Mưu sinh nơi bãi triều

(Baohatinh.vn) - Khi thủy triều dâng, nơi các bãi đá, biển không còn màu xanh, từng con sóng đục ngầu đập vào những tảng đá dưới chân đồi, nước bay lên tung tóe. Ở đó, nhiều phụ nữ vẫn cặm cụi cạo rau mít trên đá, mặc nước dâng, sóng gào...

Giữa mùa đông giá rét, biển Thiên Cầm vắng khách ghé thăm. Biển vắng, nhưng không lặng, không dịu êm. Băng qua bãi cát đầy vỏ ốc, vỏ sò là bãi đá ngay dưới chân “đàn trời”. Đây là nơi lý tưởng cho khách du lịch, bởi những hòn đá tảng to nhỏ đủ loại, sát ngay bờ biển, nơi những con sóng vỗ về.

Tuy nhiên, đó là với những ngày hè. Vào đông, bãi biển nguyên sơ này chỉ có đá với nước. Giữa những ngày rét đậm, rét hại, nhưng không ít người dân vẫn miệt mài cạo rau mít (dân địa phương gọi là cỏ mít hoặc rau mứt - PV) trên những tảng đá gần sát biển.

Vì miếng cơm, manh áo, nhiều phụ nữ xã Cẩm Nhượng vất vả mưu sinh nơi bãi triều.

Vì miếng cơm, manh áo, nhiều phụ nữ xã Cẩm Nhượng vất vả mưu sinh nơi bãi triều.

Rau mít gần giống một loại rêu, bám chặt vào những tảng đá thường xuyên bị nước biển tạt vào (những tảng đá trên cao, không thấy loại rau này). Chưa đầy 2 tiếng đồng hồ đi theo 2 người đàn bà chân trần, mình khoác chiếc áo mưa không còn nguyên vẹn, cặm cụi cạo rau mít trên những tảng đá rất trơn, phần nào thấy được nỗi vất vả, cơ cực của họ. Gặng hỏi mãi, tôi được biết, 2 chị em Dự và Vinh, xấp xỉ tuổi 60, là người xã Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên).

Rau mít bám dày trên các tảng đá, thân rất ngắn và bám dai, phải dùng những vật cứng để cạo và mọc theo mùa, từ khoảng tháng 10 đến tháng giêng âm lịch. Năm nay, mưa không nhiều nên rau mít cũng mất mùa theo. Chị Vinh cho hay, bình thường có trên dưới chục người đi cạo rau mít nhưng vì quá rét nên đợt này không mấy người đi. Sao các chị không nghỉ? - tôi hỏi. “Nghỉ ở nhà thì lấy tiền mô mà đong gạo”. Họ cười, rồi cúi xuống tiếp tục công việc.

Nhà chị không có ruộng nên phải đong gạo từng bữa, rau mít cũng hiếm nhưng mằn mò cả ngày cũng được dăm lạng, đủ tiền mua gạo, thức ăn, hôm nào chợ ế thì mang về nấu canh. Đi cạo rau mít chủ yếu là phụ nữ, phải kiên nhẫn, chịu khó bởi phải dầm mình trong nước biển cả ngày. Chị Vinh, chị Dự cũng không ít lần trượt chân, té ngã nhưng hễ hết đau là các chị lại ra biển. “Không phải tham công, tiếc việc mà chỉ vì miếng cơm, manh áo”, các chị lại cười, lại cạo…

Người dân ở đây không chỉ có nghề cạo rau mít mà còn đi nhặt sò, chòng tươi để bán. Khi nước triều xuống, những con sò bị thủy triều kéo lên rồi bỏ lại trên bờ, chập tối, người dân kéo nhau đi nhặt về bán. Mỗi người 1 chiếc đèn pin đội trên đầu thi nhau nhặt sò tận 11, 12h đêm mới về. Mỗi cân rau mít khô giá 200 ngàn đồng, sò khoảng 10 ngàn đồng/kg. Theo chị Dự, nếu chăm chỉ, mỗi ngày cũng kiếm được 70-100 nghìn đồng, có hôm may mắn cũng được vài trăm nghìn đồng.

Rau mít là một loại rong biển và là đặc sản có giá trị dinh dưỡng cao, thường được dùng để nấu canh, có thể nấu chung với rau cải hoặc với sò, chòng. Không chỉ là đặc sản đậm đà hương vị biển cả, giàu chất dinh dưỡng, rau mít còn là một vị thuốc bổ bồi dưỡng sức khỏe.

Không chịu nổi gió biển, chân ngâm nước lâu đã chuyển sang tím bầm, đứng trên đá, tôi vừa thấy đau vừa buốt. Riêng các chị, miệng vẫn cười tươi: “Ai không quen không chịu được mô, chú lên đi, không lại cảm lạnh”. Hôm nay, vẫn như mọi hôm, các chị vẫn đi nhặt sò, nhặt chòng để mưu sinh đến tận đêm khuya, miệt mài như những con dã tràng.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast