Nga mới thông tin chính thức cho rằng dường như thủ lĩnh IS đã bị không quân nước này tiêu diệt hồi giữa tháng 5 ở phía nam Raqqa.
Ngày 18-6, Iran lần đầu tiên bắn tên lửa tầm trung từ miền bắc nước này nhắm các vị trí của IS tại miền đông Syria.
Cùng ngày, lần đầu tiên máy bay Mỹ bắn hạ một chiến đấu cơ của không quân Syria trên vùng trời phía nam tỉnh Raqqa, trong khi dưới mặt đất, lần đầu tiên xảy ra đụng độ giữa quân đội Syria với lực lượng “quân đội dân chủ Syria” được Mỹ yểm trợ đánh IS...
Raqqa nóng bỏng vì tranh nhau xóa sổ IS. Ảnh: Reuters
Độ nóng ở mặt trận này không chỉ nhắm xóa sổ IS trong thành phố “thủ đô của Nhà nước Hồi giáo”, mà sự tranh chấp giữa các bên đánh IS ở khu vực này có lẽ còn nóng bỏng hơn.
Lực lượng quân đội dân chủ do người Kurd làm chủ công vẫn được Mỹ lựa chọn là lực lượng địa phương duy nhất của chiến dịch tiêu diệt IS tại Raqqa.
Nhưng từ đầu tháng 5 đến nay, quân đội Syria cùng đồng minh (Hezbullah Libăng và các nhóm dân binh Shiite từ bên ngoài kéo vào) đã xung trận, với sự yểm trợ của không quân Nga.
Trong khi quân đội dân chủ, được Mỹ yểm trợ trực tiếp tiến đánh nội thành Raqqa từ hai hướng đông và bắc, thì quân Chính phủ Syria đánh vào nông thôn Raqqa từ phía tây nam.
Hiện nay, quân đội Syria đã tiến tới khu vực chỉ cách nội thành Raqqa 50km. Khu vực này đang có một căn cứ lớn mà Mỹ đã thiết lập từ tháng 4 năm nay.
Căn cứ Tabqa này, cách nội thành Raqqa chừng 40km về phía nam, thậm chí được cho là sẽ trở thành căn cứ quân sự quy mô hoàn chỉnh để quân đội Mỹ ở lại Syria lâu dài.
Tính chất nhạy cảm của khu vực phía nam thành phố Raqqa lý giải cho hai sự kiện vừa diễn ra “lần đầu tiên” ngày 18-6 (máy bay Mỹ bắn rơi máy bay Syria và đụng độ giữa quân đội Syria với quân đội dân chủ) như các bên tham chiến đã công bố.
Cuộc đua xóa sổ IS ở miền đông hoang vu
Miền đông Syria rộng lớn chiếm hơn phân nửa diện tích nước này là một khu vực sa mạc khô cằn và hiểm trở, vốn được gọi chung là “al-Badiya” (hoang mạc) mà các đời chính quyền Syria hầu như không thể kiểm soát.
Khi IS nổi lên, chúng mặc nhiên kiểm soát vùng này và đến nay vẫn được coi là “lãnh thổ của IS”. Al-Badiya chẳng những có nhiều mỏ dầu lửa và khí đốt thiên nhiên, mà còn bao tới quá nửa đường biên giới với Iraq và tiếp giáp với Jordan ở phía nam.
Từ tháng 2-2017, sau khi tiếp quản Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump đã tính đến phương án chiến lược ở lại Syria lâu dài và kiểm soát đường biên giới Syria - Iraq để vừa tiêu diệt IS vừa ngăn chặn điều mà Mỹ cho là “sự bành trướng của Iran”.
Bởi thế, ngoài căn cứ Tabqa ở phía bắc, Mỹ đã xây dựng căn cứ quân sự Tanf ở tận cùng đông nam của al-Badiya, án ngữ khu vực ba biên giới Syria - Iraq - Jordan.
Nhưng khi Mỹ chưa phát huy được vai trò của căn cứ Tanf để mở rộng vùng kiểm soát của lực lượng “quân đội tự do mới” được Mỹ huấn luyện ở mặt trận miền nam, thì quân đội Syria và đồng minh đã chạy đua đánh từ các tỉnh ở phía tây vào khu vực al-Badiya bằng nhiều mũi.
Chiến sự ở khu vực al-Badiya từ đầu tháng 6 đến nay chứng tỏ quân đội Syria và đồng minh đang trên đà tiến nhanh về phía đông.
Lực lượng Mỹ ở căn cứ Tanf đã đơn phương lập ra một “vùng cấm” có bán kính 50km bao quanh căn cứ này, không cho các lực lượng Syria đến gần.
Máy bay Mỹ đã ba lần đánh phá vào đội hình của quân đội Syria và đồng minh khi cho rằng các đội hình này “xâm phạm vùng cấm”, đe dọa quân đội Mỹ ở Tanf.
Lãnh địa cuối cùng IS ở Mosul và Raqqa không tránh khỏi sắp bị xóa sổ. Lãnh địa tập trung cuối cùng của IS ở Syria - Iraq là thành phố Der Zour và vùng phụ cận. Thành phố này nằm ở phía bắc vùng al-Badiya, bị IS kiểm soát suốt từ năm 2015 đến nay. Quân đội Syria chỉ còn trụ lại tại đây một căn cứ quân sự ở ngoại vi phía nam thành phố. IS từ Mosul và Raqqa đã rút về địa phận Der Zour từ đầu năm nay. Nga, Iran đang tập trung yểm trợ để quân đội Syria và đồng minh “độc quyền” đánh chiếm Der Zour từ tay IS. Mục tiêu là kiểm soát thành phố này trước khi lực lượng được Mỹ yểm trợ giải quyết xong Raqqa để có thể từ phía bắc kéo xuống. |