Ngày 11/7, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ ký ban hành kế hoạch thực hiện môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 nhằm xây dựng, lựa chọn, điều chỉnh chương trình Lịch sử phần bắt buộc cấp THPT.
Ảnh minh họa
Theo đó, môn Lịch sử cấp THPT sẽ có phần bắt buộc với thời lượng 52 tiết cho mỗi năm học lớp 10, 11 và 12. Thay vì là môn lựa chọn hoàn toàn và học sinh có thể không chọn học môn này như trong chương trình giáo dục phổ thông đã ban hành năm 2018, tất cả học sinh THPT năm học tới trở đi sẽ học đầy đủ số tiết bắt buộc này. Những em lựa chọn môn Lịch sử để học chuyên sâu, theo hướng định hướng nghề nghiệp, sẽ học nhiều hơn.
Sự thay đổi từ môn lựa chọn thành môn có cả phần bắt buộc và lựa chọn là theo yêu cầu của Quốc hội tại nghị quyết kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV thông qua ngày 16/6. Trước đó, chương trình môn Lịch sử áp dụng với lớp 10 từ năm học 2022-2023 tạo ra nhiều tranh cãi.
Chương trình giáo dục phổ thông mới (ban hành năm 2018) được chia làm hai giai đoạn gồm giáo dục cơ bản (lớp 1 đến 9) và giáo dục định hướng nghề nghiệp (lớp 10 đến 12). Lịch sử là môn bắt buộc trong giai đoạn cơ bản, cung cấp kiến thức phổ thông, cốt lõi về toàn bộ lịch sử thế giới và Việt Nam.
Đến giai đoạn định hướng nghề nghiệp (cấp THPT), chương trình chỉ yêu cầu học bảy môn và hoạt động giáo dục bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng an ninh, Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương. Lịch sử là môn lựa chọn, học sinh được tùy chọn học hay không theo sở thích và định hướng nghề nghiệp.
Nhiều chuyên gia , giáo viên nhận định đưa Sử thành môn lựa chọn ở giai đoạn định hướng nghề nghiệp. Điều cần bàn là nên dạy Sử như thế nào. Tuy nhiên, một số đại biểu quốc hội và Ủy ban Văn hóa Giáo dục cho rằng Lịch sử cần trở thành môn bắt buộc bởi môn học này giữ vai trò chủ đạo trong giáo dục chính trị, tư tưởng, lòng yêu nước, bồi dưỡng năng lực tư duy, hành động cho thế hệ trẻ, giúp các em có thái độ ứng xử đúng đắn trong xã hội.
Theo kế hoạch mới ban hành hôm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tổ chức hội thảo xin ý kiến các tổ chức, nhà khoa học, giáo viên về chương trình Lịch sử phần bắt buộc với thời lượng 52 tiết mỗi năm; đồng thời biên soạn, thẩm định tài liệu, tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán của các Sở Giáo dục và Đào tạo về hướng dẫn thực hiện chương trình bắt buộc.
Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu Vụ Giáo dục Trung học thành lập Ban phát triển chương trình Lịch sử cấp THPT và xây dựng, rà soát, điều chỉnh chương trình môn học này; biên soạn tài liệu hướng dẫn thực hiện chương trình. Thời gian hoàn thành các việc này trước ngày 25/8, tức còn hơn một tháng. Vụ Giáo dục Trung học cũng phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các buổi hội thảo xin ý kiến, tập huấn cho các cán bộ, giáo viên.