Mỹ quyết trừng phạt Nga: Tái diễn Chiến tranh Lạnh?

Nghị sĩ Đức Gunnar Lindemann mới đây đã đưa ra lời cảnh báo về khả năng bùng phát căng thẳng như kiểu Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Nga sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa công bố các lệnh trừng phạt mới nhất.

Đòn trừng phạt của Mỹ mang nguy cơ gia tăng căng thẳng mức độ Chiến tranh Lạnh.

Theo vị nghị sĩ Đức, các biện pháp trừng phạt của Mỹ đang “gây tổn hại đến nền kinh tế của châu Âu và trong đó có Đức”, đồng thời kêu gọi Berlin chấm dứt các lệnh trừng phạt vô nghĩa nhằm tránh dẫn tới kịch bản leo thang một cuộc “Chiến tranh Lạnh mới”.

“Các biện pháp trừng phạt mới chống lại Nga đang gây tổn hại cho nền kinh tế của chúng tôi và do đó gây tổn hại cho Đức. Tất nhiên là có nguy cơ xảy ra một cuộc xung đột ở mức độ Chiến tranh Lạnh mới. Đó là lý do mà tại sao cuối cùng châu Âu phải chấm dứt chính sách trừng phạt vô nghĩa này” - ông Lindemann nói.

Dẫu cho rằng, điều tốt nhất cho hiện tại là gỡ trừng phạt Nga, vị nghị sĩ Đức này vẫn nghi ngờ châu Âu sẽ tích cực hiệp đồng với chính quyền Mỹ Joe Biden để duy trì các biện pháp trừng phạt Nga.

Chính trị gia này cũng cảnh báo về những nỗ lực của Washington nhằm gây áp lực buộc EU phải từ bỏ dự án Nord Stream-2, vì Mỹ đang cố gắng bán khí đốt tự nhiên của chính mình.

“Nhưng Đức cần Nord Stream-2, [Thủ tướng Đức Angela] Merkel cũng biết điều đó… Theo tôi, mọi lệnh trừng phạt phải được chấm dứt ngay lập tức" - Nghị sĩ Lindemann tuyên bố.

Mỹ cùng các đồng minh châu Âu vừa phối hợp trừng phạt nhằm vào Nga liên quan tới vụ thủ lĩnh đối lập Nga Alexey Navalny bị bắt giữ, đồng thời cho rằng đây mới chỉ là bước khởi đầu cho một cuộc đánh giá lại toàn diện chính sách đối ngoại với Nga dưới thời Joe Biden.

Trong một động thái được xem là cuộc đối đầu trực diện nhất của chính quyền Tổng thống Joe Biden, Bộ Tài chính Mỹ ngày 2/3 đã tuyên bố áp lệnh trừng phạt với 7 quan chức cấp cao của Nga sau kết luận của tình báo nước này rằng, Moscow đứng sau vụ “đầu độc” Alexei Navalny - một chính trị gia đối lập ở Nga. Những người này sẽ bị hạn chế thị thực đến Mỹ, tất cả tài sản ở Mỹ đều bị đóng băng và người dân Mỹ bị cấm giao dịch với họ. Ngoài ra, bất kỳ người nước ngoài nào cố tình “dàn xếp một giao dịch quan trọng” cho họ đều có nguy cơ bị trừng phạt.

Đòn trừng phạt của Washington diễn ra ngay sau khi các nước thành viên EU thông qua những biện pháp trừng phạt đối với 4 quan chức thực thi pháp luật và tư pháp cấp cao Nga, liên quan đến việc bắt giam Navalny. Đây rõ ràng là biểu hiện của sự phối hợp hành động giữa Mỹ và các đồng minh châu Âu trong việc đối phó Nga, đúng như những tuyên bố lúc đắc cử của ông Joe Biden.

Ông Biden “nhảy cùng điệu” với châu Âu để trừng phạt Nga

Đòn trừng phạt mới nhất này có lẽ chỉ là bước đi khởi đầu cho những căng thẳng mới giữa Washington và Moscow khi Mỹ tuyên bố sẽ mở một cuộc đánh giá toàn diện về chính sách Nga - Mỹ, trong đó có vấn đề liên quan Navalny, sự can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ, vụ tấn công mạng Solar Winds và thông tin tiền thưởng cho các nhóm liên kết với Taliban nhằm vào lính Mỹ ở Afghanistan.

Tuy nhiên, theo giới quan sát, Mỹ tỏ ra cứng rắn nhưng sẽ chỉ “giơ cao đánh khẽ”.

Thứ nhất, chính quyền Biden muốn thể hiện quan điểm không đảo ngược chính sách đối đầu Nga của các chính quyền tiền nhiệm. Trong những năm qua, mối quan hệ Nga – Mỹ luôn ở trạng thái đối đầu, mặc dù ở những cấp độ và mức độ khác nhau. Tâm lý coi Nga là “ngáo ộp” đã tồn tại trong cả Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ. Vậy nên ông Biden không có lý do gì để “cài đặt lại” mối quan hệ với Nga theo hướng nồng ấm hơn.

Thứ hai, trong nhiều hồ sơ Mỹ đang cáo buộc Nga, việc lựa chọn vụ Alexey Navalny như một cái cớ để “ra tay” dằn mặt Nga dường như là một thông điệp của chính quyền Mỹ rằng, ông Biden đặc biệt “để ý” các hồ sơ về nhân quyền. Điều này khác biệt với chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump khi nhiều lần từ chối áp đặt các lệnh trừng phạt Nga liên quan đến vụ Navalny.

Thứ ba, với động thái mới nhất, Mỹ đang cố gắng thể hiện sự thống nhất trên cùng một mặt trận với các đồng minh châu Âu trong cuộc đối đầu với Nga. Tuy nhiên cũng có thể thấy rõ rằng, dù tỏ ra quyết liệt song Mỹ sẽ không “làm găng” và đẩy mối quan hệ với Nga đi đến mức khó kiểm soát.

Chính quyền Mỹ hiện tại có lẽ không muốn cắt đứt các cuộc đối thoại với Nga. Quan điểm của ông Biden là một mặt muốn xử lý những vấn đề phía Mỹ cho là Nga đã vi phạm chuẩn mực, nhưng mặt khác vẫn muốn hợp tác với Moscow để cùng Mỹ giải quyết các vấn đề quốc tế, chẳng hạn như hạt nhân Iran, Triều Tiên, kiểm soát vũ khí hạt nhân, chống biến đổi khí hậu...

Hơn nữa, do theo đuổi quan điểm “phối hợp hành động” với các đồng minh nên Mỹ khó có thể ra đòn quyết liệt với Nga trong khi phía EU chỉ hành động “có mức độ”. Hiện nay, nội bộ EU vẫn đang chia rẽ vì lợi ích khác nhau trong quan hệ với Nga. Đặc biệt là liên quan đến dự án Nord Stream-2 vốn sẽ mang lại cho nền kinh tế hàng đầu châu Âu là Đức một nguồn lợi ích to lớn.

Theo Báo Đất Việt

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói