Nghề... “sửa thời gian”

(Baohatinh.vn) - Chiều cuối năm, con phố Nguyễn Công Trứ (TP Hà Tĩnh) vẫn nhộn nhịp. Bên chiếc tủ nhỏ với những dụng cụ đồ nghề đơn giản, đã hơn 20 năm nay, ông chủ của tiệm sửa đồng hồ ngọc Quýnh vẫn hàng ngày tỉ mẩn với từng vòng quay của kim giây, kim phút trên những chiếc đồng hồ.

Đã qua thời hưng thịnh

Nhiều người gọi những người thợ sửa chữa đồng hồ bằng cái tên rất hoài cổ: nghề “sửa thời gian”! Theo ông Quýnh, đầu những năm 90 của thế kỷ trước, đoạn phố Nguyễn Công Trứ này từng được gọi là “phố sửa đồng hồ”; bởi chỉ trong khoảng 100m, mà có đến 14 người thợ...

Năm 1992, sau khi phục viên về quê, kinh tế gia đình khó khăn, ông Quýnh loay hoay tìm việc, kiếm tiền nuôi gia đình. Ông mượn sách dạy sửa đồng hồ về tự học rồi bước vào nghề với một chiếc tủ nhỏ và một số dụng cụ đơn giản.

Giờ, nghề sửa chữa đồng hồ không mang lại thu nhập cao so với những nghề đòi hỏi công sức, trí tuệ tương tự, nhưng những người thợ như ông Quýnh vẫn cần mẫn, chịu khó, từng ngày “sửa thời gian”.

Giờ, nghề sửa chữa đồng hồ không mang lại thu nhập cao so với những nghề đòi hỏi công sức, trí tuệ tương tự, nhưng những người thợ như ông Quýnh vẫn cần mẫn, chịu khó, từng ngày “sửa thời gian”.

Đã 23 năm trôi qua, ông Quýnh vẫn còn nguyên niềm đam mê như ngày nào khi nói về cơ duyên của mình với nghề: “Ngày đó, tôi xoay đủ nghề để mưu sinh. Thấy nhiều người sửa đồng hồ kiếm được kha khá, tôi quyết định tự học nghề với hy vọng thoát nghèo. Thời đó, đồng hồ có giá lắm và trở thành “vật bất ly thân” của nhiều người, kể cả tầng lớp bình dân. Vì vậy, thợ sửa đồng hồ làm cả ngày lẫn đêm cũng không hết việc. Ngoài sửa chữa, tôi tìm mua và tân trang từ đồng hồ đeo tay, đồng hồ để bàn đến đồng hồ quả lắc treo tường cũ rồi bán cho khách, lo đủ tiền nuôi con ăn học và dành dụm được ít vốn mua đất, làm nhà...”.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển nhanh của điện thoại di động có chức năng hiển thị giờ, ngày tháng, thói quen sử dụng đồng hồ để xem thời gian của mỗi người không còn. Ngay cả chiếc đồng hồ treo tường trong nhiều gia đình cũng là đồ điện tử. Vì vậy, nhiều người đành phải bỏ nghề kiếm việc khác mưu sinh. “Còn nhớ, cách đây 20 năm, thợ sửa đồng hồ chỉ cần làm 1 ngày, thu nhập có thể trang trải đủ cả tuần, làm 1 tuần trang trải đủ cả tháng, thậm chí, mua được vài cây vàng; còn bây giờ, làm cầm chừng, chẳng đáng là bao” - ông Quýnh cho biết thêm.

Giữ nhịp thời gian

Nghề sửa chữa đồng hồ đòi hỏi người thợ phải tỉ mẩn, cần cù và khả năng quan sát tinh tường để “bắt bệnh”. Đồ nghề của họ khá đặc biệt, đầy đủ những tua-vít, kìm, chổi quét, nhíp, búa… Tất cả đều rất… nhỏ!

Ngày nay, thợ sửa đồng hồ không còn đều khách như xưa, hầu như chỉ là những khách quen lâu năm. “Giờ khách thường mang đồng hồ đến thay pin, thay mặt kính hay bảo dưỡng máy, cắt nối dây đeo… Đó là những “bệnh” đơn giản, chỉ cần vài phút là xong. Song, có những chiếc “bệnh” nặng, thử thách tay nghề và lòng kiên nhẫn của người thợ, có khi phải mất vài tiếng, thậm chí, vài ngày. Dù gặp không ít ca “bệnh” khó, với những chiếc đồng hồ có giá vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng nhưng tôi chưa chịu thua trường hợp nào” - một thợ sửa đồng hồ có thâm niên trong nghề chia sẻ.

Đưa chiếc đồng hồ đeo tay cũ của khách cho tôi xem, ông Quýnh bảo: “Có những người già thường mang tới những chiếc đồng hồ rất cũ, mặt kính bị trầy xước, bộ máy hầu như không sử dụng được nữa nhưng họ vẫn yêu cầu sửa. Tôi nghĩ, đó chắc chắn là một kỷ vật. Khi nhìn những vị khách vui vẻ nhận lại chiếc đồng hồ, tôi thấy vui lây. Đó chính là động lực để tôi gắn bó với nghề hơn”.

Giờ, nghề sửa chữa đồng hồ không mang lại thu nhập cao so với những nghề đòi hỏi công sức, trí tuệ tương tự, nhưng những người thợ như ông Quýnh vẫn cần mẫn, chịu khó, từng ngày “sửa thời gian”.

Theo ông Quýnh, thời đại công nghệ số, mọi người có thể xem giờ ở bất cứ thiết bị nào, nhưng không phải ai cũng “quay lưng” với chiếc đồng hồ. Hơn nữa, nhiều người trung tuổi vẫn giữ cho mình một thói quen gắn bó với nó. Bởi vậy, nghề sửa đồng hồ sẽ vẫn là công việc mưu sinh hàng ngày cho một số người, dù thu nhập không được như trước. “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, giỏi nghề, có tâm với nghề thì ở đâu cũng được trân trọng, tôn vinh” - ông Quýnh khẳng định.

Chủ đề Làng nghề LĐVL

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast