Chị Nguyệt phản ánh: “Hiện nay, tôi có 16 bộ hồ sơ đề nghị cấp đổi, cấp mới (theo dạng chuyển nhượng) giấy CNQSDĐ tại xã Sơn Trung, trong đó của riêng gia đình tôi có 9 bộ, còn lại là làm hộ người thân. Trong số hồ sơ của gia đình, bộ nộp sớm nhất vào năm 2014, bộ làm muộn cũng đã cách đây hơn 1 năm và tất cả đều đủ điều kiện để cấp theo yêu cầu. Nhưng cán bộ địa chính xã là ông Nguyễn Quang Hạnh cố tình gây khó khăn, không chịu giải quyết. Cấp bìa quá chậm, tôi đã nhiều lần có ý kiến đề nghị xử lý nhưng không được giải quyết…”.
Phóng viên Báo Hà Tĩnh làm việc với lãnh đạo UBND xã Sơn Trung về các vấn đề có liên quan đến nội dung người dân phản ánh.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quang Hạnh thừa nhận có xẩy ra việc cất giữ nhiều hồ sơ từ 1-3 năm mà chưa cấp bìa và đưa ra lý do cho sự chậm trễ này là: “Không phải do tôi cố tình giải quyết hồ sơ chậm mà đất bà Nguyệt chưa xử lý được vì có một số bộ hồ sơ chưa xác định được ranh giới giữa các hộ, mục đích sử dụng đất giữa thực tế và trong bìa khác nhau, có sự chênh lệch về diện tích...”.
Làm việc với chúng tôi, ban đầu, ông Trần Song Hào - Chủ tịch UBND xã Sơn Trung cho rằng, chậm cấp bìa là do các thửa đất của bà Nguyệt nằm ở những vị trí “nhạy cảm”, nguồn gốc đất phức tạp, giấy tờ chưa đầy đủ. Tuy nhiên, sau khi chúng tôi nêu dẫn chứng và viện dẫn một số quy định, vị chủ tịch xã này thừa nhận chỉ có 3 hồ sơ đang vướng mắc, còn lại đều đủ điều kiện xử lý và các nội dung vướng mắc cần phải tháo gỡ đều thuộc phạm vi giải quyết của xã.
Tiếp đó, ông Hào cũng thừa nhận: “Do năng lực cán bộ địa chính hạn chế nên dẫn tới giải quyết việc chuyên môn chậm, xử lý hồ sơ thủ tục chưa đúng với tinh thần cải cách hành chính. Chúng tôi cũng đã nhiều lần có ý kiến, nhắc nhở, chỉ đạo nhưng đồng chí Hạnh vẫn chưa khắc phục được. Sắp tới, chúng tôi sẽ đề nghị cấp trên thực hiện luân chuyển để có cán bộ đáp ứng yêu cầu công việc hiện nay. Để xẩy ra tình trạng này, ngoài trách nhiệm của chuyên môn còn có trách nhiệm về công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương và chúng tôi sẽ chấn chỉnh”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Trường Giang - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hương Sơn cho rằng: “Đúng ra, hồ sơ nào đủ điều kiện thì phải xử lý, cái nào chưa đủ điều kiện thì giải thích, trả lại cho người dân và yêu cầu bổ sung, hoàn thiện hoặc đề nghị cấp trên hướng dẫn. Thế nhưng, địa chính xã lại cất giữ hồ sơ, bắt người dân phải đi lại nhiều lần. Qua làm việc tại xã về các vấn đề bà Nguyệt có ý kiến, chúng tôi thấy năng lực công tác, tinh thần và thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ địa chính chưa tốt... nên đã đề nghị xã thay đổi cán bộ địa chính phụ trách công tác cấp giấy CNQSDĐ, còn ông Hạnh chỉ làm phụ. Sắp tới, chúng tôi sẽ rà soát lại toàn bộ nội dung công việc có liên quan để tiến hành kỷ luật ông Hạnh cũng như tập trung chỉ đạo xử lý hồ sơ đất đai cho bà Nguyệt nói riêng và các hộ còn lại ở Sơn Trung nói chung theo đúng trình tự, quy định”.
Có thể khẳng định rằng, trong vấn đề này, cán bộ địa chính xã Sơn Trung đã có thái độ sách nhiễu, thiếu tinh thần trách nhiệm và ý thức phục vụ nhân dân; vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền chưa thực sự được phát huy... Điều này cần phải được nhìn nhận thấu đáo và sớm kiểm điểm, xử lý nghiêm túc, nhất là thời điểm chúng ta đang tập trung tự “soi” 27 biểu hiện suy thoái để khắc phục, sửa chữa theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII).