Điều trị, chăm sóc cho người bệnh bình thường đã vất vả, với những bệnh nhân tâm thần còn vất vả gấp bội phần. Song với tình yêu nghề và tấm lòng của người thầy thuốc, điều dưỡng Trần Nha Đam - Điều dưỡng trưởng Khoa Phục hồi chức năng trẻ em - Bệnh viện Sức khỏe Tâm thần Hà Tĩnh (SKTT Hà Tĩnh) luôn lấy sự đồng cảm chân thành để hiểu, xoa dịu và chữa lành vết thương tinh thần cho người bệnh.
Năm 2012, tốt nghiệp Trường Trung cấp Y tế Hà Tĩnh (nay là Trường Cao đẳng Y tế Hà Tĩnh), điều dưỡng Trần Nha Đam nhận quyết định về công tác tại Trạm Tâm thần Hà Tĩnh. Lúc mới nhận quyết định, mặc dù có phần lo lắng về môi trường làm việc, tuy nhiên điều dưỡng Đam xác định phải luôn luôn cố gắng vì đã làm nghề y thì mục tiêu chính là chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân.
Công việc thời điểm này của chị là cấp phát thuốc ngoại trú cho bệnh nhân tâm thần nhưng mỗi khi có dịp gặp trực tiếp bệnh nhân, chị luôn chia sẻ, động viên họ kiên trì điều trị bệnh.
Chị Trần Nha Đam chia sẻ: “Thuốc cho bệnh nhân tâm thần thường nhiều loại, phải uống đúng giờ, đúng liều và uống dài ngày, nhiều người không kiên trì dễ bỏ dở điều trị. Vì vậy mỗi lần cấp phát thuốc cho bệnh nhân tôi thường phải hướng dẫn cụ thể và động viên họ uống đầy đủ, theo đúng hướng dẫn”.
Năm 2013, sau khi thành lập Bệnh viện Tâm thần Hà Tĩnh, điều dưỡng Đam được phân công về làm việc tại Khoa Cấp tính nam của bệnh viện. Công việc tại khoa có nhiều đặc thù, lại tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân nên đòi hỏi mỗi người cán bộ điều dưỡng phải hết sức tập trung và mềm dẻo trong từng tình huống ứng xử.
Chị Đam chia sẻ: “Ngay đêm trực đầu tiên, có một bệnh nhân lên cơn kích động, đập phá phòng bệnh… Lúc đó trực điều dưỡng chỉ có một mình nên tôi đã liên hệ với các chị trong khoa và người nhà để hỗ trợ. Sau hơn 30 phút, chúng tôi mới cố định được bệnh nhân. Hay có lần, khi đang trực, tôi bị bệnh nhân quậy phá rồi đổ cả chai nước lên đầu làm ướt hết quần áo. Lúc chăm sóc thì bị bệnh nhân phun nước bọt, thậm chí có lúc tôi còn bị bệnh nhân dùng lưỡi dao lam tấn công gây ra chảy máu ở cánh tay... Lúc đó tôi tủi thân và sợ hãi lắm. Nhưng rồi nghĩ tới những thiệt thòi mà bệnh nhân phải chịu, tôi lại thấy thương vô cùng”.
Lấy sự đồng cảm chân thành để hiểu bệnh nhân và có phương pháp chăm sóc phù hợp, điều dưỡng Đam đã thường xuyên trò chuyện với bệnh nhân như người ruột thịt, chia sẻ với bệnh nhân những nỗi niềm, những vướng mắc, khó khăn mà họ gặp phải, giúp họ giải tỏa tâm lý, hướng đến những điều tốt đẹp để có sức mạnh vượt qua bệnh tật. “Cũng qua những lần tiếp xúc với bệnh nhân, tôi có cơ hội biết được nhiều câu chuyện éo le, bất hạnh, đau khổ mà họ đã gánh chịu, gắng sức vượt qua mà không được nên đã lạc vào thế giới tỉnh mơ, mơ tỉnh… Điều đó đã trở thành sức mạnh thôi thúc tôi gắn bó cống hiến cho công việc” - điều dưỡng Đam trải lòng.
Trước thực trạng trẻ em có biểu hiện rối loạn tâm thần chiều hướng gia tăng, tháng 10/2021, bệnh viện thành lập thêm Khoa Phục hồi chức năng trẻ em, chị Đam được luân chuyển và bổ nhiệm làm điều dưỡng trưởng của khoa. Những bệnh nhân đến điều trị tại đây là trẻ em, thường có những biểu hiện như: rối loạn cảm xúc, tâm lý, rối loạn lo âu, giấc ngủ, hành vi... Phần lớn trẻ vào đây điều trị khi biểu hiện bệnh đã ở mức độ tương đối nặng và đã xảy ra trong thời gian dài.
Điều dưỡng Đam cho biết: “Chúng tôi phải phối hợp chặt chẽ với gia đình từng cháu trong việc quản lý, điều trị cho trẻ. Tuy nhiên, nhiều trẻ tỏ ra bức xúc, chửi bới, thậm chí đòi tuyệt thực. Lúc đó, tôi phải thường xuyên trò chuyện với bệnh nhân, coi bệnh nhân như một người em, người con của mình để chia sẻ, từ đó tìm ra nguyên nhân, tháo gỡ những khó khăn mà bệnh nhân gặp phải, giúp họ giải tỏa tâm lý, hướng đến những điều tốt đẹp để có sức mạnh vượt qua bệnh tật. Với chiến lược “mưa dầm thấm lâu”, qua những lần trò chuyện, chia sẻ, tháo gỡ, nhiều bệnh nhân đã cởi mở hơn, hợp tác điều trị và đã có nhiều chuyển biến tốt”.
Bác sĩ Trần Hậu Anh - Phụ trách Khoa Phục hồi chức năng trẻ em – Bệnh viện SKTT Hà Tĩnh cho biết: “Chăm sóc bệnh nhân tâm thần là công việc đòi hỏi người điều dưỡng phải có tâm, tận tụy và hết lòng yêu thương người bệnh. Thời gian qua, dù ở vị trí công tác nào, điều dưỡng Đam cũng luôn làm việc không biết mệt mỏi, hết lòng vì bệnh nhân. Dù bệnh nhân mới nhập viện hay nằm viện thời gian dài, điều dưỡng Đam đều tận tình hướng dẫn, giải thích cặn kẽ để bệnh nhân cảm thấy yên tâm khi thực hiện các y lệnh”.
12 năm gắn bó với nghề chăm sóc bệnh nhân tâm thần, khó khăn, vất vả không kể hết nhưng nhìn bệnh nhân hồi phục, được xuất viện trở về nhà trong niềm vui của người thân, gia đình, chính là động lực để điều dưỡng Đam thêm yêu, gắn bó với nghề và không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức, để chăm sóc bệnh nhân tốt nhất.