Thông qua các hoạt động ngoại khóa sẽ giúp trẻ phát triển toàn diện
Tương tự trường hợp của bé Ngân, năm nay đã lên 6 tuổi nhưng cậu bé Bùi Thế Anh, xã Tượng Sơn, Thạch Hà, Hà Tĩnh vẫn khá nhút nhát so với bạn bè cùng trang lứa. Sau khi được đồng nghiệp “mách nước”, gia đình quyết định cho cháu tham gia khóa học rèn luyện khả năng giao tiếp, tự tin. “Chỉ sau thời gian ngắn, cháu đã có những thay đổi tích cực, tự tin hơn. Từ một cậu bé khép nép sau lưng mẹ những ngày đầu đến lớp, giờ đây, con trai tôi đã có thể bắt nhịp với các bạn và hào hứng mỗi lần tới lớp học”, chị Thùy (mẹ cháu bé) phấn khởi.
Bên cạnh phương pháp dạy toán thông thường, việc tiếp xúc với hạt tính trong môn toán tư duy sẽ kích thích não bộ của trẻ
Các bé Kim Ngân, Thế Anh là hai trong số các trường hợp điển hình theo lời nhận xét của các giáo viên Trung tâm toán tư duy và kỹ năng sống Vinabacus (đường Hà Huy Tập, Tp. Hà Tĩnh). Hiện Trung tâm đang có 30 cháu theo học.
Cô Nguyễn Thị Mai, Giám đốc Trung tâm trăn trở: "Độ tuổi trung bình của học sinh tại trung tâm từ 5-10 tuổi, song điều đáng lo ngại nhất hiện nay là đa phần trẻ em thiếu kỹ năng chào hỏi; bên cạnh đó, việc quá lệ thuộc vào các thiết bị công nghệ như điện thoại, máy tính, tivi phần nào khiến trẻ trở nên thiếu tập trung. Chính vì vậy, các chương trình học tại trung tâm phải được thiết kế nhằm tạo ra môi trường trải nghiệm, giúp các em hoàn thiện các kỹ năng của bản thân, luôn tự chủ, thích ứng với cuộc sống, tự tin thể hiện bản thân. Theo đó, việc dạy bộ môn toán tư duy dựa trên các hạt tính sẽ kích thích não bộ của trẻ em, đồng thời, cô giáo còn đóng vai là người bạn của trẻ, cùng trò chuyện, khuyến khích các em phát huy những thế mạnh của bản thân. Hơn 5 tháng hoạt động cũng là thời gian các giáo viên tại đây được chứng kiến sự đổi thay, trưởng thành từ học sinh.
Dạy cho trẻ biết yêu thương, quan tâm người khác cũng là một trong những mục tiêu chương trình dạy kỹ năng sống hướng đến
Hiện tại, trung tâm đang tập trung trang bị và phát triển các kỹ năng cơ bản cho trẻ như: ứng phó với các tình huống nguy hiểm, cách sử dụng bản đồ tìm đường khi đi lạc, kỹ năng giao tiếp cơ bản, kỹ năng phòng cháy và phối hợp với một số trường học trang bị kỹ năng phòng chống xâm hại, bắt cóc… Ngoài việc rèn luyện kiến thức, giáo viên cũng luôn gắn các môn học vào trong thực tế để trẻ có thể vận dụng, lý giải những sự việc, hiện tượng cuộc sống hằng ngày. Ngoài các buổi học trên lớp, các em còn được tham gia các hoạt động ngoại khóa, các trò chơi rèn luyện trí nhớ, cải thiện khả năng hoạt động nhóm…
Do tính chất “học mà chơi, chơi mà học” nên chi phí các khóa đào tạo khá cao (từ 50-90 ngàn đồng/2 tiếng), chưa kể các hoạt động ngoại khóa.
Thông qua các hoạt động trải nghiệm bổ ích, các em không chỉ học kiến thức, mà còn được “va chạm" với thực tế để từ đó phát triển một cách toàn diện, từng bước cải thiện các kỹ năng, nhất là khả năng tự bảo vệ mình trong mọi hoàn cảnh. Tuy nhiên, đây không phải là việc làm ngay trong thời gian ngắn mà là cả một quá trình liên tục từ định hướng, củng cố, trau dồi và phát triển. Để có được kết quả tốt nhất trong giáo dục kỹ năng sống cũng cần có sự phối hợp chặt chẽ và khoa học giữa nhà trường và gia đình; giữa giáo viên và phụ huynh; đặc biệt, đòi hỏi cha mẹ phải luôn là người bạn đồng hành cùng trẻ.