Mê dưa, người đàn ông ở Hà Tĩnh “chơi lớn” trên đồng đất cát

(Baohatinh.vn) - “5 năm ròng theo trồng dưa hấu, năm nay, đất đã không phụ công người” - anh Dương Đình Lợi (SN 1980, thôn Bàn Hải, xã Kỳ Ninh, TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh) phấn khởi nói về vụ dưa mang về hàng trăm triệu.

Mặt trời vừa ló, trong căn nhà dựng tạm nơi trang trại, anh Dương Đình Lợi (SN 1980, thôn Bàn Hải, xã Kỳ Ninh, TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đang lúi húi gia cố phần sau máy cày để đựng dưa hấu thu hoạch. Anh nói: “Mỗi ngày trôi qua, thời tiết thuận lợi là trong lòng nhẹ nhàng lắm! Với nông dân chúng tôi, “trời thuận” là nắm chắc hơn nửa phần thắng rồi. Năm ngoái, tôi mất trắng gần 500 triệu vì trời mưa nhiều; năm nay, trời thương nên dưa đẹp, sai trái. 5 năm ròng theo nghiệp trồng dưa hấu, năm nay, đúng là “đất không phụ công người”.

Mê dưa, người đàn ông ở Hà Tĩnh “chơi lớn” trên đồng đất cát

Anh Lợi ra ruộng thu hoạch dưa lúc lờ mờ sáng.

Vùng đất cát ven biển Kỳ Ninh mỗi năm chỉ trồng được vụ lúa, chỉ đủ thóc vào bồ không phải đong gạo trên phố. Thanh niên trong làng người không đi biển đánh bắt thì đi xuất khẩu lao động, chẳng dễ mấy ai chịu “bén duyên” trên mảnh đất cát cháy bỏng này.

5 năm thất bại rồi lại làm lại, cứ thế, mỗi vụ gieo hạt, hy vọng vẫn cứ gieo mầm, chàng nông dân với vẻ ngoài dạn dày gió sương cứ thao thiết tình yêu với đất và giống quả “Mai An Tiêm”. Có lẽ thế mà anh được người dân trêu đùa một cách trìu mến là “anh nông dân mê dưa”…

Mê dưa, người đàn ông ở Hà Tĩnh “chơi lớn” trên đồng đất cát

Niềm vui được mùa, được giá trên khuôn mặt “anh nông dân mê dưa” Dương Đình Lợi.

Từng làm công nhân công ty khoáng sản trong 12 năm, năm 2012 trở về làng quê với công việc đồng áng phụ giúp gia đình, anh đảm nhiệm thêm chức thôn trưởng rồi bí thư chi bộ thôn.

Giữa lúc người làng đổ xô đi xuất khẩu lao động để đổi đời, xây nhà lầu, có xe hơi, đám thanh niên làng chả mấy mặn mà để vỡ từng thớ đất cát cằn khô, anh Lợi lại ấp ủ cái đam mê ngược với số đông - làm giàu trên đất cát.

Mê dưa, người đàn ông ở Hà Tĩnh “chơi lớn” trên đồng đất cát

Giữa lúc người làng đổ xô xuất ngoại để làm giàu, anh Lợi lại ấp ủ cái đam mê ngược với số đông - làm giàu trên đất cát.

Vùng đất anh xác định “cắm dùi” trước đây là diện tích sản xuất nông nghiệp không hiệu quả, để hoang lâu ngày nên giờ bỏ một đống tiền vào làm nông nghiệp sạch, nhiều người cho rằng chẳng khác nào “ném tiền qua cửa sổ”. Ấy vậy, anh vẫn cương quyết làm cho bằng được.

Mê dưa, người đàn ông ở Hà Tĩnh “chơi lớn” trên đồng đất cát

Năm 2016, anh xắn tay bằng việc vay mượn gần cả tỷ đồng thuê 4,5 ha đất cát ở thôn Tân Thắng của xã để lập trang trại, mua máy móc, đầu tư hệ thống tưới và học hỏi khắp nơi về kĩ thuật trồng rau, củ quả sạch.

Ban đầu, anh trồng thử nghiệm các loại rau củ từ bí đỏ, dưa hấu, cà rốt… để đánh giá xem loại cây nào phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu nơi đây. Nhiều năm đổ mồ hôi, anh đúc kết, trên đất cát chỉ trồng rặt mỗi dưa hấu.

Mê dưa, người đàn ông ở Hà Tĩnh “chơi lớn” trên đồng đất cát

Mảnh đất để hoang ngày nào, từ bàn tay anh Lợi đã phủ màu xanh trù phú.

Kể lại quá trình gian nan 5 năm qua, anh Lợi thở một hơi dài: “Nói dễ nhưng làm thì khó, cái mà người làng lo cho tôi là thời tiết khắc nghiệt - họ nói có lý. Một năm, 2 năm rồi 3 năm liên tiếp, tôi phải chứng kiến cảnh nhiều diện tích cây bén rễ cho quả bằng nắm đấm lại chết, lại hư, thu hoạch cuối vụ chẳng thấm vào đâu. Bao nhiêu tiền của, mồ hôi đổ vào trang trại, nhiều lúc tính bỏ ngang. Nhưng, nghĩ tới những kỳ vọng ngày khởi nghiệp, những gian khó mình nếm trải, tôi lại tiếp tục tay trắng làm lại”.

Mê dưa, người đàn ông ở Hà Tĩnh “chơi lớn” trên đồng đất cát

Thành quả của suốt 5 năm lăn lộn, không chịu đầu hàng trước khó khăn đã đến lúc “hái quả ngọt”.

Bất giác tôi nhìn đôi bàn tay chai sạn, rắn rỏi như thép nguội của Lợi - bàn tay của người nông dân quanh năm trên đất cát bỏng cháy.

“Tại sao mấy năm liên tiếp thất bại, năm nay, anh lại “gan lớn” thuê thêm đất mở rộng lên hơn 11ha chỉ trồng dưa hấu”? - tôi hỏi.

Mê dưa, người đàn ông ở Hà Tĩnh “chơi lớn” trên đồng đất cát

Diện tích đất anh vừa đầu tư thuê thêm vào cuối năm 2019 cũng đã cho một vụ mùa bội thu

Anh sôi nổi: “Không dám làm sao có kết quả như ngày hôm nay. Cũng từ những thất bại trước đó, tôi đã nhìn ra được bí quyết trồng dưa hấu trên đất cát Kỳ Ninh. Từ năm 2016 với 4,5 ha, đến cuối năm 2019, tôi quyết thuê thêm hơn 6,5 ha diện tích đất của người dân cùng thôn ở gần vùng sản xuất của mình để chuyên canh mỗi dưa hấu. Và, sau từng ấy năm lăn lộn giữa vùng đất cát này, thành quả hôm nay đúng là mừng đến rơi nước mắt! Năm nay, mỗi ha tôi thu được khoảng 15 tấn dưa, giá bán từ 6 - 7.000 đồng/kg, hơn 11 ha trồng thu về gần 800 triệu”.

Mê dưa, người đàn ông ở Hà Tĩnh “chơi lớn” trên đồng đất cát

Trang trại còn giải quyết việc làm thường xuyên cho 14 lao động mức thu nhập từ 4,5 - 6 triệu đồng/người/ tháng.

Mặt trời lên cao, mới đó chiếc máy cày đã cõng sau lưng mẻ dưa ú ụ. Anh Lợi tâm sự: “Người ta hỏi bí quyết làm giàu, tôi trả lời: Cần cù học hỏi, chịu khó, phải đổ mồ hôi sôi nước mắt thật sự. Cái trại này giải quyết công ăn việc làm thường xuyên cho 14 lao động với mức lương từ 4,5 - 6 triệu đồng/người/tháng, khi mùa vụ lên hàng chục người. Sắp tới, tôi tiếp tục xem xét mở rộng thêm diện tích, trồng thêm cây vụ đông để tạo thêm nguồn thu nhập, xoay vòng cho đợt dưa năm sau”.

Mê dưa, người đàn ông ở Hà Tĩnh “chơi lớn” trên đồng đất cát

Những xe dưa đầy ắp sản phẩm sau giờ thu hoạch cần mẫn của các công nhân tại trang trại anh Lợi.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Chủ đề Nông dân khởi nghiệp

Đọc thêm

Đào phai vào mùa tuốt lá

Đào phai vào mùa tuốt lá

Thời điểm này, các chủ vườn đào ở xã Cổ Đạm (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đang tất bật tuốt lá để đào ra nụ và lộc mới, cung ứng ra thị trường vào dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
“Lá chắn” phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh

“Lá chắn” phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh

Hệ thống cơ sở hạ tầng, thông tin liên lạc phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh từng bước được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Những ngày qua, nền nhiệt ở Hà Tĩnh duy trì rét đậm. Người chăn nuôi đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống rét nhằm đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của đàn gia súc, gia cầm.