Khi gia đình và nhà trường chưa là nơi chia sẻ
Chị T.K. ở phường Sông Trí (TX Kỳ Anh) được xem là một người kinh doanh khá thành đạt. Hàng ngày bận rộn với công việc kinh doanh, hơn nữa, thấy cô con gái học lớp 7 chăm học, các kỳ họp phụ huynh đều được cô giáo khen nên chị rất yên tâm và tự hào về con. Thế nhưng, một hôm tình cờ cầm điện thoại của con, chị bủn rủn chân tay khi thấy những tin nhắn rất mùi mẫn kèm theo kiểu xưng hô “ck”, “vợ”, “chồng”... Quá bất ngờ và không biết phải xử trí thế nào, chị lôi con ra “xả” cho một trận rồi lấy điện thoại ném vào sọt rác, cấm tiệt con dùng điện thoại.
Ảnh minh họa từ internet
Một trường hợp khác, khi phát hiện cô con gái học lớp 8 yêu một học sinh lớp 11 trên địa bàn, chị N.A. đã nhờ tới giáo viên, bố mẹ cậu bạn kia can thiệp. Kết cục, con chị xấu hổ, thường xuyên bỏ học và ngày càng tỏ thái độ bất cần…
Trên đây chỉ là 2 trong vô số những trường hợp xử sự chưa đúng cách nếu không muốn nói là hơi cực đoan trước những cảm xúc, rung động giới tính của con trẻ. Ở gia đình đã vậy, tại nhà trường, các em gần như cũng chỉ mới được trang bị những kiến thức sách vở, văn hóa mà chưa được quan tâm đúng mức đến những kiến thức, kỹ năng sống, trong đó có kiến thức về tình yêu, tình dục.
Sự tác động của truyền thông đa phương tiện
Trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ, các thiết bị số cá nhân cùng những trang mạng xã hội trực tuyến đã mang đến cho con người biết bao tiện ích. Thế nhưng, mặt trái của các loại phương tiện, thiết bị này cũng không phải là ít nếu như chúng ta không biết kiểm soát, sử dụng đúng cách, đúng mục đích, nhất là đối với giới trẻ. Cái thời đi đâu cũng có điện thoại, tablet lướt web, laptop, máy tính kết nối mạng, giới trẻ tha hồ tìm hiểu, thỏa trí tò mò...
Nhiều em trở nên nghiện “thế giới ảo”, thậm chí kết bạn, yêu đương với những người chưa hề gặp mặt, chưa biết một chút thông tin nào về họ ở ngoài đời. Em T.D. - học sinh lớp 8 cho biết: “Hàng ngày, rảnh khi nào là lên facebook khi đó. Được kết bạn, nói chuyện trên đó vui và thoải mái hơn với bố mẹ...”! Việc nghiện “thế giới ảo” cộng với sự hạn chế về kiến thức, trải nghiệm cuộc sống là cái bẫy khiến các em trở thành mục tiêu tấn công của không ít kẻ có động cơ không trong sáng.
Hãy trở thành bạn của trẻ
Khác với cách hành xử nóng nảy, cực đoan của không ít người, chị L.H. (phường Nam Hà - TP Hà Tĩnh) chọn giải pháp “mềm”: lập nick facebook, kết bạn với con, like, comment... kết hợp theo dõi, nắm bắt thông tin, diễn biến tâm lý của con. Về nhà, chị thường xuyên tâm sự để hỏi han, phân tích cho con về chuyện tình cảm, những rung động đầu đời thì ai cũng có nhưng hãy thể hiện tình cảm một cách trong sáng, đúng với lứa tuổi của con. Kết quả là con gái chị càng ngày càng gần gũi, tâm sự cùng mẹ, thành tích học tập tốt lên, có vấn đề gì khúc mắc, 2 mẹ con cùng bàn bạc, giải quyết...
Theo các chuyên gia tâm lý, người lớn cần phải cố gắng đặt mình vào vị trí của trẻ để hiểu chúng nghĩ gì và muốn gì. Đừng bao giờ suy nghĩ và bắt chúng phải hành động như chúng ta của mấy thập niên trước; thay vào đó, hãy định hướng trẻ có lối suy nghĩ lành mạnh, tích cực, bổ trợ những kiến thức giới tính, kỹ năng sống để trẻ có hành trang vững chắc bước vào đời. Hãy trở thành bạn của con trẻ, hãy lắng nghe và định hướng giáo dục đạo đức trong tình yêu với con trai để không “gây hại” cho người khác. Với con gái, cha mẹ cần giáo dục để con biết giữ mình và biết những hậu quả phải gánh chịu nếu dễ dãi, thiếu tự trọng...