con người nhưng vẫn có những thời điểm, những địa phương, ý thức bảo vệ rừng của người dân chưa cao, để xẩy ra những tổn thất không đáng có về rừng, ảnh hưởng lớn tới đời sống tự nhiên.

Mùa nắng nóng đã đến, hiện nay, cùng với các cơ quan chức năng, các địa phương trên toàn tỉnh đang nỗ lực tuyên truyền, phối hợp thực hiện nhiều chương trình hành động nhằm BVR-PCCCR hiệu quả nhất.

Chủ đề BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Đọc thêm

Tuyệt đối không chủ quan trước ảnh hưởng của bão số 6

Tuyệt đối không chủ quan trước ảnh hưởng của bão số 6

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, bão số 6 (bão Tramy) sau khi đổ bộ vào bờ, thay vì suy yếu, sẽ quay trở lại ra biển nên các địa phương, đơn vị cần cảnh báo người dân, nhất là ngư dân, tuyệt đối không được chủ quan.
Nông dân Hà Tĩnh xuống giống hoa cúc vụ tết

Nông dân Hà Tĩnh xuống giống hoa cúc vụ tết

Để giúp hoa sinh trưởng tốt, đảm bảo khung thời vụ, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ dịp tết, nhiều hộ dân trồng hoa cúc trên địa bàn Hà Tĩnh đang tập trung xuống giống.
Dư nợ nông nghiệp, nông thôn tăng trên 20%

Dư nợ nông nghiệp, nông thôn tăng trên 20%

Nhu cầu vay vốn đầu tư sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp, nông thôn tăng giai đoạn cuối năm đã đẩy dư nợ lĩnh vực này của các tổ chức tín dụng ở Hà Tĩnh tăng trưởng mạnh.
Mướt mắt trên những vườn cam chín sớm

Mướt mắt trên những vườn cam chín sớm

Dù năng suất cam năm nay đạt thấp hơn mọi năm nhưng bù lại được giá nên các nhà vườn ở huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) vẫn phấn khởi, bà con đang nhanh tay thu hoạch những quả chín sớm.