Năm 2019, sẽ khởi công cao tốc Bắc - Nam đoạn Nam Định - Hà Tĩnh

Nếu được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, năm 2019, nhiều đoạn cao tốc Bắc - Nam sẽ khởi công, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho biết.

nam 2019 se khoi cong cao toc bac nam doan nam dinh ha tinh

Đoạn Cao Bồ (Nam Định) - Mai Sơn (Ninh Bình) là một trong 3 dự án cao tốc được đầu tư theo hình thức công.

Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa cho biết, công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 sẽ được thực hiện trong hai năm 2017 - 2018, dự kiến khởi công năm 2019 và hoàn thành vào năm 2021 nếu được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư.

Bổ sung cầu Mỹ Thuận 2, làm trước 654km

Ngày 21/10, thừa ủy quyền của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa đã có Tờ trình số 487 “Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020” để Quốc hội xem xét thông qua chủ trương đầu tư.

Đáng chú ý, trong Tờ trình 487 (Tờ trình chính thức), sau khi tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp mới đây, Bộ GTVT đã điều chỉnh một số nội dung liên quan đến việc lựa chọn các đoạn ưu tiên và tổng mức đầu tư giai đoạn 2017 - 2020 so với các phương án trong tờ trình trước đây.

Theo đó, các đoạn tuyến được đầu tư trong giai đoạn 2017 - 2020 có tổng chiều dài 654km (bổ sung thêm dự án cầu Mỹ Thuận 2 và chưa tiến hành mở rộng từ 2 làn lên 4 làn xe đối với đoạn La Sơn - Túy Loan), giảm 59km so với phương án cũ (713km). Đồng thời, tổng mức đầu tư sơ bộ của các đoạn tuyến đầu tư trong giai đoạn 2017 - 2020 giảm xuống còn 118.716 tỷ đồng so với phương án cũ là 130.216 tỷ đồng.

Bộ trưởng cho biết, căn cứ nhu cầu vận tải, quy hoạch được phê duyệt, để đảm bảo hiệu quả đầu tư, khả năng nguồn lực, dự kiến lộ trình đầu tư các đoạn trên tuyến cao tốc Bắc - Nam như sau: Giai đoạn từ năm 2017 - 2020: Đầu tư và đưa vào khai thác các đoạn Cao Bồ (Nam Định) - Bãi Vọt (Hà Tĩnh), Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên - Huế), Nha Trang (Khánh Hòa) - Dầu Giây (Đồng Nai) và cầu Mỹ Thuận 2; Giai đoạn 2021 - 2025: Đầu tư và đưa vào khai thác các đoạn Bãi Vọt - Cam Lộ, Quảng Ngãi - Nha Trang và mở rộng đoạn La Sơn - Túy Loan lên thành quy mô 4 làn xe; Giai đoạn sau 2025: Đầu tư và đưa vào khai thác đoạn Cần Thơ - TP Cà Mau.

Trong Kết luận số 19 ngày 5/10/2017 của Bộ Chính trị nêu rõ, Bộ Chính trị đồng ý chủ trương giai đoạn 2017 - 2020 tập trung ưu tiên đầu tư một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, trên cơ sở nguồn vốn trái phiếu Chính phủ đã được Quốc hội khóa XIV thông qua (Nghị quyết số 26/2016/QH14, ngày 10/11/2016); đảm bảo công khai, minh bạch, có cơ chế giám sát, quản lý chặt chẽ và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư.

Đề cập đến phương án đầu tư, trong Tờ trình 487 của Chính phủ nêu rõ, giai đoạn 2017 - 2020 đầu tư khoảng 654km, chia thành 11 dự án thành phần đi qua 13 tỉnh, thành (Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Tiền Giang và Vĩnh Long), gồm 8 dự án thuộc các đoạn Mai Sơn (Ninh Bình) - Bãi Vọt (Hà Tĩnh) và Nha Trang (Khánh Hòa) - Dầu Giây (Đồng Nai) đầu tư theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT, còn lại 3 dự án thành phần đầu tư theo hình thức công gồm: Cao Bồ (Nam Định) - Mai Sơn (Ninh Bình), Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên - Huế) và cầu Mỹ Thuận 2.

Lý giải về việc lựa chọn đầu tư 3 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho biết, đoạn Cao Bồ (Nam Định) - Mai Sơn (Ninh Bình), hiện tại đang thực hiện đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước với quy mô hai làn xe, để hoàn chỉnh thành quy mô 4 làn xe chỉ cần bổ sung vốn Nhà nước khoảng 1.612 tỷ đồng, nên việc dừng để đầu tư theo hình thức PPP là không phù hợp. Đối với đoạn Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên - Huế), theo Nghị quyết số 66 ngày 29/11/2013 của Quốc hội về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh cần đầu tư trong giai đoạn 2014 - 2017 bằng hình thức BT. Tuy nhiên, theo số liệu dự báo nhu cầu vận tải, đoạn này có lưu lượng thấp hơn so với các đoạn ưu tiên đầu tư giai đoạn 2017 - 2020 nên khả năng thu hút các nhà đầu tư thực hiện theo hình thức BOT rất khó khăn.

Với cầu Mỹ Thuận 2, theo Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa, cầu này nằm giữa hai dự án BOT cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ đang triển khai đầu tư. “Cầu Mỹ Thuận 2 có tĩnh không thông thuyền lớn nên phải sử dụng kết cấu đặc biệt (cầu dây văng), tổng mức đầu tư lớn nên việc đầu tư theo hình thức BOT sẽ không hiệu quả, khó đảm bảo hoàn thành đồng bộ với tuyến cao tốc và việc giải ngân toàn bộ phần vốn TPCP trong giai đoạn 2017 - 2020 không khả thi”, Tờ trình của Chính phủ nêu rõ và cho biết thêm, đối với các đoạn đầu tư công, sau khi hoàn thành sẽ nhượng quyền thu giá dịch vụ, nguồn vốn thu được sẽ nộp ngân sánh Nhà nước và đầu tư các đoạn tiếp theo.

nam 2019 se khoi cong cao toc bac nam doan nam dinh ha tinh

Hoàn thành xây dựng trong 3 năm

Liên quan đến quy mô và tiêu chuẩn kỹ thuật của dự án, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho biết, theo quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 326 ngày 1/3/2016, tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông có quy mô 4 - 6 làn xe, khu vực cửa ngõ các trung tâm kinh tế - chính trị lớn quy mô 8 làn xe. Trong quá trình lựa chọn quy mô phân kỳ đầu tư, Chính phủ đã nghiên cứu phương án đầu tư giai đoạn phân kỳ với quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh, bề rộng nền đường tối thiểu 24,75m với mức vốn Nhà nước hỗ trợ riêng các đoạn đầu tư giai đoạn 2017 - 2020 khoảng 86.100 tỷ đồng.

Căn cứ nhu cầu vận tải (có tính đến đầu tư đường sắt tốc độ cao đoạn Hà Nội - Vinh, TP Hồ Chí Minh - Nha Trang dự kiến đầu tư giai đoạn 2020 - 2030), trong điều kiện nguồn lực Nhà nước còn khó khăn, để đảm bảo hiệu quả đầu tư theo đúng yêu cầu của Bộ Chính trị tại Kết luận số 19 ngày 5/10/2017, Chính phủ lựa chọn phương án phân kỳ đầu tư với quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17 - 25m; riêng đoạn Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên - Huế) quy mô 2 làn xe, bề rộng nền đường 12m. Theo tính toán, quy mô giai đoạn phân kỳ đầu tư đáp ứng đầy đủ các tiêu chí hiện đại, đồng bộ và đáp ứng nhu cầu vận tải đến khoảng năm 2040, riêng đoạn Cam Lộ - La Sơn có thể đáp ứng nhu cầu vận tải khoảng năm 2030. Đối với cầu Mỹ Thuận 2 là công trình có kết cấu đặc biệt, việc phân kỳ đầu tư sẽ không hiệu quả nên đầu tư hoàn chỉnh theo quy mô quy hoạch 6 làn xe”, Tờ trình của Chính phủ nêu rõ.

Theo Tờ trình, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa thừa ủy quyền của Thủ tướng ký gửi Quốc hội, sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn 2017 - 2020 của dự án khoảng 118.716 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ khoảng 55.000 tỷ đồng từ nguồn vốn TPCP, gồm: 14.155 tỷ đồng thực hiện giải phóng mặt bằng (654 km), 27.694 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng các dự án đầu tư theo hình thức PPP và 13.151 tỷ đồng cho các đoạn đầu tư công: Cao Bồ (Nam Định) - Mai Sơn (Ninh Bình), đoạn Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên - Huế) và cầu Mỹ Thuận 2. Còn lại, nguồn vốn nhà đầu tư khoảng 63.716 tỷ đồng, gồm: vốn chủ sở hữu khoảng 12.743 tỷ đồng, vốn vay khoảng 50.973 tỷ đồng. “Công tác chuẩn bị đầu tư đối với các đoạn tuyến giai đoạn 2017 - 2020 sẽ được thực hiện trong hai năm 2017 - 2018, thời gian dự kiến khởi công năm 2019 và cơ bản hoàn thành vào năm 2021”, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho biết.

Theo Báo Giao thông

Chủ đề An toàn giao thông

Đọc thêm

Đào phai vào mùa tuốt lá

Đào phai vào mùa tuốt lá

Thời điểm này, các chủ vườn đào ở xã Cổ Đạm (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đang tất bật tuốt lá để đào ra nụ và lộc mới, cung ứng ra thị trường vào dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
“Lá chắn” phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh

“Lá chắn” phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh

Hệ thống cơ sở hạ tầng, thông tin liên lạc phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh từng bước được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Những ngày qua, nền nhiệt ở Hà Tĩnh duy trì rét đậm. Người chăn nuôi đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống rét nhằm đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của đàn gia súc, gia cầm.