Hàng giả, hàng kém chất lượng đang âm thầm len lỏi vào từng ngóc ngách của đời sống, từ hộp sữa cho trẻ nhỏ, viên thuốc tân dược, lọ mỹ phẩm làm đẹp đến các loại thực phẩm, đồ uống, các sản phẩm tiêu dùng hằng ngày. Những vụ phát hiện, xử lý của cơ quan chức năng thời gian gần đây đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về thực trạng đáng lo ngại này.

Sữa bột trẻ em liên quan đến sự phát triển của thế hệ tương lai lại đang bị lợi dụng như một công cụ kiếm lời bẩn thỉu của những kẻ hám lợi bất lương. Thuốc tân dược giả không chỉ vô tác dụng, mà còn có thể giết chết người bệnh trong im lặng… Đáng nói, những thủ đoạn của các đối tượng làm giả ngày càng tinh vi khiến người tiêu dùng gặp nhiều khó khăn khi phân biệt hàng giả và hàng thật. Hàng giả, hàng kém chất lượng đã và đang đe dọa trực tiếp đến sức khỏe, niềm tin, thậm chí là tính mạng của hàng triệu người.
Hậu quả của nó không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi, sức khỏe người dân mà các doanh nghiệp làm ăn chân chính trong quá trình SXKD cũng phải đối mặt với những cạnh tranh bất công. Vấn nạn hàng giả đang làm thị trường rối loạn, doanh nghiệp mất động lực, người tiêu dùng hoang mang và nền kinh tế bị tổn thương, nguy hại hơn nó sẽ đe dọa đến sự phát triển của xã hội.
Để dẹp bỏ mối hiểm họa này cần một cuộc chiến tổng lực, đồng bộ từ nhiều phía. Trước hết, cơ quan chức năng phải siết chặt công tác kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định, chế tài của luật pháp. Song song đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, trang bị cho người dân kiến thức nhận diện sản phẩm chính hãng. Về phía doanh nghiệp, đầu tư vào công nghệ chống làm giả, xây dựng hệ thống phân phối minh bạch và công khai thông tin sản phẩm là những bước đi cốt yếu. Đây không chỉ là cách bảo vệ thương hiệu mà còn là lời cam kết với khách hàng về chất lượng và trách nhiệm.

Và, yếu tố cốt lõi trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn nằm ở ý thức và hành động của chính người tiêu dùng. Giữa thị trường hàng hóa đa tầng như hiện nay, khi người tiêu dùng đang đối mặt với một “ma trận” thật - giả, vàng thau lẫn lộn, nếu không là người tiêu dùng thông thái thì chính chúng ta sẽ trở thành nạn nhân bất cứ lúc nào.
Bởi vậy, đừng mua hàng chỉ bằng niềm tin, sự chủ quan, phải kiểm tra kỹ nguồn gốc xuất xứ rõ ràng như tem chống hàng giả, mã QR, thông tin nhà sản xuất... Chỉ mua sắm tại những địa chỉ uy tín, đừng đánh cược sức khỏe và túi tiền của mình vào những lời quảng cáo sáo rỗng trên mạng xã hội. Bên cạnh đó, hãy cảnh giác với chiêu trò “giá rẻ bất ngờ”, “siêu khuyến mãi”...
Đồng thời, trang bị hiểu biết pháp luật như: quyền đổi trả, quyền khiếu nại, quyền tố cáo các hành vi gian lận, đánh lừa người tiêu dùng… Và, đặc biệt là sẵn sàng lên tiếng, tố giác đến cơ quan chức năng khi phát hiện hành vi gian dối của nhà sản xuất, bởi, biết mà không phản ánh vô hình trung tiếp tay cho cái sai, cái ác tồn tại.

Hàng giả không chỉ đánh lừa cá nhân mà nó đang đầu độc cả thị trường, gây hệ lụy khôn lường... Lên tiếng, hành động và tiêu dùng có trách nhiệm đó là cách chúng ta đang góp phần xây dựng một thị trường lành mạnh, một xã hội văn minh.