Kỳ vọng một nền giáo dục thực học, thực nghiệp

Đánh giá cao những nỗ lực và tư duy đổi mới của Bộ GD&ĐT trong quá trình thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT trong năm 2015, GS. Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ mong muốn ngành giáo dục sẽ dân chủ hơn; thực học,thực nghiệp hơn nữa.

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết

- Là người đã từng tham gia quản lý, phản biện các chính sách về giáo dục của Việt Nam, giáo sư đánh giá sự đổi mới về giáo dục của Việt Nam thời gian qua đã đạt được những thành quả ở mức độ nào?

GS. Nguyễn Minh Thuyết: Từ khi Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT ra đời cho tới nay, ngành Giáo dục đã rất tích cực triển khai đổi mới ở nhiều mặt. Một mặt, chuẩn bị những đề án lớn cho tương lai như Hệ thống Giáo dục quốc dân, Chương trình giáo dục phổ thông mới. Mặt khác, đổi mới chính những công việc mà ngành giáo dục đang tiến hành chứ không đợi những dự án kia hoàn thành phê duyệt rồi mới đổi mới.

Ví dụ như, 2 năm qua trong giáo dục phổ thông, Bộ GD&ĐT đã thử nghiệm nhiều phương pháp giáo dục mới như Bàn Tay nặn bột, Trường học mới (VNEN)… đây là những phương pháp giáo dục tiên tiến, hiện đại mang lại triển vọng về sự thay đổi phương thức đào tạo cách thức dạy và học. Có thể cách thức triển khai chưa đúng, hơi vội nên chưa mang lại hiệu quả cao và hiệu ứng xã hội tốt…

Tuy nhiên tôi thấy những đổi mới theo hướng cho các em thực hành nhiều hơn, đào tạo kỹ năng sống của Bộ GD&ĐT là nhận thức đúng và tinh thần sốt sắng đổi mới là rất nên.

Nhưng một điều vẫn khiến tôi băn khoăn, đó là giáo dục Việt Nam qua 5 lần cải cách, đổi mới dường như mới chỉ tập trung vào giáo dục phổ thông. Còn khâu cuối cùng quyết định chất lượng nguồn nhân lực lao động cho xã hội đó là đại học, cao đẳng và dạy nghề thì chưa được quan tâm đúng mức. Trong khi đó, tư duy quan điểm đổi mới giáo dục của thế giới lại tập trung chủ yếu ở giáo dục đại học mà cụ thể là kiểm định chất lượng đầu ra. Và bậc dưới phổ thông là mầm non mình cũng chưa đánh giá và quan tâm đúng mức.

Chủ trương đổi mới của Nghị quyết 29 là căn bản, toàn diện ở tất cả các cấp. Và tôi cho rằng đổi mới ở bậc đại học, dạy nghề là quan trọng hơn. Mà theo tôi đổi mới giáo dục đại học rất dễ cứ theo mô hình nước ngoài mà làm thôi.

- Thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã triển khai nhiều giải pháp đổi mới giáo dục đại học như thực hiện Luật Giáo dục đại học, xây dựng lộ trình tuyển sinh riêng, thành lập 3 trung tâm kiểm định chất lượng đại học tại 2 đại học quốc gia, 1 trung tâm kiểm định (TTKĐ) của Hiệp hội các trường CĐ, đại học cùng với việc đẩy mạnh thí điểm tự chủ đối với đại học công lập, thưa giáo sư?

GS. Nguyễn Minh Thuyết: Đúng là việc cho các trường đại học tự chủ và kiểm định chất lượng đầu ra của giáo dục đại học sẽ thay đổi chất lượng đại học nhưng chưa đủ. Hiện nay tôi thấy bộ vẫn làm hộ các trường nhiều việc như quy định chỉ tiêu đào tạo, mở ngành, tuyển sinh. Bản thân các trường cũng chỉ nghĩ tự chủ là tự chủ về tài chính còn lại mọi thứ vẫn ỷ lại vào Bộ. Đơn cử như thời hạn các trường đại học phải có phương án tuyển sinh riêng vào năm 2017 đã sắp đến, nhưng có vẻ nhưng rất ít trường thực sự chuẩn bị cho điều đó.

Rõ ràng, tự chủ là Bộ cũng không làm thay việc đào tạo, quản lý của các trường, song về phần mình Bộ cũng cần có cơ chế chính sách hướng dẫn họ làm và kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ.

Bộ hiện nay vẫn quá tập trung vào kiểm định chất lượng đầu vào, trong khi đó chính kiểm soát chất lượng đầu ra mới đảm bảo chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Giáo dục đại học cũng phải có sự sàng lọc, không thể 100% vào rồi lại 100% ra. Chúng ta cũng đã nói nhiều đến vai trò của chuẩn đầu ra, Hệ thống Giáo dục quốc dân Bộ đang xây dựng cũng nhấn mạnh điều này. Tuy nhiên, đã có chuẩn đầu ra thì phải có kiểm định chất lượng.

Ảnh minh họa: fpt.edu.vn
Ảnh minh họa: fpt.edu.vn

- Những TTKĐ chất lượng giáo dục đại học của chúng ta còn ít về số lượng và thiếu kinh nghiệm, Trong khi đó thực tế đòi hỏi việc kiểm soát chất lượng đầu ra là bức xúc và cấp thiết. Vậy theo giáo sư, chúng ta cần làm gì để quá trình kiểm soát này không bị gián đoạn trong khi chờ các TTKĐ trưởng thành?

GS. Nguyễn Minh Thuyết: Hiện nay TTKĐ của hai đại học quốc gia mới thành lập, đang trong quá trình tập huấn, đào tạo, và khi trưởng thành thì tôi e là cũng chỉ đủ khả năng kiểm định chất lượng của chính họ. TTKĐ của Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam thì rất mới và chưa có kinh nghiệm.

Tóm lại tôi thấy 3 TTKĐ chất lượng hiện nay không đủ sức kiểm định chất lượng tất cả các trường đại học trên toàn quốc. Và Bộ cũng phải mở ra cơ chế cho phép thành lập các tổ chức kiểm định chất lượng độc lập bên cạnh việc cần nhanh chóng thúc đẩy sự phát triển của các trung tâm đó.

Chúng ta cũng có thể mời các TTKĐ khu vực vào kiểm định chất lượng cho các trường của mình. Việc có sự công nhận về chất lượng đầu ra của những tổ chức kiểm định quốc tế như AUN (Hiệp hội các trường đại học Đông Nam Á) chính là đóng dấu chất lượng cho nền giáo dục của mình. Và thực tế là có những trường đã đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng của AUN như Đại học quốc gia Hà Nội.

Không bắt buộc các trường phải tham gia kiểm định chất lượng, nhưng chúng ta cần công bố công khai những trường có tham gia kiểm định, những trường đã đạt tiêu chuẩn. Và rõ ràng nếu như Đại học Bách khoa Hà Nội đã được AUN chứng nhận, thương hiệu của trường sẽ trở nên danh giá hơn, bằng cấp của họ có giá trị hơn. Trường nào chưa được kiểm định đương nhiên sẽ ở tốp dưới.

Nếu thực hiện đúng việc kiểm định chất lượng đại học, đảm bảo chất lượng đầu ra sẽ tác động trực tiếp đến chất lượng nguồn nhân lực, vì nó sẽ bắt buộc người học phải học làm sao đáp ứng chuẩn đầu ra và người dạy cũng phải làm như thế nào để sinh viên của mình đạt chuẩn. Điều này sẽ rất tốt cho nâng cao chất lượng giáo dục đại học vì nếu không kiểm định chất lượng thì giáo dục đại học không thể phát triển được.

- Vậy trong năm 2016, giáo sư kỳ vọng gì đối với những đổi mới của ngành giáo dục?

GS. Nguyễn Minh Thuyết: Tôi nghĩ rằng, để thực hiện tốt nhất tinh thần, nội dung của Nghị quyết 29, cần quán triệt hai tư tưởng nổi bật: Một là phải thực học, thực nghiệp. Hai là dân chủ.

Thực học, thực nghiệp là phải gắn đào tạo với thực tế. Chúng ta nên đầu tư có trọng tâm trọng điểm cho những ngành nghề trực tiếp sản xuất ra của cải vật chất tăng cường năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế. Trong điều kiện nước ta còn nghèo, không nên đầu tư dàn trải.

Dân chủ là để quyền tự chủ cho cơ sở đào tạo nhiều hơn. Nội dung giáo dục cần cởi mở hơn để khai phóng tư tưởng người dạy người học. Bởi tư tưởng, nếu bị bó khuôn rất khó đổi mới.

- Xin cảm ơn giáo sư!

Theo chinhphu.vn

Đọc thêm

Lắng nghe “Điều em muốn nói”

Lắng nghe “Điều em muốn nói”

Diễn đàn “Điều em muốn nói” được các trường học ở Hà Tĩnh tổ chức góp phần mở “cánh cửa” tâm hồn của học sinh, giúp người lớn thấu hiểu, đồng hành với các em trên hành trình trưởng thành.
Thầy Tổng phụ trách Đội yêu nghề, mến trẻ

Thầy Tổng phụ trách Đội yêu nghề, mến trẻ

Tròn 24 năm làm Tổng phụ trách Đội, thầy Lê Khải Chương - Trường Tiểu học Sơn Lâm (Hương Sơn, Hà Tĩnh) vẫn tràn đầy đam mê với nghề và luôn thương yêu, tận tâm với học trò.
Bí thư Tỉnh ủy chúc mừng các Nhà giáo Nhân dân

Bí thư Tỉnh ủy chúc mừng các Nhà giáo Nhân dân

Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng bày tỏ sự tri ân sâu sắc trước những đóng góp, cống hiến của các Nhà giáo Nhân dân đối với sự nghiệp trồng người cũng như phát triển KT-XH tỉnh nhà.