Nâng cao chất lượng tuyên truyền miệng, đưa chính sách, pháp luật về bảo hiểm đi vào cuộc sống

(Baohatinh.vn) - Hội thảo “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng góp phần đưa chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BHXH tự nguyện vào cuộc sống” đã tập trung phân tích khó khăn, thuận lợi và thảo luận các giải pháp để thực hiện tốt hơn công tác tuyên truyền trong thời gian tới

Nâng cao chất lượng tuyên truyền miệng, đưa chính sách, pháp luật về bảo hiểm đi vào cuộc sống

Đại biểu dự hội thảo.

Sáng 21/10, Trung tâm Thông tin công tác tuyên giáo (Ban Tuyên giáo Trung ương) phối hợp Trung tâm Truyền thông Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Tĩnh tổ chức Hội thảo “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng góp phần đưa chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện vào cuộc sống”.

Giám đốc Trung tâm Thông tin công tác tuyên giáo (Ban Tuyên giáo Trung ương) Đỗ Phương Thảo, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lê Văn Khánh và Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Nguyễn Văn Đồng cùng chủ trì hội thảo.

Dự hội thảo có Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Văn Hùng, đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.

Nâng cao chất lượng tuyên truyền miệng, đưa chính sách, pháp luật về bảo hiểm đi vào cuộc sống

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lê Văn Khánh đề dẫn hội thảo.

Báo cáo đề dẫn nhấn mạnh, trong nhiều năm qua, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là một trong những chính sách trụ cột trong hệ thống các chính sách an sinh xã hội của nước ta.

Tại Hà Tĩnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 05 - CT/TU, ngày 08/01/2021 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.

Cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, các sở, ngành, đoàn thể đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đạt được những kết quả nhất định. Nhận thức của người dân về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế có nhiều chuyển biến tích cực; một số địa phương đã ban hành chính sách hỗ trợ một phần mức đóng cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm y tế tế đối với một số nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội.

Nâng cao chất lượng tuyên truyền miệng, đưa chính sách, pháp luật về bảo hiểm đi vào cuộc sống

Đại biểu dự hội thảo.

Thời gian qua, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã cùng với Bảo hiểm xã hội tỉnh xây dựng, ký kết và triển khai thực hiện chương trình phối hợp giữa hai ngành, qua đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền nói chung, tuyên truyền miệng nói riêng, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, người dân và doanh nghiệp trong thực hiện chính sách bảo hiểm.

Tính đến 30/9/2022, toàn tỉnh có 142.911 người tham gia bảo hiểm xã hội, đạt 21,4% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội, trong đó số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là 50.160 người, đạt 7,3% lao động tự do tham gia bảo hiểm xã hội; 81.409 người tham gia bảo hiểm thất nghiệp; 1.158.344 người tham gia bảo hiểm y tế, đạt tỷ lệ bao phủ khoảng 91,5% dân số.

Nâng cao chất lượng tuyên truyền miệng, đưa chính sách, pháp luật về bảo hiểm đi vào cuộc sống

Trưởng phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng (BHXH tỉnh) Trương Thị Tuyết thông tin kết quả nổi bật về công tác thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp 9 tháng đầu năm của BHXH tỉnh.

Bên cạnh những kết quả tích cực nói trên, vẫn còn một số cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm thỏa đáng đến chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Một số cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội chưa thật sự chủ động, tích cực tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo lĩnh vực phụ trách. Nội dung tuyên truyền và kỹ năng tuyên truyền của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên của Đảng về lĩnh vực này vẫn còn những hạn chế nhất định.

Nâng cao chất lượng tuyên truyền miệng, đưa chính sách, pháp luật về bảo hiểm đi vào cuộc sống

Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đặng Văn Dũng phân tích một số thách thức đặt ra trong công tác phát triển diện bao phủ bảo hiểm xã hội.

Bên cạnh đó, một bộ phận cán bộ, chủ sử dụng lao động, công nhân và người dân chưa hiểu rõ chế độ, chính sách và lợi ích, cũng như sự cần thiết phải tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Mặt khác, tâm lý chủ quan cũng rất phổ biến, luôn nghĩ rằng bệnh tật khó đến với mình, tuổi già còn xa mới tới và đặc biệt là tâm lý lúc nào ốm đau mới lo.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả các chính sách bảo hiểm, ngành tuyên giáo nói chung, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên nói riêng cần tăng cường công tác tuyên truyền, chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền miệng để người dân thay đổi hành vi, tâm lý chủ quan về chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ, chăm lo đời đời sống khi không có việc làm, khi về già...

Nâng cao chất lượng tuyên truyền miệng, đưa chính sách, pháp luật về bảo hiểm đi vào cuộc sống

Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Lê Thị Hải Yến tham luận về công tác phối hợp triển khai thực hiện hoạt động tuyên truyền, tư vấn cho công nhân.

Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi những kết quả đạt được, phân tích, làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong công tác tham mưu, tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế.

Hội thảo cũng đã được nghe những ý kiến tâm huyết chia sẻ những cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả của các địa phương, đơn vị trong công tác tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Nâng cao chất lượng tuyên truyền miệng, đưa chính sách, pháp luật về bảo hiểm đi vào cuộc sống

Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện Vũ Quang Nguyễn Mạnh Toàn trao đổi kinh nghiệm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trên địa bàn huyện miền núi.

Đồng thời, đại biểu đã có các kiến nghị, đề xuất với Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Y tế và Bảo hiểm xã hội tỉnh để công tác tuyên truyền đạt được kết quả tốt hơn trong thời gian tới như: tăng cường công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị, xã hội; đa dạng hóa và nâng cao hiệu quả các hoạt động tuyên truyền, tư vấn; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực thi các chế độ, chính sách, pháp luật lao động tại các doanh nghiệp; quan tâm nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, nhất là cán bộ cấp cơ sở; đề nghị cơ quan chuyên môn định kỳ biên soạn, tổng hợp các nội dung, định hướng công tác tuyên truyền...

Nâng cao chất lượng tuyên truyền miệng, đưa chính sách, pháp luật về bảo hiểm đi vào cuộc sống

Giám đốc Trung tâm Thông tin công tác tuyên giáo Đỗ Phương Thảo kết luận hội thảo.

Kết luận hội thảo, Giám đốc Trung tâm Thông tin công tác tuyên giáo (Ban Tuyên giáo Trung ương) Đỗ Phương Thảo đánh giá cao sự nỗ lực của ngành BHXH tỉnh Hà Tĩnh trong việc triển khai thực hiện các chính sách BHYT, BHXH trên địa bàn; khẳng định sự cố gắng và đóng góp của Ban Tuyên giáo các cấp, của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên trong các hoạt động tuyên truyền nói chung, tuyên truyền miệng nói riêng về thực hiện các chính sách BHXH, BHYT.

Ban Tuyên giáo các cấp đã vào cuộc chủ động, tích cực, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên có nhiều đổi mới, chất lượng hiệu quả tuyên truyền được cải thiện đáng kể, tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của các tổ chức, cá nhân về vai trò, trách nhiệm, mục đích, ý nghĩa của việc tham gia BHXH, BHYT.

Phân tích làm rõ thêm một số vấn đề khó khăn còn tồn tại, Giám đốc Trung tâm Thông tin công tác tuyên giáo bày tỏ đồng tình với các kiến nghị, đề xuất của các đại biểu tham luận. Kết quả hội thảo sẽ là căn cứ để Trung tâm Thông tin công tác tuyên giáo và Trung tâm Truyền thông BHXH Việt Nam báo cáo, tham mưu lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, lãnh đạo BHXH Việt Nam đề ra các giải pháp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện chính sách an sinh xã hội nói chung, chính sách về BHXH, BHYT nói riêng ngày càng hiệu quả hơn.

Giám đốc Trung tâm Thông tin công tác tuyên giáo Đỗ Phương Thảo đề nghị các đơn vị tiếp tục bám sát chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, BHXH Việt Nam, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trong việc triển khai chính sách an sinh xã hội; triển khai hiệu quả các quy chế phối hợp, các cơ chế phối hợp trong thực hiện chính sách pháp luật về BHXH, BHYT. Đồng thời, đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động tuyên truyền, trong đó có tuyên truyền miệng; đổi mới về nội dung, hình thức tuyên truyền gắn với các đối tượng cụ thể.

Chủ đề Bảo hiểm xã hội

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast