Xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị: Cái khó bó cái khôn

Sau hơn 5 năm được công nhận đô thị loại 3, diện mạo TP Hà Tĩnh vẫn chưa đáp ứng được sự mong đợi của người dân. Hàng loạt công trình, dự án dân sinh cấp bách đang thi công dang dở hoặc đã ngừng thi công. Bài toán huy động nguồn lực xây dựng kết cấu đô thị chưa tìm ra lời đáp.

Những công trình thiếu vốn

Năm 2012 được đánh dấu như mốc quan trọng trong quá trình xây dựng, chỉnh trang bộ mặt đô thị của TP Hà Tĩnh. Chính quyền thành phố đã tập trung mọi nguồn lực thực hiện các công trình trọng điểm chào mừng kỷ niệm 5 năm thành lập thành phố, các công trình sử dụng vốn vay Bộ Tài chính, công trình nâng cấp các tuyến đê từ nguồn ngân sách T.Ư hỗ trợ và các công trình chuyển tiếp. Địa phương đã triển khai thực hiện 131 công trình xây dựng cơ bản, 93 công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, trong đó: 29 công trình chuyển tiếp và 64 công trình khởi công mới. Giá trị vốn đầu tư xây dựng cơ bản ước thực hiện đạt 399 tỷ đồng.

Thiếu vốn, dự án sửa chữa, nâng cấp đường 26/3 khó hoàn thành đúng tiến độ.
Thiếu vốn, dự án sửa chữa, nâng cấp đường 26/3 khó hoàn thành đúng tiến độ.

Với quyết tâm lớn, nhiều công trình, dự án quan trọng đã kịp hoàn thành trong dịp kỷ niệm ngày thành phố lên 5 tuổi. Song trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, chủ trương cắt giảm đầu tư công được thực hiện kiên quyết, nhiều công trình, dự án đang được triển khai trên địa bàn TP Hà Tĩnh không những không kịp hoàn thành trong năm 2012 mà còn kéo dài sang năm 2013 và không biết đến bao giờ mới kết thúc.

Công trình xây dựng đường 26/3 có tổng mức đầu tư 110 tỷ đồng (xây lắp 51 tỷ đồng) được triển khai từ tháng 6/2012, dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong quý II/2013. Nhưng đến thời điểm hiện tại, công trình vẫn đang ngổn ngang. Theo Trưởng BQL công trình TP Hà Tĩnh Phạm Tấn Sinh, bên cạnh những khó khăn của công tác GPMB, dự án được triển khai trong điều kiện thiếu vốn, do đó, tiến độ công trình khó đảm bảo như ý muốn. Tính đến thời điểm này, công trình vẫn chưa thể thông tuyến, các đơn vị mới chỉ thi công phần nền, móng mặt đường. Nếu được bố trí thêm 20 tỷ đồng, dự kiến đến tháng 8/2013, các đơn vị thi công sẽ bắt đầu rải thảm.

Cũng theo ông Sinh thì 3 đơn vị đảm nhận thi công là: Công ty CP Đầu tư và Xây dựng số 1 Hà Tĩnh, Công ty TNHH MTV QL&XD đường bộ 474 và Công ty CP QL&XD CTGT 487 được đánh giá là những đơn vị đủ năng lực triển khai dự án. Tuy nhiên, với quy định cho phép nhà thầu chỉ thi công trong khả năng vốn được bố trí thì chưa biết đến khi nào công trình mới được hoàn tất.

Cùng nằm trong danh mục các công trình dân sinh cấp bách nhưng dự án xây dựng đường Ngô Đức Kế lại đang đi vào ngõ cụt. Dự án có tổng mức đầu tư 35 tỷ đồng với chiều dài toàn tuyến 700m, nối QL 1A với đường Nguyễn Công Trứ. Mặc dù đã được bố trí vốn, nhà thầu đã huy động máy móc, phương tiện để thi công nhưng do công tác GPMB chưa được hoàn tất nên dự án bị hoãn và nguồn vốn được ưu tiên cho những công trình cấp bách hơn.

Bên cạnh các dự án có dấu hiệu ngừng thi công, nhiều dự án phục vụ dân sinh cấp bách như: dự án xây dựng đường Nguyễn Huy Tự, Hải Thượng Lãn Ông kéo dài, cầu Vồng... đã hoàn thành trên 90% khối lượng, nhưng do thiếu vốn nên các nhà thầu không vội hoàn thành công trình để bàn giao cho chủ đầu tư. Ngoài ra, các dự án: nâng cấp đê Trung Linh đoạn từ cầu Đông đến cầu Cày, đê phía Tây bờ sông Phủ đoạn từ cầu Nủi đến cầu Phủ, đê Đồng Môn... có tổng mức đầu tư hàng trăm tỷ đồng do chưa đủ nguồn vốn để chi trả tiền xây lắp và GPMB nên cái đang tạm ngừng, cái thì thi công ì ạch.

Khó vẫn hoàn khó

Trong bối cảnh khó khăn chung, TP Hà Tĩnh vẫn nhận được sự quan tâm của T.Ư và tỉnh bằng việc ưu tiên tiếp cận gần như toàn bộ vốn vay của Bộ Tài chính để đầu tư phát triển hạ tầng các đô thị trên địa bàn. Đây được xem như là nguồn hỗ trợ cần thiết giúp thành phố triển khai các công trình, dự án trọng điểm. Đồng thời xây dựng các phương án tối ưu nhằm huy động thêm các nguồn đầu tư xã hội khác.

Từ các nguồn vốn vay, hỗ trợ, TP Hà Tĩnh đã tiến hành xây dựng 5 dự án hạ tầng dân cư có tổng vốn đầu tư gần 340 tỷ đồng để đấu giá, sử dụng quỹ đất để tạo vốn xây dựng kết cấu hạ tầng và trả nợ cho Bộ Tài chính. Dự tính, sau khi hoàn thành, các dự án trên sẽ có tổng nguồn thu hơn 1.400 tỷ đồng. Theo tính toán, nguồn thu này sẽ đáp ứng được nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng trên địa bàn thành phố và nỗi lo về vốn của các công trình đang thi công sẽ sớm được trút bỏ.

Thị trường bất động sản "đóng băng" khiến nhiều địa phương ở thành phố Hà Tĩnh không biết "xoay" đâu nguồn vốn để đầu tư hạ tầng
Thị trường bất động sản "đóng băng" khiến nhiều địa phương ở thành phố Hà Tĩnh không biết "xoay" đâu nguồn vốn để đầu tư hạ tầng

Tiếc thay, do ra đời trong bối cảnh thị trường bất động sản đóng băng nên các khu hạ tầng dân cư được xây dựng cũng rơi vào tình cảnh ế ẩm. Thêm vào đó, các khu hạ tầng dân cư là những dự án được ưu tiên nguồn vốn để triển khai thi công nên khi hiệu quả của dự án này chưa được phát huy đã đồng nghĩa với tình trạng gia tăng điểm nghẽn trong chu trình tái sinh vốn. Vì vậy, nhiều công trình, dự án trên địa bàn cũng chịu “vạ lây”.

Ngoài ra, theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay, công tác GPMB, huy động nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị ở thành phố đang bộc lộ một số hạn chế, khó khăn. Việc thực hiện các chính sách thiếu đồng bộ, thành phố chưa có vùng tái định cư nên khi triển khai GPMB để thi công các dự án rơi vào thế bị động, lúng túng. Công tác quy hoạch, quản lý đất đai trước đây còn nhiều bất cập. Việc huy động nguồn lực, nhất là nguồn lực trong dân để xây dựng cơ sở hạ tầng còn thấp, chủ yếu sử dụng từ nguồn vốn đầu tư của Nhà nước.

Kiến trúc sư Lê Văn Thống - Phó Giám đốc Sở Xây dựng: "Công tác xây dựng, quản lý quy hoạch còn hạn chế"

Mặc dù đồ án Quy hoạch phát triển chung thành phố đã được phê duyệt, nhưng do thiếu nguồn lực nên việc thực hiện quy hoạch gặp nhiều khó khăn. Để đáp ứng yêu cầu phát triển, tỉnh có chủ trương đồng ý cho thành phố thuê đơn vị nước ngoài xây dựng quy hoạch điều chỉnh kiến trúc của thành phố, song đến nay vẫn chưa tìm ra đối tác thích hợp. Trên địa bàn thành phố hiện nay còn tồn tại nhiều đồ án quy hoạch chi tiết chồng chéo nhau khiến công tác quản lý phát triển đô thị ở TP Hà Tĩnh thiếu đồng bộ. Nhiều dự án đô thị phát triển mang tính tự phát, thiếu quy hoạch và kế hoạch, ảnh hưởng tới diện mạo đô thị và sự phát triển chung của thành phố.

Bà Nguyễn Thị Bình - Chủ tịch UB MTTQ phườngTân Giang: "Một bộ phận người dân đang đứng ngoài lợi ích chung của tập thể"

Thời gian qua, chúng ta đã làm tốt công tác vận động, tuyên truyền các chính sách liên quan đến công tác GPMB cho nhân dân. Đại đa số người dân đã hiểu, chia sẻ và thực hiện nghiêm túc chủ trương, đường lối của Nhà nước. Tuy nhiên, trên địa bàn thành phố còn một số bộ phận người dân đặt lợi ích cá nhân trên lợi ích tập thể, lợi dụng những sơ hở để khiếu kiện, khiếu nại làm phức tạp tình hình, ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành các công trình, dự án.

Ông Hồ Quốc Nguyên - tổ 3, phường Nguyễn Du (TP Hà Tĩnh): "Nhiều công trình, dự án chưa phát huy hiệu quả"

Những năm gần đây, thành phố đã triển khai xây dựng một số công trình, dự án trọng điểm góp phần thúc đẩy KT-XH phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh đó, công tác lựa chọn đầu tư có phần chưa hợp lý, nhiều công trình được lựa chọn chưa phát huy được hiệu quả, trong khi nhiều công trình, hạng mục cần thiết lại chưa được quan tâm. Các dự án hạ tầng quỹ đất chưa phát huy hiệu quả thì chúng ta lại tiếp tục quy hoạch, thu hồi đất để khởi công dự án khác. Thêm vào đó, việc tính toán đền bù ở nhiều công trình chưa thực sự kín kẽ, có những trường hợp phải đo đi tính lại nhiều lần gây ra những hiểu lầm không đáng có.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast