Đảm bảo an toàn cho tàu cá hoạt động

(Baohatinh.vn) - Mùa mưa bão đang đến gần, để đảm bảo thông tin liên lạc, neo đậu an toàn tàu cá, Tiểu ban An toàn nghề cá cùng với các địa phương chủ động xây dựng các phương án nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản cho bà con ngư dân.

Đảm bảo thông tin

Theo ông Nguyễn Tâm Thắng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Khai thác – Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, thông tin liên lạc và trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn trên tàu thuyền là hết sức quan trọng, đảm bảo an toàn cho người và tàu thuyền khi đang khai thác trên biển, nhất là vào mùa mưa bão. Tuy nhiên, hiện nay, các trang thiết bị như phao, bè cứu sinh; thông tin liên lạc chưa được các chủ tàu thuyền coi trọng, nguy cơ mất an toàn cao khi có sự cố xẩy ra.

Trước thực trạng trên, Tiểu ban An toàn nghề cá cùng với chính quyền địa phương các vùng biển đã xây dựng danh bạ điện thoại tàu cá, thường xuyên cập nhật số điện thoại, vùng hoạt động của các tàu cá đến thôn trưởng và các hộ ngư dân, chủ nậu vựa làm dịch vụ thủy sản để nắm bắt kịp thời thông tin tàu cá. Trong những ngày có bão, áp thấp nhiệt đới xảy ra, Tiểu ban tổ chức thường trực 24/24h, tiếp nhận các chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên, các ngành có thẩm quyền để phối hợp chỉ đạo cơ sở, ngư dân triển khai phương án phòng tránh bão một cách hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, các đài thông tin duyên hải cũng tăng cường công tác nắm bắt thông tin tàu cá để kịp thời cứu hộ, cứu nạn.

Đảm bảo an toàn cho tàu cá hoạt động ảnh 1

Cảng cá Xuân Hội - nơi neo đậu an toàn cho tàu cá trong mùa mưa bão.

Đảm bảo thông tin liên lạc cho tàu thuyền khi khai thác trên biển, một số xã vùng cửa lạch đã được trang bị 4 máy ICOM và 1 máy được đặt tại Chi cục Khai thác – Bảo vệ nguồn lợi thủy sản; 5 thiết bị kết nối vệ tinh (2 máy tại Kỳ Hà - Kỳ Anh, 2 máy tại Xuân Hội, 1 máy tại tàu kiểm ngư) đã phát huy hiệu quả trong những năm gần đây.

Ông Biện Ngọc Cường - Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Kim (Lộc Hà) cho biết: Nhờ được trang bị 1 máy ICOM đặt tại trung tâm xã, bất kể khi sóng to, gió lớn, các chủ tàu thuyền vẫn cập nhật được tình hình mưa bão để kịp thời vào nơi trú ẩn an toàn. Thạch Kim còn thành lập nhiều tổ đội khai thác trên biển nhằm trao đổi thông tin về diễn biến thời tiết, ngư trường và hỗ trợ nhau khi xẩy ra tai nạn. Ngoài ra, xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, yêu cầu tất cả các tàu thuyền khai thác hải sản vùng khơi, vùng lộng phải trang bị máy liên lạc tầm xa; tầm trung; áo phao, bè cứu sinh và dụng cụ chống đắm, đảm bảo an toàn khi ra khơi.

Neo đậu an toàn

Tàu thuyền là phương tiện hành nghề và cũng là tài sản lớn của bà con ngư dân vùng biển. Việc xây dựng, bố trí các phương án neo đậu đảm bảo an toàn cho tàu thuyền khi vào mùa mưa là hết sức quan trọng. Tuy có bờ biển dài 137 km với 4 cửa lạch thuận lợi cho việc giao lưu, sản xuất, nhưng gần đây, một số cửa lạch trên địa bàn tỉnh đang bị bồi lắng, gây khó khăn cho hoạt động tàu cá và tránh trú bão.

Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Nghi Xuân - Trịnh Quang Luật cho biết: Nghi Xuân có 2 cửa lạch là Cửa Hội (Xuân Hội) và Đồng Kèn (Cương Gián). Để đảm bảo an toàn cho người và tàu thuyền hoạt động trên biển trong mùa mưa bão năm nay, huyện tiến hành khảo sát, đồng thời, có phương án cho các tình huống từ bão cấp 8 - 12 để xác định vị trí an toàn cho tàu cá neo đậu. Theo đó, đối với tàu cá loại nhỏ (Xuân Yên, Cương Gián, Xuân Liên, Cổ Đạm, Xuân Thành), tập trung kéo lên bờ nơi sóng biển không xô tới; những tàu thuộc xã Xuân Hội, Xuân Phổ cho neo đậu tránh trú bão tại các khu vực dọc sông Lam; các tàu cá loại lớn xã Cương Gián và các xã lân cận trú tại lạch Đồng Kèn.

Không chỉ huyện Nghi Xuân, các huyện vùng bãi ngang ven biển như Kỳ Anh, Lộc Hà, Cẩm Xuyên... cũng đã chủ động xây dựng phương án neo đậu tàu thuyền. Theo đó, mỗi xã đã thành lập các tổ để tổ chức kéo tàu loại nhỏ lên bờ khi có bão. Những tàu cá lớn sẽ được hướng dẫn về khu neo đậu tránh trú bão Cửa Sót, lạch Hợp Tiến, Thăng Long (Lộc Hà); khu vực neo đậu Cửa Nhượng, lạch Cẩm Lĩnh, Cẩm Lộc (Cẩm Xuyên) và khu vực Kỳ Hà, Sông Trí (Kỳ Anh). Trường hợp tàu cá đang hoạt động tại vùng lộng, vùng khơi các tỉnh bạn gặp bão thì phải nhanh chóng vào nơi tránh trú an toàn và thường xuyên liên lạc với các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh để nắm rõ thông tin.

Ông Trần Xuân Hoàng - Chi cục trưởng Chi cục Khai thác – Bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho hay: Để đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động, cơ quan chức năng cần kiểm tra và xử lý nghiêm việc chấp hành các quy định của ngư dân; hướng dẫn ngư dân thành lập các tổ, đội sản xuất trên biển theo ngành nghề và khu vực đánh bắt hải sản; nâng cao ý thức và trách nhiệm cho ngư dân trong việc tham gia công tác cứu nạn, cứu hộ trên biển.

Thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp, các xã vùng bãi ngang ven biển cùng các đơn vị liên quan phải luôn trong thế chủ động, ứng phó kịp thời các tình huống xẩy ra, đảm bảo an toàn về người và tàu cá cho ngư dân.

Chủ đề Khu kinh tế Vũng Áng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast