Lời hiệu triệu của non sông!

(Baohatinh.vn) - Cách đây 67 năm, đêm 19-12-1946, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ và ngay trong đêm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra "Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến", kêu gọi đồng bào cả nước và các lực lượng vũ trang đứng lên đánh quân xâm lược, giữ gìn đất nước.

Bút tích “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1946.
Bút tích “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1946.

Hưởng ứng lời hiệu triệu của Người, quân và dân cả nước đã nhất tề đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược. Đó là một sự kiện lịch sử trọng đại, tiêu biểu cho lòng yêu nước, ý chí quật cường, quyết chiến đấu vì độc lập, tự do của dân tộc ta.

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược là sự tiếp tục cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945, nhằm bảo vệ nền độc lập vừa giành được. Nguồn gốc sâu xa và nguyên nhân trực tiếp của cuộc kháng chiến là do thực dân Pháp ngoan cố quay lại xâm lược nước ta một lần nữa. Nhân dân ta, vốn có truyền thống nhân nghĩa, hòa hiếu, lại vừa mới giành được độc lập, nên khát vọng cháy bỏng lúc này là muốn tạo dựng môi trường hòa bình để xây dựng đất nước. Song trước dã tâm của thực dân Pháp, nhân dân ta buộc phải đứng lên kháng chiến; đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố:"Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ".

19/12/1946: Phát lệnh toàn quốc kháng chiến. Ảnh: Tư liệu
19/12/1946: Phát lệnh toàn quốc kháng chiến. Ảnh: Tư liệu

Khi Tổ quốc lâm nguy, Người kêu gọi các giới đồng bào cả nước bằng vũ khí và mọi loại dụng cụ có thể làm vũ khí, nhất tề đứng lên đánh giặc:"Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước". Mục đích cuộc kháng chiến là "Việt Nam độc lập và thống nhất". Kết thúc Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến, Người truyền niềm tin thắng lợi cho toàn dân, toàn quân ta "Kháng chiến thắng lợi muôn năm!".

Việt Nam là một nước sớm dựng nền độc lập, lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước đã hun đúc nên ý chí tự lực tự cường, anh hùng bất khuất trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Nhiều thế lực xâm lược lớn mạnh, hung bạo hàng đầu thế giới từng xâm lược và thống trị nước ta, nhưng chúng đều bị nhân dân ta đánh bại

Cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp, với sức mạnh của một nước tư bản đế quốc, lại lợi dụng thời điểm thế và lực nước ta đang yếu, chúng đã xâm lược và đặt ách thống trị trên đất nước ta. Nhân dân ta đã nhiều lần nổi dậy đánh thực dân Pháp để giành quyền độc lập. Trải bao cuộc đấu tranh quyết liệt, đến cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 thành công, nhân dân ta đã khôi phục được nền độc lập, thống nhất Tổ quốc.

Trong bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng tuyên bố trước toàn thể nhân dân Việt Nam và toàn thế giới: "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy".

Lực lượng vũ trang thủ đô anh dũng chiến đấu. Ảnh : Tư liệu
Lực lượng vũ trang thủ đô anh dũng chiến đấu. Ảnh : Tư liệu

Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp tục tinh thần Nam quốc sơn hà Nam Đế cư của tổ tiên ta thủa trước; là sự thể hiện ý chí quyết tâm bảo vệ nền độc lập, thống nhất quốc gia. Đó là lời của Tổ quốc, của dân tộc thiết tha kêu gọi con Lạc, cháu Hồng đứng lên giữ nước; đồng thời, cũng là lời tuyên bố đanh thép với bọn thực dân cướp nước về ý chí, sức mạnh của dân tộc Việt Nam. Đáp lời kêu gọi của lãnh tụ Hồ Chí Minh, toàn dân, toàn quân ta nhất tề đứng lên kháng chiến. Hình tượng những chiến sĩ Cảm tử quân Hà Nội "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh"mãi mãi là biểu tượng bất tử về cuộc chiến tranh nhân dân mà mỗi người dân đều sẵn sàng hy sinh tất cả vì Tổ quốc.

Cùng với cả nước, nhân dân Hà Tĩnh muôn người như một đứng lên tham gia kháng chiến với tinh thần "thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ". Tỉnh đã thành lập các ban di cư, tản cư để giúp đỡ, hướng dẫn việc tản cư, bảo đảm an toàn cho người dân. Công tác phá hoại và tiêu thổ kháng chiến được thực hiện nhanh chóng và triệt để đã thể hiện rõ ý chí quyết tâm chiến đấu và hy sinh của nhân dân Hà Tĩnh. Đảng bộ và chính quyền các cấp trong tỉnh đã tích cực lãnh đạo nhân dân chủ động phòng thủ địa phương, phòng chống địch nhảy dù, đổ bộ và bảo vệ vững chắc biên giới, miền biển. Chính vì thế, trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp, kẻ thù không thể đứng chân nổi trên đất Hà Tĩnh anh hùng... Chiến dịch lịch sử Điên Biên Phủ kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ của quân và dân ta, đã minh chứng cho điều khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến: "thắng lợi nhất định về dân tộc ta!".

Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến cách đây đã 67 năm, đất nước ta đã trải qua nhiều sự kiện chính trị lớn và tiến những bước dài, tình thế đã có nhiều thay đổi, nhưng lời kêu gọi thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc của Bác Hồ vẫn khắc sâu trong tâm khảm mỗi người Việt Nam. Đồng thời cũng là lời cảnh báo đối với các thế lực xâm lược rằng: Mỗi khi Tổ quốc Việt Nam bị xâm lăng thì cả dân tộc Việt Nam sẽ nhất tề đứng lên chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Một dân tộc 90 triệu người, với ý chí, quyết tâm thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ, chúng ta có đủ sức mạnh cả về vật chất lẫn tinh thần để đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, bất kể chúng lớn mạnh thế nào và từ đâu tới.

Đọc thêm

Kỷ niệm trọng thể 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Kỷ niệm trọng thể 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Sáng 20/12, tại Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm cấp quốc gia 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989-22/12/2024). Tổng Bí thư Tô Lâm, Bí thư Quân ủy Trung ương dự và đọc Diễn văn kỷ niệm.
Tổng Bí thư Tô Lâm dự lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Tổng Bí thư Tô Lâm dự lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Sáng 20/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội) diễn ra lễ kỷ niệm trọng thể 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024) và 35 năm Ngày Quốc phòng toàn dân (22/12/1989-22/12/2024). Tổng Bí thư Tô Lâm, Bí thư Quân ủy Trung ương cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự lễ kỷ niệm.
Tổng kết công tác báo chí và trao Giải Búa liềm vàng năm 2024

Tổng kết công tác báo chí và trao Giải Búa liềm vàng năm 2024

Sáng 19/12, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết công tác báo chí năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 và trao giải Búa Liềm vàng cấp tỉnh lần thứ XII – năm 2024.