Hà Tĩnh quyết tâm chạm mốc thu ngân sách năm 2016

(Baohatinh.vn) - Chưa đầy 2 tháng nữa cho một khối lượng công việc khổng lồ đang được cả hệ thống chính trị tập trung ở thời điểm này là công tác thu ngân sách nội địa. Khó khăn, căng thẳng là vậy nhưng mỗi đơn vị, cá nhân làm công tác hành thu vẫn đang nỗ lực để có thể “chạm” mốc kế hoạch…

3 điểm khó cốt lõi

Năm 2016, nhiều biến động đã ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả thu ngân sách. Mặc dù được cả hệ thống chính trị quan tâm chỉ đạo và ngành thuế Hà Tĩnh đã nỗ lực nhưng kết quả thu ngân sách tính đến thời điểm hiện nay vẫn đạt thấp so với chỉ tiêu đề ra. Tổng thu ngân sách nội địa trên địa bàn toàn tỉnh đến ngày 6/11/2016 đạt 4.014 tỷ đồng, bằng 53,5% kế hoạch (KH) tỉnh giao, 73,9% KH Bộ Tài chính giao, bằng 75% so với cùng kỳ.

ha tinh quyet tam cham moc thu ngan sach nam 2016

Với tiêu chí giảm thời gian thông quan, giải phóng hàng hóa... hệ thống VNACCS/VCIS của ngành Hải quan Hà Tĩnh đang đón nhận những phản hồi tích cực từ phía cộng đồng doanh nghiệp.

Mức đóng nộp ngân sách là thước đo “sức khỏe” của doanh nghiệp (DN) cũng đồng nghĩa với việc khi DN “ốm”, mức đóng nộp ngân sách cũng giảm sút theo. Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế vĩ mô 9 tháng đầu năm đạt thấp nhất từ trước đến nay (âm 12,6% so với cùng kỳ năm trước); vốn đầu tư phát triển đạt 45,4% KH (giảm 57% so với năm 2015); vốn đầu tư nước ngoài đạt 43,8% KH (giảm 59,8% so với cùng kỳ), tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ đạt 76% KH… là những minh chứng cho sự khó khăn chung về KT-XH trên địa bàn.

Theo phân tích, nguồn thu chủ yếu từ DN chiếm trên 70% tổng thu ngân sách, nhưng hiện nay, ở Hà Tĩnh, rất nhiều DN giải thể, bỏ kinh doanh, hoặc không phát sinh doanh thu. Theo báo cáo, tính đến ngày 30/9/2016, tổng số DN, HTX đã đăng ký kinh doanh quản lý thuế là 7.550 đơn vị, trong đó có 4.644 DN, HTX đang hoạt động, chiếm 61,5%. Điều đáng nói, trong số DN đang hoạt động, chỉ có 2.112 DN có số thuế phát sinh, chiếm 45,2% tổng DN đăng ký kinh doanh. Trong khi đó, kế hoạch giao nộp ngân sách đầu năm cho hơn 4.000 DN với chỉ tiêu nộp ngân sách 4.769 tỷ đồng nhưng 9 tháng đầu năm, chỉ có 2.960 DN có thuế nộp với số tiền 2.343 tỷ đồng.

Một số nguồn thu phát sinh có số nộp “khủng” trong năm 2015 và các năm trước nhưng lại không có chút “bóng dáng” ở năm 2016, ước tính làm hụt thu so với 2015 trên 2.000 tỷ đồng. Nếu như thuế từ Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh năm 2015 nộp hơn 1.847 tỷ đồng (trong đó có 981 tỷ đồng tiền phí bảo vệ môi trường, hơn 867 tỷ đồng tiền thuế nhà thầu và thuế khác) thì đến nay, mới nộp được 417,3 tỷ đồng, hụt thu hơn 1.430 tỷ đồng; thuế các đơn vị vãng lai chủ yếu là các DN ngoại tỉnh đến kinh doanh trên địa bàn Hà Tĩnh ký hợp đồng xây dựng các dự án của Formosa, QL 1A, 8A, 15A… nhưng các dự án này cơ bản đã hoàn thành nên thuế phát sinh ít, giảm khoảng 300 tỷ đồng so với năm 2015; tiền thuê đất, tiền sử dụng đất của Tập đoàn Vincom năm 2015 nộp 347 tỷ đồng nhưng năm 2016 không phát sinh…

Gần đây nhất, sự cố môi trường biển ở các tỉnh miền Trung đã ảnh hưởng rất lớn đến phát triển KT-XH, hoạt động kinh doanh và thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách năm 2016 của tỉnh. Hệ lụy là nguồn thu từ thuế các nhà thầu, thuế DN ngoại tỉnh ước chậm nộp khoảng 300 tỷ đồng, khoảng 200 tỷ đồng thu từ 550 hộ cá thể, 95 DN, tổ chức kinh tế kinh doanh trong các ngành hàng, khách sạn, du lịch tại các bãi tắm, kinh doanh hải sản cũng bị thất thu...

Càng khó, càng quyết tâm

Theo lãnh đạo Cục Thuế Hà Tĩnh, nhiệm vụ còn lại của những tháng cuối năm 2016 là vô cùng nặng nề. Ngành thuế đã đề ra nhiều giải pháp nhằm tăng số thu cao nhất có thể. Theo đó, những giải pháp được tiếp tục triển khai như tăng cường công tác cải cách hành chính gắn với siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong đội ngũ cán bộ, công chức; tăng cường rà soát đối tượng nộp thuế trên tất cả các lĩnh vực để đôn đốc kê khai và nộp kịp thời; triển khai đồng bộ các biện pháp thu hồi nợ đọng thuế, áp dụng các biện pháp thu nợ có hiệu quả để giảm thiểu nợ thuế ở mức thấp nhất; tăng cường giám sát kê khai, kiểm tra, thanh tra, chống thất thu thuế.

Đồng thời, ngành tiếp tục tham mưu UBND tỉnh trong việc chỉ đạo, khai thác nguồn thu và phối hợp các ngành liên quan, các địa phương làm tốt việc quản lý thuế để vừa tăng thu ngân sách, vừa đảm bảo kỷ cương pháp luật về thuế.

Bắt đầu từ tháng 9/2016, 3 đoàn giám sát thu ngân sách do các phó chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn cùng lãnh đạo các cấp, ngành, địa phương liên quan được kiện toàn và tập trung trí lực cho “chặng nước rút”. Phát huy những giải pháp từ các năm trước, năm nay, ngoài việc phân công bám sát từng địa phương, các đoàn còn phải chịu trách nhiệm đốc thu ở nhóm nội dung cụ thể.

Nếu như ở đoàn 2, nhiệm vụ tập trung ở lĩnh vực công thương, khoáng sản thì đoàn số 1 lại chịu trách nhiệm đôn đốc ở lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, y tế và đoàn số 3 lại ở lĩnh vực nông nghiệp, giao thông vận tải, ngân hàng. Tính đến nay, sau gần 2 tháng “ra quân”, mặc dù số thu tăng chưa nhiều như kỳ vọng nhưng đã thực sự huy động được cả hệ thống chính trị trong nhiệm vụ ngân sách.

Trao đổi về những giải pháp lâu dài, các chuyên gia kinh tế cho rằng, điểm mấu chốt nhất vẫn là tạo ra nguồn thu. Theo đó, cần có sự chỉ đạo tập trung từ các cấp để phát triển kinh tế, đẩy nhanh tiến độ các dự án, có chính sách thu hút đầu tư; tạo điều kiện thuận lợi nhất để tháo gỡ khó khăn cho DN; các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, cả hệ thống chính trị tiếp tục quyết liệt, hiệu quả với các giải pháp cụ thể tăng nguồn thu…

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast