Mỹ và 55 nước Hồi giáo huy động 34.000 quân trực chờ vùi dập IS

Mỹ và các nước Trung Đông đã ủng hộ một thỏa thuận mới, trong đó cam kết cung cấp thêm hàng chục nghìn quân để đánh bại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq và Syria.

Tổng thống Trump cùng các lãnh đạo Hồi giáo chụp ảnh tại Saudi Arabia. Ảnh: Reuters

34.000 quân dự bị

Theo kênh truyền hình RT (Nga), thỏa thuận mới nói trên được gọi là Tuyên bố Riyadh, được ký nhân chuyến thăm và dự hội nghị thượng đỉnh với 55 nước Hồi giáo tại Saudi Arabia của Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày từ ngày 20/5.

Tuyên bố cam kết “phối hợp chặt chẽ giữa các nước để đánh bại chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức, giải quyết tận gốc, chấm dứt nguồn tài trợ và thực hiện mọi biện pháp cần thiết để ngăn chặn, đánh bại khủng bố”.

Ngoài ra, các lãnh đạo cũng hoan nghênh việc thiết lập một trung tâm toàn cầu đối phó với chủ nghĩa cực đoan và ca ngợi mục tiêu chiến lược của trung tâm trong đấu tranh với chủ nghĩa cực đoan thời đại kỹ thuật số và mạng xã hội.

Các thành viên cụ thể của trung tâm mang tên Liên minh Chiến lược Trung Đông sẽ được quyết định vào năm sau. Tuy nhiên, các thành viên dự kiến sẽ tham gia đã cam kết thành lập một lực lượng dự bị 34.000 binh sĩ để hỗ trợ các chiến dịch chống khủng bố ở Iraq và Syria khi cần.

Hiện nay, gánh nặng chiến đấu chống IS ở hai quốc gia trên đang chủ yếu đặt lên vai binh sĩ địa phương và lực lượng người Kurd, kết hợp với hỗ trợ từ trên không, trang thiết bị và nguồn tài chính của liên quân quốc tế.

Mặc dù tuyên bố bày tỏ tinh thần khoan dung, hòa hợp nhưng lại có giọng điệu thù địch với Iran, cáo buộc nước này làm bất ổn an ninh trong khu vực và thế giới. Phản ứng ban đầu của Iran về Tuyên bố Riyadh khá gay gắt. Ngoại trưởng Iran Javad Zarif viết trên Twitter: “Iran, mới trải qua một cuộc bầu cử thực chất, đã bị Tổng thống Mỹ công kích về mặt dân chủ và tiết chế”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và cam kết “đánh bật”

Trong bài phát biểu tại hội nghị, Tổng thống Donald Trump cũng đã kêu gọi các lãnh đạo thế giới Hồi giáo cùng nỗ lực chống chủ nghĩa khủng bố và tư tưởng cực đoan, cam kết hỗ trợ vô điều kiện với các đồng minh mới và cũ của Mỹ trong khu vực.

Tổng thống Donald Trump nói: “Mục đích của chúng tôi là một liên minh các quốc gia cùng chung mục tiêu loại bỏ chủ nghĩa cực đoan, mang lại cho con cháu chúng ta một tương lai đầy hi vọng… Đây là một cuộc chiến giữa tội phạm dã man tìm cách hủy diệt cuộc sống con người và những người tử tế thuộc mọi tôn giáo tìm cách bảo vệ con người. Đây là cuộc chiến giữa cái thiện và cái ác”.

Theo Tổng thống Donald Trump, các quốc gia Hồi giáo cần đóng một vai trò quan trọng trong cuộc chiến này và tự đưa ra lựa chọn. Ông nói: “Một tương lai tốt hơn chỉ có thể xảy ra nếu quốc gia các ngài đánh bật khủng bố và cực đoan. Đánh bật chúng ra khỏi nơi thờ tụng của các ngài. Đánh bật chúng ra khỏi cộng đồng của các ngài. Đánh bật chúng ra khỏi vùng đất thiêng của các ngài và đánh bật chúng ra khỏi Trái đất này”.

Trong khi các hãng thông tấn của các nước vùng Vịnh đưa tin về lễ ký kết thỏa thuận liên minh giữa Mỹ với 55 nước Hồi giáo một cách trang trọng, coi đây là sự kiện bước ngoặt thì các nhà phê bình lại không mấy ấn tượng. Họ cho rằng tất cả đều vì lợi ích thực dụng, đặc biệt là lợi ích của các phức hợp công nghiệp-quân sự của Mỹ.

Theo ông Martin Jay, một nhà báo ở Beirut và là một chuyên gia về Trung Đông, Mỹ cơ bản muốn chuyển một thông điệp tới các nước Hồi giáo là hãy mua vũ khí của họ.

Saudi Arabia là điểm dừng chân đầu tiên của Tổng thống Donald Trump trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông tới một loạt trung tâm tôn giáo, trong đó có cả Vatican và Israel. Tại Saudi Arabia, Tổng thống Mỹ đã được tiếp đón rất trọng thị với các nghi lễ trang trọng chưa từng có tiền lệ.

Theo Thùy Dương/Báo Tin Tức

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói