Xuất khẩu lao động sang Uzbekistan, nhiều lao động Hà Tĩnh vỡ mộng!

(Baohatinh.vn) - Vì trót nghe những lời tư vấn, mời chào hấp dẫn khi sang làm việc tại Uzbekistan, nhiều lao động Hà Tĩnh sớm phải trở về nước và lâm vào cảnh “tiền mất" "nợ mang”...

Với mong muốn có việc làm, cải thiện kinh tế gia đình, đầu tháng 12/2023, qua giới thiệu, anh Nguyễn Hữu Danh, ở xã Cẩm Quang (Cẩm Xuyên) đã gặp ông Lê Anh Tuyến – Giám đốc Công ty CP Nhân lực quốc tế TL Thịnh Phát (TP. Hà Tĩnh) để tìm hiểu đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) tại Uzbekistan.

Theo anh Danh, qua giới thiệu, tư vấn đơn hàng của ông Tuyến, anh đã đồng ý sang làm việc tại Uzbekistan với mức lương 900 USD/tháng và được làm thêm với thu nhập hấp dẫn.

Sau khi kiểm tra tay nghề, anh Danh được tuyển dụng và do Công ty CP Phát triển nhân lực HVTC Quốc tế (Hà Nội) đưa đi làm thợ hàn tại Uzbekistan với chi phí là 40 triệu đồng.

DT z5273549561075_706d149fd74d9b2c9177b3a9d34e6fe7.jpg
Anh Nguyễn Hữu Danh ở xã Cẩm Quang (Cẩm Xuyên) vừa xuất cảnh sang Uzbekistan đã phải sớm trở về quê.

Đầu tháng 2/2024, anh Danh cùng hàng chục lao động xuất cảnh sang Uzbekistan để làm việc. Tuy nhiên, khi sang nước bạn, anh Danh được phổ biến một số quy định không đúng như hợp đồng đã ký kết tại Việt Nam giữa người lao động với Công ty CP Phát triển nhân lực HVTC Quốc tế.

“Theo hợp đồng chúng tôi được trả lương hàng tháng, được trang bị bảo hộ lao động… Nhưng thực tế theo thông báo của quản lý lao động bên Uzbekistan thì 2-3 tháng mới được trả lương và đồ bảo hộ lao động không được cung cấp đầy đủ. Trong khi, trên công trường làm việc nguy cơ xảy ra tai nạn lao động rất cao. Tôi cùng nhiều lao động khác đã phản ánh với phía môi giới để được trợ giúp nhưng không nhận được phản hồi, vì vậy tôi quyết định tự mua vé về nước”, anh Danh cho biết.

DT z5273549550441_90b84df958f0c0245fa2dc88b7cfda2c.jpg
Anh Nguyễn Văn Dũng ở xã Cẩm Quang (Cẩm Xuyên) cũng đã phải tự mua vé máy bay trở về nước sớm vì không đáp ứng được công việc mà bên phía công ty sử dụng lao động yêu cầu.

Cùng xuất cảnh đi làm việc tại Uzbekistan với anh Danh, anh Nguyễn Văn Dũng ở xã Cẩm Quang (Cẩm Xuyên) cũng phải tự mua vé máy bay trở về nước sớm vì không đáp ứng được công việc mà bên phía công ty sử dụng lao động yêu cầu.

Anh Dũng cho biết: “Tôi được tuyển dụng sang Uzbekistan làm việc với vị trí thợ mài. Khi kiểm tra tay nghề tại Việt Nam không quy định thợ mài phải đọc được bản vẽ thiết kế. Tuy nhiên, sang Uzbekistan phía công ty sử dụng lao động không bố trí chúng tôi làm công việc thợ mài vì không đọc được bản vẽ”.

Đây là hai trong số hàng chục trường hợp lao động Hà Tĩnh đi làm việc tại Uzbekistan phải tự mua vé máy bay về nước sớm dẫn đến cảnh tiền mất, nợ mang.

DT Untitled-1 copy.jpg
Dù ký giấy cam kết chỉ phải nộp 13,4 triệu đồng để đi làm việc tại Uzbekistan nhưng thực tế người lao động phải đóng hàng chục triệu đồng.

Làm việc với phóng viên, ông Lê Anh Tuyến - Giám đốc Công ty CP Nhân lực quốc tế TL Thịnh Phát (TP Hà Tĩnh), thừa nhận, cá nhân ông đã tư vấn, giới thiệu 16 lao động Hà Tĩnh cho Công ty CP Phát triển nhân lực HVTC Quốc tế đưa đi XKLĐ tại Uzbekistan (trong đó có các anh Nguyễn Hữu Danh và Nguyễn Văn Dũng).

Theo ông Tuyến, sau khi nhận được phản ánh của các lao động tại Uzbekistan, ông đã liên hệ với Công ty CP Phát triển nhân lực HVTC Quốc tế để hỗ trợ lao động. Tuy nhiên tại thời điểm đó, phía HVTC Quốc tế không có chính sách kịp thời để hỗ trợ những người này. Vì vậy, trong số 16 lao động đã sang làm việc tại Uzbekistan, có 9 người đã mua vé máy bay về nước.

Theo giấy cam kết về chi phí xuất cảnh sang Uzbekistan làm việc giữa người lao động và Công ty CP Phát triển nhân lực HVTC Quốc tế thì mỗi lao động sẽ phải nộp 13,4 triệu đồng theo quy định của Bộ LĐ-TB&XH. Tuy nhiên, thực tế để được sang Uzbekistan làm việc, lao động đã phải bỏ chi phí lên đến 40 triệu đồng/ người.

Lý giải về việc này, ông Tuyến thừa nhận tổng chi phí mỗi lao động sang làm việc tại Uzbekistan là 40 triệu đồng. Trong đó, tiền nộp cho HVTC Quốc tế là 13,4 triệu đồng/lao động, số còn lại là chi phí cho người tư vấn, môi giới và các chi phí khác.

“Đối với những lao động trở về nước, tôi đã và đang tiếp tục làm việc với Công ty CP Phát triển nhân lực HVTC Quốc tế để giải quyết một phần tiền mà những người này đã nộp trước khi xuất cảnh”, ông Tuyến cho hay.

Để tránh “tiền mất, tật mang” và các rủi ro khi đi XKLĐ thì người lao động phải trực tiếp liên lạc với công ty tuyển dụng được Bộ LĐ-TB&XH cấp phép đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, tìm hiểu các cơ hội việc làm ngoài nước và đăng ký trực tiếp với công ty.

Các khoản thu phí phải minh bạch, rõ ràng, đóng dấu công ty tuyển dụng chứ không thể là giấy viết tay hay biên nhận. Tuyệt đối không đăng ký, nộp tiền cho bất kỳ cá nhân, tổ chức môi giới nào. Khi có bất kỳ vấn đề gì xảy ra, người lao động cần nhanh chóng liên hệ với các cơ quan chức năng để được giúp đỡ theo đúng quy định của pháp luật

Ông Nguyễn Xuân Thái – Trưởng phòng Việc làm (Sở LĐ-TB&XH)

Đọc thêm

Tuyển dụng nhân viên bưu tá

Tuyển dụng nhân viên bưu tá

Bưu điện tỉnh Hà Tĩnh tuyển dụng 3 lao động phổ thông làm nhiệm vụ nhận hàng và phát hàng, thư báo, công văn theo đúng địa chỉ được phân công.
Chật vật tìm lao động xuất khẩu sang Nhật

Chật vật tìm lao động xuất khẩu sang Nhật

Nhu cầu lao động ở Nhật Bản tăng nhưng nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi tìm nguồn, phải “mua” lại từ môi giới với giá 20-30 triệu đồng mỗi người để kịp đơn hàng.