Vợ chồng anh Đoàn Tân Quốc ở thôn Hồng Thủy, xã Kim Hoa chăm sóc vườn cam sau thu hoạch
Sáng sớm mùng 5 tết, vợ chồng anh Đoàn Tân Quốc ở thôn Hồng Thủy, xã Kim Hoa đã lên đồi để bón phân cho vườn cam bù, cam chanh hơn 200 gốc vừa thu hoạch trong dịp tết.
Anh Quốc cho biết: “Năm nay cam được mùa trĩu quả, gia đình tôi thu về gần 2 tấn cam các loại. Để phục hồi vườn cam sau kỳ thu hoạch, chúng tôi tiến hành làm cỏ, dọn vệ sinh trong vườn để tránh làm nơi trú ngụ cho các loài sâu bệnh, đồng thời tăng cường vun xới đất, bón phân chuồng cho từng gốc để cây khỏe mạnh, phát triển tốt.”
Sau thu hoạch, người dân tiến hành làm cỏ, bón phân chuồng nhằm nâng cao sức đề kháng cho cây cam
Nông dân cắt tỉa cành cam bị sâu bệnh, cành yếu, không có khả năng mang quả sau thu hoạch.
Việc chăm sóc vườn cam sau thu hoạch đúng kỹ thuật sẽ làm tăng năng suất cho cây những vụ tiếp theo.
“Việc tạo cành, tỉa tán là một trong những biện pháp chăm sóc bắt buộc đối với cây cam. Tán thông thoáng sẽ tăng khả năng quang hợp, giúp cây phục hồi nhanh và hạn chế sâu bệnh. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng bón phân vào gốc để bổ sung chất dinh dưỡng, bồi bổ cho bộ rễ phát triển giúp cây cho ra lá non mới” - ông Tống Trần Sử ở thôn 8, xã Sơn Trường cho hay.
Hiện tại, một số diện tích cam bù trên địa bàn huyện vẫn đang cho thu hoạch
Hiện tại, một số vườn cam bù tại các xã Sơn Trường, Kim Hoa… người dân vẫn đang thu hoạch sản lượng còn lại. Số đã thu hoạch xong, bà con nông dân tranh thủ chăm sóc, phục hồi vườn cam. Đây là công việc không thể chậm trễ bởi nó quyết định cả năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cho vụ cam tiếp theo.
Bà con vừa tranh thủ thu hoạch nốt những quả chất lượng, vừa thực hiện các biện pháp chăm vườn để đón mùa thu hoạch sau.
Theo kinh nghiệm của một số người dân, chăm sóc cây cam sau thu hoạch, đặc biệt là cam bù khá cầu kỳ. Trước hết, người nông dân cần phải bón phân đúng cách, đúng thời điểm; phòng trừ sâu bệnh kịp thời và đúng kỹ thuật. Sau thu hoạch 15 - 20 ngày, người trồng phải tiến hành cắt tỉa và vệ sinh vườn, tiếp đó bón phân chuồng, vôi, lân supe, đạm urê với tỷ lệ cân đối. Có như vậy cây mới cho sai quả, mọng nước vào mùa sau.
Chăm sóc, khôi phục cây cam sau kỳ thu hoạch là biện pháp kỹ thuật bắt buộc để nâng cao năng suất, sản lượng cho vụ tiếp theo
Toàn huyện Hương Sơn hiện có 2.276 ha trồng cam bù và cam chanh cho thu hoạch. Sau mỗi vụ thu hoạch, cây cam cần một chế độ dinh dưỡng và chăm sóc cần thiết để cây bền khỏe, sẵn sàng cho vụ sau.
Ông Phạm Xuân Yên - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện cho biết: "Sau thu hoạch người dân cần áp dụng linh hoạt các tiến bộ kỹ thuật chăm sóc, bảo vệ cây cam. Để giúp vườn cây cam phát triển tốt, bà con cần bón phân chuồng trước, sau đó bón phân hữu cơ. Khi các vi sinh vật đã có trong đất thì tiếp tục bón phân vô cơ.
Ngoài ra, bà con thường xuyên thăm vườn, theo dõi tình hình sâu bệnh, áp dụng quy trình phòng trừ tổng hợp theo đúng hướng dẫn kỹ thuật; tiến hành cắt tỉa, loại bỏ loại quả không đạt chất lượng và chủ động phòng, trừ một số sâu bệnh gây hại lá và quả nhằm hạn chế quả chín sớm và rụng trong mùa tiếp theo."