Tàu ngầm Nga ở Biển Đen (Ảnh minh họa: AFP).
Nga huy động thêm lực lượng ở Biển Đen
Quyết định bố trí thêm lực lượng ở Biển Đen của Nga có thể khiến một số người ngạc nhiên vì Moscow dường như ít xem Biển Đen là một địa điểm chiến lược cho cuộc xung đột hiện tại.
Trong một bài đăng trên Facebook vào ngày 4/4, Bộ chỉ huy Tác chiến phía Nam, một đơn vị thuộc Lực lượng Lục quân Ukraine, cho biết Nga đã bố trí 6 tàu sân bay tên lửa mới và hai tàu ngầm ở Biển Đen. Bài đăng lưu ý rằng, các tàu bổ sung có thể mang tới 40 tên lửa Kalibr và cho biết mối đe dọa tấn công tên lửa từ các tàu này là cực kỳ cao.
“Động thái của Nga có thể nhằm tăng áp lực lên các lực lượng Ukraine khi họ chuẩn bị tấn công các vị trí của Nga”, giáo sư khoa học chính trị William Reno của Đại học Northwestern nói với Newsweek.
Ông Reno cho biết, tên lửa Kalibr của Nga được thiết kế cho hải chiến và có thể tăng tốc tới tốc độ siêu âm khi tiếp cận mục tiêu. “Điều này được cho là sẽ khiến lực lượng phòng không Ukraine gặp nhiều khó khăn hơn trong việc phát hiện mối nguy kịp thời, mặc dù một số tên lửa Kalibr nhắm vào Ukraine từng bị đánh chặn”, ông nhận định.
Về lý do tại sao Biển Đen không phải là một yếu tố trong kế hoạch gần đây của Moscow, ông Reno cho rằng, việc hạn chế hoạt động hải quân ở Biển Đen có thể cho thấy Nga coi đây là khu vực dễ tổn thương trước sự phòng thủ của Ukraine. Ông cũng cho biết, thông tin tình báo do Mỹ cung cấp có thể đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường năng lực của Ukraine trên vùng Biển Đen.
Vì sao Nga tăng cường hiện diện trở lại?
Nếu những tổn thất ở Biển Đen vẫn là một rủi ro đối với Nga, thì tại sao Moscow quyết định tăng cường hiện diện trở lại ở vùng biển này?
“Về mặt chiến thuật, họ cần các tàu chiến ở khu vực đó trong trường hợp Ukraine thúc đẩy nỗ lực giành lại Crimea”, Guy McCardle, biên tập viên của tạp chí quân sự Special Operations Forces Report (SOFREP), lý giải.
Mặc dù ông McCardle cho rằng, giành lại Crimea không phải là mục tiêu chính của Ukraine vào thời điểm này, song Nga có thể đặt thêm tên lửa ở khu vực Biển Đen trong trường hợp có một cuộc tấn công phủ đầu vào bán đảo.
Một lý do khác có thể là, quân đội NATO (bao gồm cả binh sĩ Mỹ) đã tham gia cuộc tập trận quân sự ở Biển Đen ngoài khơi Romania hồi cuối tháng 3 vừa qua. Ông McCardle nói: “Khi chúng tôi làm điều này, Nga có xu hướng đáp trả bằng cách phô trương sức mạnh”.
Chiến lược gia địa chính trị Alp Sevimlisoy nhận định, NATO có thể thiết lập ưu thế trên Biển Đen bằng cách bố trí tên lửa siêu thanh ở các nước NATO, như Thổ Nhĩ Kỳ, đưa tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Zumwalt vào Biển Đen, cũng tiếp tục triển khai tàu ngầm Type-214 vào khu vực này.
Trong khi đó, ông Reno cho rằng, việc Nga triển khai chiến lược hải quân là không hợp lý khi nước này vốn không thể thiết lập ưu thế trên không.