Làm nhà kiên cố tránh bão lũ cho người dân Hà Tĩnh: Cần lắm cái bìa đất

(Baohatinh.vn) - Chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) - một trong những tiêu chí mang tính bắt buộc, nhiều hộ dân ở Hà Tĩnh bị ảnh hưởng bởi thiên tai chưa đủ điều kiện để tiếp cận nguồn hỗ trợ làm nhà kiên cố.

Bà T.T.V. (SN 1933, ở thôn 18, xã Tân Lâm Hương, Thạch Hà) già yếu sống một mình, con cái không có điều kiện kinh tế. Tuy nhiên, khi xem xét các điều kiện để hỗ trợ làm nhà ở theo Quyết định 22-QĐ/TU, ngày 20/11/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thì bà lại chưa có GCNQSDĐ, do bìa đất mang tên con.

Tương tự, cùng xã, chị N.T.H. (SN 1983, thôn Bình Tiến) sống trong ngôi nhà xuống cấp, chồng đã mất do tai nạn giao thông, một mình nuôi 3 con nhỏ, kinh tế gia đình phụ thuộc vào 2 sào ruộng. Nhưng, đợt hỗ trợ làm nhà ở lần này, gia đình chị H. vẫn chưa nằm trong danh sách do chưa có bìa đất.

Làm nhà kiên cố tránh bão lũ cho người dân Hà Tĩnh: Cần lắm cái bìa đất

Các hộ dân ở xã Phú Lộc (Can Lộc) nhận tiền hỗ trợ làm nhà ở đợt 1

Cùng chung tình cảnh, nhiều hộ dân ở Cẩm Xuyên cũng chưa vui lòng khi cấp trên trả hồ sơ đề nghị xem xét. Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Cẩm Xuyên Nguyễn Như Dũng cho hay: Vừa qua, trong đợt xét hồ sơ các hộ làm nhà ở kiên cố phòng tránh bão lũ, huyện Cẩm Xuyên có 16 trường hợp không có GCNQSDĐ nên chưa được hưởng chính sách. Đây là các hộ được người dân và chính quyền địa phương đưa vào danh sách đề nghị.

Làm nhà kiên cố tránh bão lũ cho người dân Hà Tĩnh: Cần lắm cái bìa đất

Các hộ dân sau khi khởi công xây dựng nhà sẽ được trao hỗ trợ đợt 1 với số tiền 35 triệu đồng, sau khi vào ở sẽ được nhận 35 triệu đồng tiếp theo (Trong ảnh: Giấy biên nhận tiền của một hộ dân)

“Ngày 15/1/2021, UBND huyện Cẩm Xuyên đã làm Văn bản số 117 xin ý kiến của Ban Chỉ đạo tỉnh “Về việc tháo gỡ vướng mắc trong việc xây dựng nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh bão, lũ và nhà kiên cố cho hộ người có công, hộ nghèo và hộ bị ảnh hưởng thiên tai”.

Văn bản gồm 4 nội dung, trong đó có nội dung: Trên địa bàn, một số hộ nghèo, hộ bị ảnh hưởng thiên tai đang ở nhà tạm bợ hoặc nhà ở xuống cấp nghiêm trọng mặc dù có đất ở ổn định từ lâu nhưng vì nhiều lí do chưa có GCNQSDĐ” – Phó Chủ tịch UBND huyện Phạm Hoàng Anh trao đổi.

Làm nhà kiên cố tránh bão lũ cho người dân Hà Tĩnh: Cần lắm cái bìa đất

Nhà ông Hồ Văn Viêm - thôn Kỷ Các, xã Tân Lâm Hương (Thạch Hà) - một trong các đối tượng được Ban Chỉ đạo 22 tỉnh phê duyệt đã hoàn thành phần thô

Theo kinh nghiệm nhiều năm khảo sát đối tượng để làm nhà ở, ông Võ Xuân Phong - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Can Lộc nhận thấy, nhiều đối tượng già yếu, khó khăn nhưng đã chuyển nhượng đất cho con, song vẫn ở riêng vì con không đủ điều kiện kinh tế; nhiều người già chia cho các con theo hướng tách thành các thửa… vì thế, chưa có GCNQSDĐ.

Ông Phong còn cho biết, Can Lộc có 410 hộ khó khăn có nhu cầu làm nhà ở. Trong đợt 1, huyện có 48 hộ được làm nhà, trong đó nhiều nhà đã đưa vào sử dụng. Hiện nay, Ban Chỉ đạo huyện đang rà soát đợt 2 để đề nghị tỉnh làm 200 nhà. Huyện đang chỉ đạo các địa phương rà soát kỹ về GCNQSDĐ của các hộ nhằm tìm hướng giải quyết cho người dân, nhưng, tuyệt đối không để lợi dụng chính sách.

Theo tìm hiểu, các vướng mắc trên không chỉ là băn khoăn của huyện Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên mà hầu hết các địa phương. Tuy nhiên, theo trả lời của Sở LĐ-TB&XH - Bộ phận Thường trực Ban Chỉ đạo 22 tỉnh: Vấn đề về GCNQSD đất đã được các thành viên Ban Chỉ đạo 22 tỉnh họp bàn, thống nhất quan điểm và nêu rất rõ trong văn bản gửi các địa phương như tại Công văn số 16-CV/BCĐ, ngày 1/3/2021.

Cụ thể, đối với các hộ bị ảnh hưởng thiên tai đang ở nhà tạm bợ hoặc nhà xuống cấp nghiêm trọng, mặc dù có đất ở ổn định từ lâu nhưng chưa có GCNQSDĐ thì yêu cầu các địa phương khẩn trương rà soát, hoàn thiện hồ sơ, tạo điều kiện cấp GCNQSDĐ theo đúng quy định.

Làm nhà kiên cố tránh bão lũ cho người dân Hà Tĩnh: Cần lắm cái bìa đất

Thợ cơ khí thi công phần cửa cho ngôi nhà của bà Nguyễn Thị Ngọ - thôn Đại Đồng, xã Kỳ Văn (huyện Kỳ Anh) (Ảnh: Vũ Huyền).

Quan điểm đã rõ song quá trình rà soát từ thôn, tổ dân phố, nhiều địa phương vẫn đưa một số hộ chưa có GCNQSDĐ vào danh sách đề nghị cấp trên xem xét. Việc làm này, vô hình trung, gây băn khoăn trong Nhân dân khi các đối tượng sẽ không được cấp trên chấp thuận (do chưa có GCNQSDĐ).

Điều cần thiết đối với các địa phương vào thời điểm này là, tìm các giải pháp (kể cả vận động người thân của các đối tượng) để giải quyết hồ sơ cấp GCNQSDĐ cho các hộ “thuộc diện” nhưng thiếu tiêu chí. Tinh thần này cũng được nêu cụ thể trong Báo cáo số 59-BC/BCĐ, ngày 31/3/2021 của Bộ phận Thường trực Ban Chỉ đạo 22 tỉnh gửi các huyện: “Đề nghị ban chỉ đạo cấp huyện chỉ đạo các xã, phường, văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất ưu tiên giải quyết các hồ sơ cấp GCNQSDĐ cho các đối tượng xét hỗ trợ làm nhà ở”.

Chủ đề Chủ trương - Chính sách

Đọc thêm

Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11

Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11

Bỏ quy định ghi hình cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ; tăng trợ cấp quân nhân xuất ngũ; nới điều kiện xây trường là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11.
Giảm nghèo ở Cẩm Xuyên: Khi “cần câu” cho “xâu cá”

Giảm nghèo ở Cẩm Xuyên: Khi “cần câu” cho “xâu cá”

Đa dạng hỗ trợ các mô hình sinh kế, đẩy mạnh đào tạo nghề..., huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên xóa nghèo.
Kỳ vọng từ việc sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường

Kỳ vọng từ việc sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường

Việc kịp thời sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 97/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Hà Tĩnh về một số chính sách hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường được kỳ vọng sẽ nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các tổ chức, cá nhân trong triển khai hoạt động bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025.