Nhằm nâng cao giá trị sản xuất lâm nghiệp, tăng cường quản lý và phát triển rừng bền vững, những năm qua, lực lượng Kiểm lâm Hà Tĩnh luôn là “cầu nối” để người dân trồng và chăm sóc rừng theo tiêu chuẩn quốc tế FSC của châu Âu, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế rừng.
Những cánh rừng đạt tiêu chuẩn FSC ở Hà Tĩnh.
Có nhiều năm gắn bó với nghề trồng rừng, gia đình ông Nguyễn Sỹ Hùng (SN 1962, thôn Trung Lưu, xã Sơn Tây, Hương Sơn) hiện có 15 ha rừng trồng (chủ yếu là keo tràm) đã được cấp chứng chỉ FSC - chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn của Hội đồng quản trị rừng thế giới.
Trước đây, gia đình ông Hùng ít chú ý đến chất lượng cây giống, kỹ thuật chăm sóc nên năng suất thấp và thường xuyên bị thương lái ép giá. Từ khi chuyển đổi rừng theo tiêu chuẩn FSC, 15 ha rừng của gia đình được quản lý chặt chẽ, chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật nên năng suất, chất lượng gỗ được nâng cao.
Trong những năm qua, lực lượng Kiểm lâm Hà Tĩnh đã tích cực phối hợp với các ban ngành liên quan và hướng dẫn người dân phát triển sản xuất với chứng chỉ FSC.
Gỗ rừng được cấp chứng chỉ FSC có giá bán ra cao hơn rừng thường từ 10-15%, tính ra hiệu quả kinh tế cao hơn 1,2-1,5 lần so với trước đây. Với 15 ha rừng keo tràm theo chứng chỉ FSC, trừ chi phí, mỗi chu kỳ thu hoạch 7-8 năm, gia đình ông Hùng thu lãi 750 triệu đồng, cao hơn so với cách trồng, chăm sóc và thu hoạch truyền thống 300 triệu đồng.
Cùng với gia đình ông Nguyễn Sỹ Hùng, ở xã Sơn Tây có 221 hộ khác cũng đã chuyển đổi cách trồng rừng truyền thống sang trồng rừng theo chứng chỉ FSC với tổng diện tích 680 ha.
Với việc được cấp chứng chỉ FSC, những cánh rừng trồng ở Hà Tĩnh được nâng lên giá trị, tạo điều kiện cho người dân yên tâm sản xuất.
Ông Phan Duy Ngọc - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Tây cho hay: Địa phương có hơn 10.000 ha rừng và đất lâm nghiệp; trong đó, rừng tự nhiên chiếm 7.000 ha, rừng trồng sản xuất 3.000 ha. Những năm qua, chúng tôi đã tích cực phối hợp với lực lượng kiểm lâm trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về hiệu quả rừng trồng theo chứng chỉ FSC. Từ đó, diện tích rừng trồng theo mô hình FSC tại địa phương ngày càng tăng lên, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người trồng.
Cũng theo ông Phan Duy Ngọc, đa số diện tích rừng trồng trên địa bàn chủ yếu là cây keo tràm và cho thu hoạch sau 4-5 năm. Nếu khai thác rừng theo cách truyền thống chỉ có thể bán dăm gỗ, giá trị đạt khoảng 60-80 triệu đồng/ha; thu nhập bình quân từ 10-12 triệu đồng/ha/năm. Trường hợp chuyển thành rừng gỗ lớn theo chứng chỉ FSC thì sau 7-8 năm mới tiến hành khai thác, giá trị gỗ thu được khoảng 250 triệu đồng/ha, lợi nhuận bình quân 20 triệu đồng/ha/năm.
Sản phẩm làm ra từ trồng rừng sản xuất đáp ứng nhu cầu trong nước, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân và giúp các hộ gia đình thoát nghèo bền vững.
Với việc chuyển đổi này, chi phí đầu tư thấp hơn so với trồng rừng gỗ nhỏ vì giai đoạn về sau chủ yếu là bảo vệ rừng thay vì trồng lại rừng. Và, trong thời gian chờ thu hoạch đối với rừng FSC, người dân có thể tiến hành tỉa thưa, vừa có thu nhập trang trải cuộc sống, vừa giúp cây có không gian để sinh trưởng, phát triển tốt hơn.
Ở Hà Tĩnh hiện có Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp và Dịch vụ Hương Sơn, Liên hiệp HTX chứng chỉ rừng Tây Kim, HTX An Việt Phát được cấp chứng chỉ rừng FSC với diện tích gần 26.000 ha. Tất cả gỗ rừng đạt FSC đều được doanh nghiệp chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh cam kết thu mua.
Ông Võ Văn Biển - Giám đốc Liên hiệp HTX chứng chỉ rừng Tây Kim cho hay: Việc chuyển đổi sang trồng rừng gỗ lớn FSC còn có nhiều hiệu quả về mặt xã hội như trồng gỗ lớn cho lợi nhuận cao đồng nghĩa tăng đóng góp cho ngân sách Nhà nước; tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân địa phương sống gần và ven rừng.
Về môi trường, việc thay đổi phương thức canh tác, giảm chi phí đầu tư giúp chủ rừng giảm bớt số lần khai thác, trồng lại rừng giúp chống xói mòn, rửa trôi đất trong quá trình khai thác. Rừng gỗ lớn có khả năng hấp thụ carbon, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, chống biến đổi khí hậu.
Tất cả gỗ rừng đạt chứng chỉ FSC đều được doanh nghiệp chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh cam kết thu mua với giá cao hơn gỗ thường từ 10 – 15%.
Ông Hoàng Quốc Huấn - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh thông tin, trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, công tác phát triển lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều thành quả đáng khích lệ.
Người dân, các tổ chức, doanh nghiệp đã thực sự quan tâm và phát triển nghề rừng, đặc biệt là trồng rừng sản xuất, đáp ứng nhu cầu trong nước, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, giúp các gia đình thoát nghèo bền vững.
Tuy nhiên, thực trạng hiện nay, người dân chỉ chú trọng trồng rừng sản xuất dăm gỗ (chu kỳ khai thác khoảng 4-5 năm), chưa áp dụng các nguyên tắc của quản lý rừng bền vững nên chất lượng rừng trồng chưa đạt hiệu quả và khó khăn trong việc xuất khẩu sản phẩm gỗ ra thị trường quốc tế.
“Việc chuyển đổi trồng rừng gỗ lớn là xu hướng tất yếu trong thực hiện chiến lược phát triển lâm nghiệp bền vững. Để thực hiện có hiệu quả mục tiêu phát triển trồng rừng gỗ lớn có chứng chỉ FSC, những năm qua, Kiểm lâm Hà Tĩnh cùng với ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về lợi ích, ý nghĩa của việc tham gia trồng rừng gỗ lớn, phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng có chứng chỉ FSC” - ông Hoàng Quốc Huấn cho biết thêm.
Hiện nay, Hà Tĩnh có gần 26.000 ha diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC.
Hà Tĩnh phấn đấu tới năm 2030 có khoảng 37.000 ha rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững, gồm rừng trồng sản xuất 32.000 ha, rừng cao su 5.000 ha.
Để phát triển trồng rừng gỗ lớn gắn với chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC phục vụ chế biến và xuất khẩu, Hà Tĩnh đã triển khai nhiều giải pháp mang tính chiến lược như hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tiếp cận các chính sách về lâm nghiệp; nâng cao năng lực quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng; tổ chức sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm gỗ theo chuỗi giá trị gỗ rừng trồng; khuyến khích người dân sử dụng giống có nguồn gốc, chất lượng để tăng năng suất, chất lượng rừng trồng; củng cố các HTX lâm nghiệp bền vững…