Xuất khẩu lao động: Gồng mình vượt khó!

Thị trường Hàn Quốc gặp nhiều khó khăn, tình hình chính trị khu vực Trung Đông, Bắc Phi không ổn định đã ảnh hưởng sâu sắc đến việc thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch xuất khẩu lao động (XKLĐ) của Hà Tĩnh....

Theo thống kê của ngành LĐ-TB&XH, 6 tháng đầu năm 2013, toàn tỉnh chỉ đưa được 2.083 người đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng, đạt 34,72% kế hoạch năm 2013. Trong đó, thị trường Hàn Quốc chỉ đưa được 395 người (đạt 61,88%), Nhật Bản 67 người (đạt 44,67%), các nước khu vực Trung Đông 243 người. Ngay cả những thị trường truyền thống như Đài Loan cũng chỉ đưa được 656 người, Malaysia 387 người sang làm việc. Con số này cũng chỉ đạt 21,5% so với kế hoạch đề ra.

Thậm chí một số doanh nghiệp (DN), đơn vị như Công ty Việt Hà (Hà Tĩnh), Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Tĩnh, Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cũng chỉ đưa được vài trăm lao động sang làm việc tại nước ngoài. Vì thế, để hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch đưa 4.000 lao động đi làm việc nước ngoài trong 6 tháng cuối năm là nhiệm vụ hết sức khó khăn đặt ra cho các cấp, ngành, các doanh nghiệp XKLĐ, các đơn vị cung ứng lao động.

Tư vấn XKLĐ tại xã Thạch Khê (Thạch Hà)
Tư vấn XKLĐ tại xã Thạch Khê (Thạch Hà)

Theo ông Nguyễn Tiến Hòa – Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Tĩnh, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế nên nhu cầu tuyển lao động của các nước bị cắt giảm, các đơn hàng XKLĐ ngày càng ít dần. Điều này dẫn đến sự cạnh tranh giữa DN thiếu lành mạnh trong việc tìm kiếm đơn hàng và ký hợp đồng với đối tác nước ngoài. Đối với các trường dạy nghề, các trung tâm giới thiệu việc làm thì dư thừa nguồn nhân lực do không có đơn hàng. Người lao động thì phải chờ đợi hàng tháng trời mới có đơn hàng để phỏng vấn.

Những khó khăn trên đã ảnh hưởng lớn đến tâm lý của người lao động và kết quả thực hiện công tác XKLĐ của tỉnh trong thời gian qua. Trong khi đó, đối với những thị trường dễ tính, chi phí thấp và nhu cầu tuyển dụng lao động với số lượng lớn như thị trường Malaysia thì không được người lao động chào đón một cách nhiệt tình, mặc dù thu nhập của người lao động làm việc ở thị trường này đã được điều chỉnh tăng lên.

Ngoài ra, trong thời gian gần đây, người lao động ít nhiều mất niềm tin vào lĩnh vực giới thiệu việc làm, XKLĐ. Một số đơn vị, DN trong và ngoài tỉnh không thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về hoạt động tư vấn giới thiệu việc làm, cung ứng nhân lực XKLĐ. Một số DN, văn phòng, chi nhánh không có giấy phép hoạt động giới thiệu việc làm, cung ứng nhân lực nhưng vẫn tổ chức hoạt động, ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động, thậm chí người lao động còn bị lừa lấy đi hàng trăm triệu đồng.

Trong khi đó, đại diện của Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cho rằng, một số địa phương còn gây khó dễ với DN khi thực hiện tuyển lao động trên địa bàn, thậm chí còn đưa ra yêu cầu về chi phí cho việc tuyển lao động. Vai trò, trách nhiệm quản lý Nhà nước của UBND cấp huyện, cấp xã đối với công tác XKLĐ, nhất là việc phối hợp chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra hoạt động XKLĐ thực hiện chưa tốt, có biểu hiện buông lỏng quản lý...

Ông Võ Xuân Linh – Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: “Năm 2013, hoạt động XKLĐ gặp không ít khó khăn khi đến thời điểm này toàn tỉnh chỉ đưa được 2.083 người đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng, đạt 34,72%. Toàn ngành chúng tôi đang dốc hết sức mình, quyết không để XKLĐ “tụt dốc”, tiếp tục đưa XKLĐ là mũi nhọn trong chính sách XĐGN, GQVL của Hà Tĩnh”.

Hiện, ngành LĐ-TB&XH đang chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, hệ thống văn bản của các bộ, ngành liên quan, các văn bản của tỉnh về công tác XKLĐ đến các cấp, ngành, các tổ chức đoàn thể xã hội và nhân dân.

Ngoài ra, ngành sẽ tổ chức kiểm tra hoạt động XKLĐ ở các đơn vị và các địa phương để chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế trong việc tuyển lao động không đúng quy trình, thu phí lệ phí chưa đúng quy định và hướng dẫn các đơn vị thực hiện đúng quy định Luật XKLĐ. Các cơ quan chức năng còn tiến hành thông báo rộng rãi đến các địa phương và người lao động biết những đơn vị trong và ngoại tỉnh đủ điều kiện tuyển lao động đi xuất khẩu đề phòng và ngăn chặn hiện tượng môi giới cò mồi lừa đảo người lao động.

Ông Đặng Văn Dũng – Trưởng phòng Việc làm (Sở LĐ-TB&XH) cho biết, hiện Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH hai nước Việt Nam, Hàn Quốc đang đàm phán để nối lại việc đưa lao động Việt Nam sang làm việc theo chương trình EPS, tiếp đó là việc đàm phán với Thái Lan để có nghị định hợp tác XKLĐ giữa hai nước trong thời gian tới.

Ông Dũng cho biết thêm, để đẩy mạnh công tác XKLĐ, trong thời gian tới tỉnh và ngành sẽ tăng cường tìm kiếm và phát triển thị trường bằng nhiều hình thức thích hợp như thành lập văn phòng ở nước ngoài, tổ chức tham quan, du lịch để tiếp cận, tìm hiểu đàm phán trực tiếp và ký kết hợp đồng XKLĐ. Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ đề nghị Bộ LĐ-TB&XH cho phép các doanh nghiệp XKLĐ trực tiếp được mở thêm các chi nhánh ở các địa phương, nhằm tạo điều kiện cho người lao động được tiếp cận với các doanh nghiệp XKLĐ trực tiếp, giảm chi phí trung gian thông qua các đơn vị môi giới, tạo nguồn; xem xét chấp thuận cho phép các đơn vị dịch vụ tạo nguồn trên địa bàn trở thành chi nhánh đại diện của Công ty XKLĐ trực tiếp.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast