Xã Sơn Ninh được xem là “thủ phủ” trám đen, bởi nơi đây có hàng trăm hộ trồng trám, với số lượng từ 10 - 40 cây trong vườn. Thời điểm này, người dân đang vào mùa thu hoạch nên không khí luôn rộn ràng.
Vào mùa trám chín, anh Nguyễn Thành Luân (SN 1987, quê xã Sơn Phú, Hương Sơn) được thương lái thuê để hái loài “đặc sản” này. Để đảm bảo an toàn cho bản thân khi leo lên những cây trám cao hàng chục mét, anh Luân phải chuẩn bị đồ nghề cẩn thận.
Anh Luân chia sẻ: “Mùa trám chín thường kéo dài khoảng 2 tháng, mỗi ngày đi hái trám thuê, tôi có thể kiếm được từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng tùy vào số lượng cây phải leo. Tuy đây là nghề thời vụ nhưng đã đem đến cho tôi khoản thu nhập khá”.
Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ dụng cụ, bằng các động tác thành thục, anh Luân bắt đầu công việc của mình. Anh Luân cho biết: "Hôm nay tôi đi hái trám thuê cho chị Đặng Thị Khánh Ly (một thương lái trên địa bàn xã), tại vườn của ông Nguyễn Văn Thụ ở thôn Ngọc Tĩnh, xã Sơn Ninh. Cây trám này khoảng 8 tuổi, là loại trám nếp nên quả to, chắc mình, thịt dày và dẻo".
Đang tất bật thu mua trám tại vườn ông Nguyễn Văn Thụ, chị Đặng Thị Khánh Ly (thôn Trà Sơn, xã Sơn Ninh) cho biết: "Trước đây, trám là loại quả chỉ quen thuộc với người dân ở vùng thôn quê, nay được người dân ở thành thị tìm mua để thưởng thức rất nhiều. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, thương lái chúng tôi thường đặt cọc trước và ước tính khối lượng rồi mua cả cây, sau đó thuê người thu hoạch".
Theo các hộ trồng trám, cây có tuổi đời càng cao thì sẽ càng sai quả, cây nào lắm quả có khi cho tới 1 tạ/cây. Bình quân, mỗi năm các hộ dân có thể thu về từ vài triệu đến vài chục triệu đồng từ trám, tùy vào số lượng cây, số quả.
Bà Nguyễn Thị Hồng (vợ ông Thụ) cho biết: “Vườn nhà tôi có 7 cây trám, năm nay có 4 cây cho thu hoạch. Từ tháng trước, thương lái đã liên hệ và đến tận vườn đặt cọc, thu mua với giá 5 triệu đồng/cây. Vì cây mới cho quả năm thứ 3 nên năng suất thấp hơn so với những cây lâu năm khác ở trong vùng”.
Được biết, thời điểm này, mỗi ngày chị Khánh Ly thu mua khoảng 4 - 5 tạ trám cho bà con trên địa bàn, rồi tiêu thụ khắp các vùng trong và ngoài tỉnh.
Bà Nguyễn Thị Oanh (thôn Ngọc Tĩnh) cho biết: "Năm nay thời tiết thuận lợi nên năng suất trám cao hơn năm ngoái. Gia đình tôi có 4 cây cho quả, ước thu được khoảng 3 tạ, thu về hơn 30 triệu đồng. Nhận thấy cây trám những năm gần đây đem lại nguồn thu khá cao nên chúng tôi đang ươm trồng thêm để những năm tới có thể thu hoạch, nâng cao thu nhập".
Cách đó không xa, gia đình bà Nguyễn Thị Tuyết (bên trái, thôn Kim Sơn, xã Sơn Ninh) cũng đang tất bật thu hoạch trám để bán cho thương lái. Bà Tuyết phấn khởi cho biết: “Gia đình tôi có 4 cây trám, có tuổi đời từ 30 - 60 năm nên cho khá nhiều quả. Năm nay, gia đình bán ngang cả vườn cho thương lái với giá 40 triệu đồng, cao hơn năm ngoái 6 triệu đồng”.
Trám được giá nên bà con Sơn Ninh ai nấy cũng phấn khởi. Nếu như năm ngoái, trám có giá từ 85 - 90 nghìn đồng/kg thì năm nay thương lái thu mua từ 100 - 130 nghìn đồng/kg.
Mùa trám chín cũng đã tạo thu nhập cho chị em phụ nữ xã Sơn Ninh khi đi nhặt trám, trung bình mỗi ngày họ có thể kiếm được từ 200 - 300 nghìn đồng.
Các em nhỏ cũng tranh thủ những ngày nghỉ học để phụ giúp bố mẹ.
Trám đen loại quả dân dã, có vị bùi, béo, hương vị khó quên. Khi ăn trám có cảm giác rất lạ miệng nên được mọi người thích thú, tìm mua với số lượng lớn.
Trám có thể chế biến thành nhiều món ăn lạ miệng, hấp dẫn như: trám om, trám muối, trám nhồi thịt... Dù giá khá cao nhưng đặc sản trám đen Hương Sơn luôn được khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng.
Trám đen là loại cây dễ trồng, thích hợp với vùng đồi núi Sơn Ninh, mỗi năm thu hoạch trong vòng khoảng 2 tháng, bắt bầu từ khoảng tháng 7 âm lịch. Trước đây, người dân ít để ý chăm bón, bởi trồng từ 5 - 6 năm mới cho thu hoạch. Bây giờ, trám đen được xem là sản phẩm hàng hóa nên người dân tiếp tục ươm giống phát triển để cải thiện thu nhập gia đình. Hiện toàn xã có hơn 350 hộ trồng trám đen, mỗi hộ cho thu nhập từ 5 - 40 triệu đồng vào mùa thu hoạch.
Chủ tịch UBND xã Sơn Ninh Nguyễn Xuân Huy