Lào đánh giá cao đề xuất giải pháp chống ô nhiễm khói bụi xuyên biên giới

(Baohatinh.vn) - Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone vừa thảo luận trực tuyến ba bên cùng Thủ tướng Vương quốc Thái Lan Prayut Chan-o-cha và Chủ tịch Hội đồng Hành chính Nhà nước Myanmar Thống tướng Min Aung Hlaing về cuộc khủng hoảng ô nhiễm khói bụi xuyên biên giới.

Lào đánh giá cao đề xuất giải pháp chống ô nhiễm khói bụi xuyên biên giới

Khói bụi bao phủ trung tâm Thủ đô Vientiane.

Qua thảo luận trực tuyến, Thủ tướng Lào đánh giá cao đề xuất của Thủ tướng Vương quốc Thái Lan về giải quyết vấn đề ô nhiễm khói bụi xuyên biên giới. Ông Sonexay Siphandone nhận định, tình trạng ô nhiễm trong khu vực 3 nước Lào - Thái Lan - Myanmar có mức độ nguy hiểm tương tự nhau và ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người.

Đặc biệt tại Lào, vấn đề khói bụi bao trùm diện rộng, kết quả đo nồng độ hạt PM2.5 cao và vượt quy chuẩn tại một số khu vực, mặc dù Chính phủ Lào đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan và các địa phương vào cuộc giải quyết, cũng như ban hành pháp luật để ngăn chặn và dập tắt các đám cháy rừng.

Lào đánh giá cao đề xuất giải pháp chống ô nhiễm khói bụi xuyên biên giới

Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone.

Thời gian qua, các cơ quan chức năng của Lào cũng đã chú trọng công tác tuyên truyền để người dân nhận thức, hiểu rõ về nguyên nhân, tác hại của ô nhiễm không khí cũng như vận động toàn dân tham gia phòng ngừa và khắc phục. Thường xuyên theo dõi, báo cáo tình hình ô nhiễm không khí để thông báo cho người dân và các bộ phận liên quan kiểm tra và khắc phục. Theo dõi và tổ chức tuần tra ngăn chặn, xử lý cháy rừng cũng như huy động mọi lực lượng không để cháy lan ra diện rộng.

Tuy nhiên, do biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, đặc biệt là thời tiết khô nóng, người dân lại có tập quán đốt nương rẫy theo mùa sản xuất lương thực gây nên một số vụ cháy rừng nghiêm trọng, không thể khắc phục kịp thời nên dẫn đến tình trạng ô nhiễm khói bụi như hiện nay.

Đối với Lào, Thủ tướng Sonexay Siphandone đề xuất phương án hợp tác với Vương quốc Thái Lan và Cộng hòa Liên bang Myanmar trên cơ sở tiếp tục triển khai Hiệp định ASEAN về ô nhiễm khói bụi xuyên biên giới và Kế hoạch hành động ASEAN về ô nhiễm khói bụi xuyên biên giới. Thành lập đơn vị điều phối chung 3 nước để tăng cường kiểm soát, hợp tác hỗ trợ nhau giải quyết vấn đề ô nhiễm khói bụi. Tạo cơ chế hợp tác kỹ thuật, trao đổi, rút kinh nghiệm lẫn nhau trong triển khai công tác ngăn ngừa và giải quyết ô nhiễm khói bụi với sự tham gia của toàn xã hội trong việc ngăn ngừa và giải quyết vấn đề ô nhiễm khói bụi.

Theo Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha, các bên liên quan đều nhận thức được tầm quan trọng của sự hợp tác chặt chẽ nhằm hạn chế ô nhiễm đang đe dọa sức khỏe của người dân 3 nước. Ông đề nghị mỗi quốc gia cần cam kết giảm thiểu các điểm nóng gây ô nhiễm được nêu trong Kế hoạch hành động Chiang Rai, được 5 quốc gia thuộc Tiểu vùng sông Mê Kông thông qua vào năm 2017.

Hiện số điểm nóng gây ô nhiễm ở Lào, Myanmar, Thái Lan từ ngày 1/1 đến nay đã tăng 93% so với cùng kỳ năm ngoái. Đã có hơn 2 triệu người dân Thái Lan được chẩn đoán mắc các bệnh về đường hô hấp. Ngoài ra, ông Prayut cảnh báo bụi mù nghiêm trọng còn đe dọa đến ngành du lịch cũng như doanh thu của lĩnh vực mũi nhọn này. Nhân dịp này, lãnh đạo 3 nước thống nhất mạnh mẽ về tăng cường hợp tác cùng các nước thành viên ASEAN giải quyết vấn đề ô nhiễm khói bụi xuyên biên giới một cách hiệu quả và bền vững, nhất là triển khai các thỏa thuận và kế hoạch hành động của ASEAN để giải quyết vấn đề này.

Đọc thêm

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Sau khi Quốc hội Hàn Quốc ngày 14/12 thông qua dự luật luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol do ông đã ban bố thiết quân luật đêm 3/12, nhiều nhà lãnh đạo của đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền đã nộp đơn từ chức, trong khi sự chia rẽ nội bộ giữa những người ủng hộ và phản đối việc luận tội Tổng thống Yoon có xu hướng ngày càng gia tăng, khiến PPP đứng trước nguy cơ bị phân rã.
Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ ngày 24/10 đến ngày 5/12, CHDC Congo ghi nhận 406 ca mắc bệnh chưa rõ nguyên nhân với các triệu chứng như sốt, đau đầu, ho, sổ mũi và đau nhức cơ bắp.