Một góc rừng trồng được cấp chứng chỉ FHS của xã Lâm Hợp (huyện Kỳ Anh).
Với mục tiêu nâng tầm cho gỗ rừng trồng, năm 2020, huyện Kỳ Anh phối hợp với Hợp tác xã Lâm nghiệp An Việt Phát (thuộc Tập đoàn An Việt Phát - TP. Hồ Chí Minh) hỗ trợ cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC cho 2 xã Kỳ Tân và Lâm Hợp. Việc cấp chứng chỉ FSC sẽ giúp cho gỗ rừng trồng của bà con được ký kết bao tiêu cao hơn giá thị trường, các sản phẩm từ gỗ sau khi chế biến sẽ được xuất khẩu sang nước ngoài.
FSC là Hội đồng quản lý rừng quốc tế, được thành lập từ năm 1993. Đây là một tổ chức phi lợi nhuận quốc tế, thực hiện nhiệm vụ quản lý và kiểm soát việc khai thác rừng bền vững. Thời gian qua, FSC đã góp phần không nhỏ trong công tác bảo vệ rừng nói riêng và môi trường nói chung. FSC có mặt tại hơn 50 quốc gia với hơn 850 thành viên là các tổ chức phi chính phủ, các trung tâm nghiên cứu khoa học, các doanh nghiệp… |
Được tuyên truyền, vận động, phân tích những lợi ích thiết thực của việc trồng rừng theo yêu cầu FSC, nhiều hộ ở Kỳ Tân và Lâm Hợp đã tiên phong tham gia đăng ký được cấp chứng chỉ rừng FSC.
Tháng 3/2021, nhóm hộ FSC An Việt Phát Kỳ Anh được thành lập với sự tham gia của 456 hộ của 19 thôn thuộc 2 xã Kỳ Tân và Lâm Hợp. Nhóm FSC An Việt Phát Kỳ Anh có tổng diện tích rừng trồng xin cấp chứng chỉ là 2.051,29 ha gồm 1.260 lô rừng trồng keo lai.
Video: Người trồng rừng Kỳ Anh đánh giá về hiệu quả trồng rừng được cấp chứng chỉ FSC.
Ông Nguyễn Văn Đương ở thôn Trường Lạc, xã Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh cho biết: “Những ngày đầu, khi HTX và địa phương tuyên truyền, vận động tham gia sản xuất theo tiêu chí FSC, tôi và gia đình không khỏi lo lắng, băn khoăn. Bởi nếu tham gia cấp chứng chỉ rừng phải tuân thủ nhiều quy định như: Không sử dụng thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu hóa học, không được đốt thực bì… những việc mà gia đình tôi cũng như người trồng rừng ở đây thường phải thực hiện trong quá trình trồng và chăm sóc rừng. Với 3,5 ha keo tràm, cuối năm 2021, gia đình tôi được HTX Lâm nghiệp An Việt Phát khảo sát và cấp chứng chỉ rừng FSC”.
Rừng keo lai 4 năm tuổi của gia đình ông Nguyễn Văn Đương.
Trồng rừng FSC giúp bảo vệ môi trường sống cho chính người trồng rừng và bảo vệ sự đa dạng sinh học của tự nhiên. Sản phẩm gỗ làm ra được thu mua với giá cao hơn trồng truyền thống và khi xuất bán, bà con không phải bóc vỏ cây tràm - một công đoạn mất rất nhiều thời gian và công sức, trong khi đó trọng lượng sản phẩm cũng tăng hơn. Mặc dù người dân phải gia tăng số ngày công lao động do phải trực tiếp làm cỏ, phát thực bì, tuy nhiên, sau vài năm, khi lớp thực bì hoai mục sẽ tạo độ tơi xốp cho đất nên cây trồng sẽ sinh trưởng, phát triển nhanh hơn.
Qua quá trình rà soát diện tích, tập huấn, hướng dẫn các chủ rừng và xây dựng hồ sơ kỹ thuật phục vụ đánh giá, đến tháng 1/2022, 100% diện tích rừng đăng ký chính thức được HTX Lâm nghiệp An Việt Phát cấp chứng chỉ FSC.
Sau khi có chứng chỉ, ban quản lý nhóm tiếp tục triển khai các hoạt động giám sát, hướng dẫn chủ rừng thực hiện các quy trình sản xuất mới nhằm bảo đảm quản lý rừng. Qua đó, đem lại hiệu quả cao về kinh tế, xã hội và môi trường, phù hợp với các quy hoạch bảo vệ, phát triển rừng tại địa phương.
Sử dụng nguồn giống keo lai, cộng với việc chăm sóc bài bản, hợp lý nên các rừng keo FHS sinh trưởng và phát triển rất nhanh.
“Tại thời điểm được cấp chứng chỉ rừng FSC, diện tích cây keo lai của gia đình tôi được 4 đến 5 năm tuổi. Đến nay, nhờ được cán bộ kỹ thuật của HTX hướng dẫn chăm sóc đảm bảo quy trình kỹ thuật, vườn keo tràm phát triển rất tốt, cây khỏe, thẳng và đều, đường kính trung bình đạt từ 15 - 25 cm. Cuối năm 2022, tôi đã thu hoạch 1 ha keo 5 năm tuổi, đạt 130 tấn gỗ nguyên vỏ. Với giá thu mua 700.000 đồng/tấn, trừ các khoản chi phí, tôi thu được trên 80 triệu đồng, cao hơn rất nhiều so với sản xuất truyền thống. Cuối năm nay, tôi tiếp tục thu hoạch số diện tích còn lại, dự kiến năng suất sẽ cao hơn” - ông Đương chia sẻ thêm.
Đến thời điểm này, HTX Lâm nghiệp An Việt Phát đã phối hợp với Nhà máy An Việt Phát Hà Tĩnh (phường Kỳ Thịnh - thị xã Kỳ Anh) thu mua 2.860 tấn gỗ nguyên vỏ trên 22 ha rừng đã được cấp chứng chỉ FSC, với giá cao hơn 20.000 đồng/tấn so với các hộ chưa tham gia nhóm.
Quá trình phát triển rừng được cấp chứng chỉ rừng FSC, ngoài sự quan tâm của địa phương, sự phối hợp liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và người trồng rừng thì ngành kiểm lâm cũng là một trong những lực lượng hỗ trợ tích cực, hiệu quả trong công tác tuyên truyền, vận động. Từ đó, tạo sự đồng thuận cao trong các tổ chức, cá nhân đối với việc thực hiện và hướng dẫn các chủ rừng lập phương án quản lý rừng bền vững.
Ngành Kiểm lâm huyện luôn đồng hành thực hiện tốt vai trò tuyên truyền, vận động người dân tham gia trồng rừng FSC và làm tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng và bảo vệ rừng.
Ông Nguyễn Đình Lưu - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Kỳ Anh cho biết: "Nhận thức được hiệu quả từ việc sản xuất rừng theo tiêu chuẩn FSC đối với cuộc sống của người dân, chúng tôi coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Đơn vị luôn phân công cán bộ phụ trách địa bàn đến từng lô, từng khoảnh để hướng dẫn chủ rừng thực hiện đúng các nguyên tắc, làm tốt công tác phòng, chữa cháy rừng và bảo vệ rừng; giải thích cho người dân hiểu rõ các chính sách hỗ trợ của tỉnh đối với chương trình này để người dân đồng thuận cao.
Điều đáng phấn khởi là với hiệu quả mang lại khá rõ nét, người trồng rừng rất quan tâm và chủ động, tích cực tham gia sản xuất rừng theo tiêu chuẩn mới. Tất cả đều mong muốn nâng cao năng suất và sản lượng trên đơn vị diện tích, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển bền vững".
Với hiệu quả rõ nét, người trồng rừng tích cực tham gia sản xuất rừng theo tiêu chuẩn mới.
Là địa phương có diện tích rừng lớn, việc chuyển hướng trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC được Kỳ Anh coi là một trong những nội dung trọng tâm trong chiến lược phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân các xã vùng thượng.
Trên cơ sở nhận thức được rất nhiều lợi ích mà trồng rừng FSC mang lại như: lợi ích về kinh tế, lợi ích về thương hiệu doanh nghiệp, lợi ích về môi trường, lợi ích về xã hội… thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục tạo điều kiện, thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư, hỗ trợ người trồng rừng trong cấp chứng chỉ. Cùng đó, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm rừng trồng, hình thành chuỗi sản phẩm từ rừng, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm rừng trồng.