Phó Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Thạch Sơn Nguyễn Thị Lan Mến “đi từng ngõ, gõ từng nhà” vận động bà con chấp hành các chủ trương chung.
Đầu tháng 11, nghe tin Ủy ban MTTQ xã Thạch Sơn phối hợp cùng Phòng Tư pháp huyện tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nhiều bà con đã tạm gác buổi làm đồng để có mặt tại hội trường UBND xã.
Tại đây, người dân được tuyên truyền, phổ biến các văn bản, chính sách pháp luật mới, liên quan trực tiếp tới quyền lợi của mình như: sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hết giá trị sử dụng sau ngày 31/12/2022 theo quy định Luật Cư trú 2020; quy trình xử lý hành vi vi phạm hành chính theo Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi năm 2020; Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia; Luật Giao thông đường bộ... Bên cạnh đó, những thắc mắc của bà con xoay quanh các tình huống pháp lý phát sinh trong cuộc sống cũng đã được giải đáp cụ thể.
Ông Nguyễn Doãn Tứ (thôn Sơn Hà) đánh giá cao việc “mềm hóa” trong tuyên truyền phổ biến pháp luật do MTTQ xã phối hợp với Phòng Tư pháp huyện tổ chức.
Ông Nguyễn Doãn Tứ (thôn Sơn Hà) chia sẻ: “Để kiến thức “đọng” lại cho người dân, các cán bộ đã rất nỗ lực để chuyển tải, làm “mềm hóa” pháp luật bằng việc dẫn chứng quy định tương ứng với từng trường hợp cụ thể, sát với thực tiễn.
Trong lúc phổ biến Luật Giao thông đường bộ, ngoài việc tuyên truyền hành vi vi phạm, các bậc phụ huynh còn được khuyến cáo về trách nhiệm giáo dục con em khi tham gia giao thông. Hay khi nói về Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia, bà con được lấy ví dụ từ các trường hợp, mức xử phạt đã diễn ra trên thực tế... Vì vậy, hội nghị không còn mang tính hình thức mà đã phát huy hiệu quả, thực sự là vai trò cầu nối giữa pháp luật với Nhân dân”.
Chị Mến cùng Phó Chủ tịch HĐND xã Nguyễn Quang Thiều trao đổi về kế hoạch phối hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật.
Chị Nguyễn Thị Lan Mến - Phó Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Thạch Sơn trao đổi: “Xác định công tác tuyên truyền, phổ biến là phương thức chuyển tải pháp luật vào cuộc sống để từ đó tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức, giúp bà con chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, chúng tôi đã tích cực phối hợp với các đoàn thể tuyên truyền cho người dân theo phương thức “mưa dầm thấm lâu”. Để làm tốt nhiệm vụ của mình và giúp công tác hòa giải cơ sở đạt hiệu quả, cán bộ mặt trận xã, ban mặt trận thôn luôn tự tìm tòi, nghiên cứu thêm sách, báo, tài liệu về pháp luật…".
Nhờ vậy, nhiều năm nay, xã Thạch Sơn không xảy ra tình trạng khiếu kiện kéo dài, không xảy ra mâu thuẫn lớn trong quần chúng nhân dân.
Người dân xã Thạch Kênh tìm hiểu các quy định của pháp luật.
Trong khi đó, là địa bàn tiếp giáp với huyện Can Lộc, các hoạt động KT-XH diễn ra sôi động, lượng người qua lại đông, luôn tiềm ẩn nhiều tệ nạn xã hội... nhưng thời gian qua, tình hình ANTT tại xã Thạch Kênh luôn được đảm bảo, người dân yên tâm phát triển KT-XH, nâng cao chất lượng cuộc sống. Thành quả ấy có được một phần nhờ sự vào cuộc tích cực, hiệu quả của MTTQ từ xã đến các thôn trong công tác phổ biến pháp luật.
Đợt truyền thông về trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật giúp bà con Thạch Kênh có cơ hội tìm hiểu các văn bản, chính sách liên quan đến cuộc sống hàng ngày.
Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Thạch Kênh Nguyễn Văn Luận: Ủy ban MTTQ xã đã phối hợp với các tổ chức thành viên thành lập nhiều mô hình như “Câu lạc bộ pháp luật”, “Tổ liên gia tự quản về ANTT”... nhằm tạo điều kiện cho người dân có cơ hội được tiếp cận pháp luật thông qua những đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý.
Cùng với đó, sự hoạt động tích cực của ban hòa giải thôn cũng là nhân tố quan trọng góp phần vào công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành pháp luật; đồng thời, giải quyết tốt khiếu nại, phản ánh của công dân ngay từ cơ sở.
Ngoài việc giúp người dân được tiếp cận pháp luật tại đợt truyền thông về trợ giúp pháp lý, các buổi tuyên truyền pháp luật được lồng ghép trong sinh hoạt thôn xóm.
Hiện nay, 5/5 thôn của toàn xã Thạch Kênh đều đã thành lập ban hòa giải. Mỗi ban có 7 thành viên, hầu hết là những người gương mẫu, am hiểu về pháp luật, có uy tín trong cộng đồng dân cư, được Nhân dân tín nhiệm bầu giữ các chức vụ quan trọng, như: trưởng thôn, trưởng ban công tác mặt trận, chi hội trưởng, chi hội phó các tổ chức đoàn thể...
Khi những mâu thuẫn của người dân tại địa bàn cơ sở vượt quá khả năng của cán bộ xã nhưng chưa đến mức phải giải quyết ở cấp cao hơn; hoặc các vụ tranh chấp có tính chất phức tạp, ảnh hưởng tới an ninh, trật tự, ban hòa giải thôn tích cực phối hợp với lực lượng công an xã và các tổ chức đoàn thể đứng ra hàn gắn. Với cách giải quyết, xử lý vấn đề vừa mềm dẻo, vừa dứt khoát, thấu đáo, ban hòa giải đã nhận được sự tin tưởng từ người dân và chính quyền địa phương.
Nhận thức được chuyển biến, người dân Thạch Hà đoàn kết triển khai các cuộc vận động, nhờ đó bộ mặt của huyện ngày càng khởi sắc.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Thạch Hà Trần Danh Vinh cho biết: “Xác định công tác tuyên truyền, PBGDPL là nhiệm vụ quan trọng và là “cầu nối” đưa pháp luật vào cuộc sống, MTTQ các cấp tại Thạch Hà đã tích cực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, địa phương thực hiện hiệu quả.
Thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung chỉ đạo MTTQ các xã, thị trấn tập trung rà soát để lựa chọn hình thức, nội dung tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng. Theo đó, chú trọng vào các chính sách mới như Luật Cư trú 2020, Đề án 06 của Chính phủ... cùng các quy định liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, quyền lợi, lợi ích hợp pháp của bà con và hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Ủy ban MTTQ phát động”.