Hà Tĩnh phấn đấu giải quyết việc làm cho 23.000 lao động

(Baohatinh.vn) - Năm 2024, Hà Tĩnh phấn đấu giải quyết việc làm cho 23.000 lao động, trong đó giải quyết việc làm trong nước cho 12.000 lao động, đưa 11.000 lao động đi làm việc ở nước nước ngoài.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Với vai trò kết nối “cung – cầu” giữa doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và người lao động, ngay từ đầu năm 2024, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã linh động triển khai đa dạng các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm. Theo kết quả khảo sát của đơn vị, trong quý 1 năm 2024, có hơn 47 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh có nhu cầu tuyển dụng hơn 17.000 lao động.

DTT_DSC5918.jpg
Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Tĩnh tổ chức sàn giao dịch việc làm tại TX Kỳ Anh thu hút hàng trăm lao động tham gia

Một số ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng lao động Hà Tĩnh tương đối lớn như: lắp ráp linh kiện điện tử, dệt may, xây dựng, cơ khí, lái xe, điện, tự động hóa... Trong đó, nhu cầu tuyển dụng chủ yếu là lao động phổ thông (chiếm 70%), làm việc trong các ngành nghề lắp ráp linh kiện điện tử, dệt may.

DTT z5179503519411_486a80da415659dfe7334fa5d854a09b.jpg
Lao động huyện Nghi Xuân tham gia phỏng vấn tuyển dụng vào làm việc tại Công ty TNHH Luxshare - ICT Nghệ An (Nghệ An).

Anh Nguyễn Huy Hoàng ở xã Xuân Hội (Nghi Xuân) từng đi xuất khẩu lao động nhiều năm tại Đài Loan. Cuối tháng 2/2024, khi Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Tĩnh phối hợp với huyện Nghi Xuân tổ chức phiên giao dịch việc làm tại địa phương, anh Hoàng đã đến tìm hiểu thông tin tuyển dụng.

Anh Hoàng cho biết: “Tham gia phiên giao dịch việc làm, tôi được tư vấn, giới thiệu nhiều vị trí việc làm. Qua phỏng vấn, tôi đã được Công ty TNHH Luxshare - ICT Nghệ An (Nghệ An) tuyển dụng vào làm việc”.

DTT_DSC5929.jpg
Công ty TNHH UP Hà Tĩnh (TX Kỳ Anh) phỏng vấn tuyển dụng lao động tại sàn giao dịch việc làm.

Để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp và kết nối cung – cầu, từ đầu năm 2024 đến nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Tĩnh đã tổ chức 20 phiên, sàn giao dịch việc làm, ngày hội tuyển dụng lao động, tư vấn, giới thiệu việc làm cho bộ đội xuất ngũ tại trung tâm và các địa phương trên địa bàn tỉnh, thu hút gần 5.000 lao động tham gia.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Tĩnh, cho biết: "Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động, tăng tần suất các phiên sàn giao dịch việc làm tại TP Hà Tĩnh, KKT Vũng Áng và các phiên giao dịch việc làm lưu động tại các huyện, thành phố, thị xã. Đồng thời, đẩy mạnh thu thập thông tin thị trường lao động, cập nhật kịp thời vào cơ sở dữ liệu người tìm việc - việc tìm người, làm cơ sở cho việc cung cấp, phân tích, dự báo thị trường lao động, phục vụ tốt cho công tác tư vấn, kết nối việc làm trong nước, ngoài nước của trung tâm nói riêng, của tỉnh nói chung”.

DTT _DSC2222.jpg
Lao động tại Công ty cổ phần Sản xuất đầu tư và Thương mại TAAD Hà Tĩnh (TP Hà Tĩnh)

Năm 2024, Hà Tĩnh phấn đấu giải quyết việc làm cho 23.000 lao động, trong đó giải quyết việc làm trong nước cho 12.000 lao động và xuất khẩu lao động 11.000 lao động. "Để đạt được mục tiêu đó, chúng tôi sẽ phối hợp với các sở, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động giai đoạn 2021-2030; Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 10/1/2023 của Chính phủ về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh KT-XH....”, ông Nguyễn Xuân Thái – Trưởng phòng Lao động – Việc làm (Sở LĐ-TB&XH) cho hay.

Cũng theo ông Thái, thời gian tới, sở sẽ chú trọng tạo việc làm mới, sử dụng lao động hiệu quả thông qua các chương trình, đề án, chính sách tín dụng hỗ trợ tạo việc làm, tham gia thị trường lao động. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách, chương trình, đề án về giải quyết việc làm trong nước.

Đồng thời, chú trọng giải quyết việc làm cho thanh niên, lao động trung niên, lao động yếu thế và lao động nữ; chuyển dịch nhanh lao động có việc làm phi chính thức sang việc làm chính thức; chú trọng hỗ trợ lao động di cư từ nông thôn ra thành thị, đến các khu công nghiệp và lao động vùng biên; đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; tăng cường công tác tuyên truyền, định hướng và tư vấn về nghề nghiệp, chính sách đào tạo nghề và việc làm sau đào tạo đối với lao động.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast