Ngày cuối năm, tôi được mời tham dự tiệc cưới “tập 2” của một anh bạn. Thật bất ngờ khi cô dâu lần này chính là người vợ cũ mà anh từng ly hôn bảy năm trước. Những lời chúc mừng dành cho đôi tân hôn mới mà cũ nghe chừng rộn ràng gấp đôi những đám cưới “tập 2, tập 3” mà tôi từng được dự, phải chăng khi cưới (hay yêu) lại người cũ, niềm vui sẽ nhân lên gấp đôi?
Rất nhiều cặp vợ chồng đã tái hôn sau một thời gian chia tay - Ảnh minh họa |
Anh bạn kể trong lúc trà dư tửu hậu, rằng sau ly hôn, anh cũng từng yêu một vài người khác, cũng có ý định nghiêm túc, nhưng khi tính chuyện sâu xa hơn mới nhận ra, cái bóng người cũ để lại dường như bao phủ khắp nơi, yêu ai cũng không tránh khỏi so sánh dù ai cũng có ưu, khuyết riêng. Chưa kể những người đến sau cứ hục hặc chuyện con chung, con riêng, rồi ghen ngược với vợ cũ của anh, bọn trẻ nhà anh cũng không hoà hợp được với người mới của anh khiến anh quá mỏi mệt.
Trong khi đó, vợ anh vẫn ở vậy lo cho con chứ cũng không có ý tìm người khác. Các con anh cứ qua lại tìm cách kết nối bố mẹ về lại với nhau, chưa kể hai bên sui gia cũng làm mọi cách tác động những mong họ “châu về hợp phố”. Việc họ tái hôn không chỉ là niềm vui của hai người mà là của cả đại gia đình.
Hôm rồi ghé chị bán tạp hoá quen mua đồ, tôi thấy một người đàn ông đứng bán phụ chị. Thú thật trước đó, thấy chị xoay như chong chóng để bán vì khách mua những ngày cuối năm quá đông trong khi chỉ có mình chị loay hoay xoay xở, tôi cứ nghĩ mà ngại không nói ra, rằng sao không kiếm một ai đó trước để phụ chị một tay, sau cũng có người đỡ đần sớm tối.
Dường như đọc được suy nghĩ của tôi, chị nháy mắt: “Ổng đó!”
Hoá ra, “ổng” là ông chồng cũ mà chị từng kể với tôi là đã “thôi” từ nhiều năm trước vì tật nhậu đến độ lên bờ xuống ruộng, chẳng ngó ngàng gì đến nhà cửa, vợ con. Xa nhau được vài năm, “cái hũ hèm” ngày nào dần tỉnh ngộ và quyết chí “quay đầu là bờ”.
Chị kể, lúc họ chia tay nhau cũng có người này người kia ngấp nghé muốn gá nghĩa với chị, nhưng nghĩ mình chẳng còn trẻ trung gì, giờ bắt đầu lại từ đầu, tìm hiểu rồi lại tin, lại yêu một ai đó khiến chị ngán ngại.
Phụ nữ mà, có mạnh mẽ, cứng rắn đến đâu sao tránh khỏi những lúc yếu mềm mong có bờ vai nương tựa. Thường qua lại thăm hỏi, thấy mấy mẹ con chị cuối năm vất vả quá, anh đề nghị tái hợp. Vậy là về! Nhìn hai anh chị tất bật bán hàng rồi thu tiền, tôi thấy vui lây với niềm vui của họ, thà muộn còn hơn không. Tết này nhà chị hẳn ấm cúng hơn hẳn những mùa tết cũ.
Yêu lại người cũ chẳng khác gì đọc lại một cuốn sách khi đã biết trước kết cục ở trang cuối như nhiều người nói. Thế nên, hãy dọn sẵn tâm lý sẽ chẳng có điều gì mới mẻ, háo hức đợi ta ở cuối con đường khi quyết định chọn “lối cũ ta về” dù vẫn có những cuốn sách người ta phải gối đầu giường hoặc đánh dấu những trang thú vị để đọc đi đọc lại.
Những gì tốt đẹp nhất của một cuộc “châu về hợp phố” có chăng là sự tỏ tường mọi thứ thuộc về nhau đến tận chân tơ kẽ tóc, là cảm giác an toàn, đằm sâu, chưa kể, người được hưởng lợi nhiều nhất của một cuộc tái hợp không ai khác ngoài những đứa con.
Khi vợ chồng tái hợp, không ai “hưởng lợi” nhiều hơn những đứa con - Ảnh minh họa |
“Chuyện cũ mình bỏ qua”, câu hát tôi được nghe nhiều nhất trong mùa tết năm nay xem chừng cũng là một chân lý sống để bắt đầu một năm mới bình yên, thanh thản.
Cũng có thể xem đó như một lời nhắc nhở những “người muôn năm cũ” để bắt đầu lại một trang đời mới tốt đẹp hơn. Tôi thích câu chúc “năm mới, tuổi mới, hạnh phúc cũ”, có lẽ vì năm mới luôn hứa hẹn những điều mới mẻ, nhưng hạnh phúc đôi khi lại bắt đầu từ những điều đã cũ, như những niềm vui không nhỏ mà tôi bắt gặp trên môi, trên mắt của những người thân quen mình trong những ngày sát tết năm nay.