Những bông hoa “nở ép”
Trong phòng hậu phẫu của Khoa Sản - Bệnh viện Đa khoa tỉnh, có một người phụ nữ nông thôn đang chăm sóc cô con gái vừa sinh. Sản phụ là một cô bé xinh xắn, mới 17 tuổi. Bế trên tay đứa con trai mới được mấy ngày tuổi, nước mắt em nhạt nhòa. Tôi đi cùng người chị họ hiếm muộn vào đây gặp gia đình em để bàn thủ tục xin nhận con nuôi.
Tổ chức các buổi tuyên truyền lưu động là hoạt động thường xuyên của Trung tâm CSSKSS tỉnh.
Mẹ em giãi bày: đang là học sinh cấp 3 ở một xã vùng thượng huyện Kỳ Anh, em được tiếng là xinh xắn, ngoan ngoãn. Rồi một ngày bà như chết điếng khi con gái báo tin đã mang thai với một thanh niên xã bên. Lúc đó, thai đã lớn, không còn cách nào khác, bà phải xin cho con nghỉ học với lý do chữa bệnh rồi cho con vào miền Nam ở với dì chờ ngày sinh. Vì điều kiện gia đình khó khăn, và vì tương lai của em, gia đình quyết định cho cháu bé làm con nuôi để mong cháu có một cuộc sống tốt đẹp hơn.
14 tuổi - cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” nhưng L.T.N (Đức Thọ) đã phải mang trong mình bào thai 16 tuần tuổi. Gương mặt non nớt, ánh mắt len lén sợ hãi, em nhỏ thó nép mình vào người mẹ bên trong sảnh chờ của khoa sản. Vì nhẹ dạ, thiếu hiểu biết nhưng lại thừa sự tò mò về giới tính nên em đã nghe lời dụ dỗ của bạn trai, hậu quả là mẹ phải dắt em xuống đây để “giải quyết”. Sau khi hoàn thành các thủ tục cần thiết, em theo chân bác sĩ vào phòng, đôi mắt ngân ngấn nước ngoái nhìn mẹ như “cầu cứu”.
Để giữ lại đứa con, có một đám cưới với “tác giả” cái thai trong bụng thì N.X.T (TP Hà Tĩnh) đã phải bỏ học khi bạn bè em chăm chỉ ôn tập cho kỳ thi đại học. Lẽ ra giờ này được tung tăng ở giảng đường thì em lại vừa tất bật với việc buôn bán, vừa nuôi con nhỏ. Em tâm sự: “Lỡ dại nên đành bỏ học để lấy chồng, sinh con, cũng may con ngoan, chồng tuy ít tuổi nhưng cũng thương yêu vợ con và giúp em việc buôn bán ở cửa hàng. Giờ thì em an phận!”. Nói rồi em cười buồn, ánh nhìn xa xăm vương chút tiếc nuối cho những dại khờ đã qua.
“Vẽ đường cho hươu chạy”… đúng
Chuyện về những cô bé “lỡ làng” như thế ngày nay không còn là chuyện hiếm. Theo số liệu báo cáo từ Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS), năm 2016, trên toàn tỉnh, số trẻ em gái vị thành niên mang thai ngoài ý muốn giảm so với năm trước nhưng số ca nạo phá thai lại tăng. Cụ thể, năm 2015, có 312 em mang thai ngoài ý muốn, năm 2016 có 195 em; số ca nạo phá thai năm 2015 là 12 thì năm 2016 đã tăng lên 29 ca. Tuy nhiên, đây chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”, bởi trên thực tế, con số đó hẳn phải cao hơn rất nhiều.
Bác sỹ Trần Thị Kim Phương - Trưởng khoa Chăm sóc SKSS vị thành niên/Nam học - Trung tâm Chăm sóc SKSS tỉnh cho biết: “Với tâm lý muốn che giấu danh tính, thủ tục nhanh gọn, nhiều gia đình có con gái mang thai ngoài ý muốn đã chọn các cơ sở bên ngoài để thực hiện việc nạo phá thai “chui” thay vì tìm đến cơ sở được cấp phép của Nhà nước. Số đó chúng tôi không thể quản lý được. Để hạn chế tình trạng này và trang bị cho các em những kiến thức cơ bản về giới tính, SKSS, thời gian qua, trung tâm đã tích cực tuyên truyền giáo dục tại 13 huyện, thị, thành. Tại mỗi huyện, chúng tôi thành lập một câu lạc bộ SKSS và sức khỏe tình dục vị thành niên; ở nhiều trường học THCS, THPT thì có “Góc thân thiện” mở cửa thường xuyên để cung cấp số điện thoại tư vấn viên, tờ rơi giáo dục giới tính, SKSS, dụng cụ tránh thai… Cùng với đó là phối hợp đoàn thanh niên triển khai các buổi truyền thông lưu động. Từ đầu năm đến nay, trung tâm đã phối hợp tổ chức được 182 buổi tuyên truyền tuyến huyện”.
Nói về vấn đề này, chị Nguyễn Ngọc Trâm (một phụ huynh có con gái đang học THPT ở TP Hà Tĩnh) thẳng thắn chia sẻ: “Quan niệm cố hữu của người Việt là e ngại, lảng tránh nói với con về chuyện giới tính vì cho rằng như thế là “vẽ đường cho hươu chạy”. Nhưng quan điểm của tôi là trong thời buổi hiện nay, không “vẽ đường” thì “hươu” cũng “chạy”, thế nên cần “vẽ đường” để “hươu chạy”… đúng.
Giáo dục giới tính không chỉ đơn thuần là giáo dục cách quan hệ tình dục an toàn mà rộng hơn là trang bị cho các em kiến thức, kỹ năng để biết tự bảo vệ mình trước những nguy cơ xâm hại, những hậu quả đáng tiếc liên quan đến SKSS. Công tác này phải được triển khai càng sớm, càng tốt, phù hợp với từng lứa tuổi.
Bác sỹ Trần Thị Kim Phương trăn trở: “Những người làm công tác chăm sóc SKSS như chúng tôi luôn mong muốn các em gái khi gặp vấn đề khó nói hãy tìm đến các cơ sở như Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trung tâm Chăm sóc SKSS, MSI… để được tư vấn, thăm khám và chăm sóc nhằm hạn chế những tai biến có thể xảy ra khi các em tìm đến những cơ sở không an toàn. Với người phụ nữ, thiên chức làm mẹ thiêng liêng vô cùng, các em hãy tự biết bảo vệ mình để thực hiện thiên chức đó một cách trọn vẹn nhất”.