Thạch Hà lồng ghép các nguồn lực đào tạo nghề cho lao động nông thôn

(Baohatinh.vn) - Thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (đề án 1956), thời gian qua, huyện Thạch Hà đã tổ chức dạy nghề cho gần 7.000 lao động nông thôn, trong đó, gần 5.000 lao động nông nghiệp và gần 2.000 lao động phi nông nghiệp.

Ông Nguyễn Trọng Thành - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Thạch Hà cho biết: UBND huyện đã ban hành đề án giai đoạn đến năm 2020 để triển khai đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo đề án 1956. Hàng năm, các cấp ủy đảng, chính quyền đều đưa các chỉ tiêu đào tạo nghề, giải quyết việc làm vào nghị quyết, chương trình, kế hoạch phát triển KT-XH để lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Đồng thời, các cấp, ngành chú trọng việc điều tra, khảo sát chính xác thực trạng nguồn lao động để có giải pháp phù hợp. Phòng LĐ-TB&XH phối hợp với Trung tâm Giới thiệu việc làm, trường dạy nghề, đơn vị, doanh nghiệp để tuyên truyền, tư vấn, đào tạo nghề, GQVL cho người lao động... Nhờ đó, 75% học viên đã áp dụng được kiến thức vào sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập.

Thạch Hà lồng ghép các nguồn lực đào tạo nghề cho lao động nông thôn ảnh 1

HTX trồng rau sạch tại xã Tượng Sơn được sự hỗ trợ của dự án CB-TREE đã đào tạo nghề, giải quyết việc làm và tạo thu nhập ổn định cho xã viên.

Đạt được kết quả trên, ngoài nguồn vốn được phân bổ theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, huyện Thạch Hà bố trí ngân sách địa phương và lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác, với tổng kinh phí thực hiện trên 11,8 tỷ đồng. Theo đó, dự án CB-TREE tại Thạch Văn với 8 nhóm ngành, nghề đã được Tổng cục Dạy nghề và dự án tổ chức hội thảo đánh giá hiệu quả cao, xem xét nhân rộng mô hình trên địa bàn cả nước. Đến nay, xã Thạch Văn đã thành lập được tổ hợp đóng thuyền nan, tổ giúp việc gia đình, HTX sản xuất kinh doanh, mây tre đan xuất khẩu; mô hình chăn nuôi lợn hướng nạc, trồng rau an toàn trên đất cát hoang hóa bạc màu. Dự án Cải thiện sự tham gia thị trường cho người nghèo Hà Tĩnh (IMPP), tại 9 xã đã thành lập được các HTX: làm nón lá (Phù Việt), Trung Toàn - chuyên sản xuất tăm, đũa tre (Thạch Kênh), trồng rau sạch (Tượng Sơn); các tổ hợp tác trồng nấm (Thạch Ngọc, Thạch Tân, Thạch Bàn, Bắc Sơn), trồng hoa đào (Thạch Vĩnh); nuôi ong lấy mật (Thạch Xuân); trồng lạc (Thạch Lạc)...

Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê đã đầu tư trên 1,1 tỷ đồng tổ chức ngày hội việc làm, dạy nghề và mở 14 lớp cho 477 lao động. Bên cạnh đó, lồng ghép các chương trình, dự án khác đào tạo nghề, xây dựng một số mô hình như: chế biến nước mắm, sản xuất hương, trồng hoa, chăn nuôi lợn, trồng rau an toàn, nuôi tôm thâm canh, cá lồng bè...

Đạt được một số kết quả, tuy nhiên, theo Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Thạch Hà, công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề hiệu quả còn hạn chế. Một bộ phận người lao động chưa nhận thức được ý nghĩa của việc học nghề hiện nay; còn có tâm lý trông chờ, ỷ lại, không chịu khó học hỏi để tích lũy kiến thức, kỹ năng phát triển sản xuất để tăng thu nhập. Cấp ủy, chính quyền một số địa phương còn coi đây là trách nhiệm chính của huyện và tỉnh nên chưa thực sự vào cuộc, thậm chí, còn khoán trắng cho các đoàn thể. Công tác giải quyết việc làm sau đào tạo còn gặp nhiều khó khăn, thiếu bền vững. Kinh phí phục vụ công tác quản lý, đào tạo nghề chưa được bố trí nên khó khăn trong triển khai một số nhiệm vụ, nhất là việc kiểm tra, giám sát…

Cũng theo ông Thành, để công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn tiếp tục đạt hiệu quả cao, thời gian tới, các địa phương phải chủ động bố trí ngân sách và lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án một cách nhuần nhuyễn. Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa MTTQ, đoàn thể và cấp ủy, chính quyền các cấp, phòng, ban chuyên môn, đơn vị đào tạo, liên kết với doanh nghiệp; đặc biệt là lựa chọn đơn vị đào tạo có đủ năng lực, đổi mới nội dung giáo trình, phương pháp giảng dạy phù hợp với tình hình thực tế. Đồng thời, gắn công tác đào tạo nghề với xây dựng các mô hình kinh tế, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, tận dụng tối đa các chính sách ưu đãi trong xây dựng nông thôn mới.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast