Nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống thiên tai

(Baohatinh.vn) - Các hình thái thiên tai, bão lũ tại Hà Tĩnh diễn biến ngày càng khó lường, tác động xấu tới phát triển kinh tế - xã hội. Việc nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng chống thiên tai theo Đề án 553 là giải pháp nhằm chủ động ứng phó, giảm thiểu rủi ro khi thiên tai xảy ra.

Trận lũ cuối tháng 10/2023, Hà Linh (Hương Khê) là địa phương chịu hậu quả nặng nề. Mưa lớn liên tiếp nhiều ngày, địa hình sâu trũng làm ngập cục bộ 12/12 thôn với 134 nhà dân bị ngập sâu. Đường H95 (gần bờ sông Ngàn Sâu) bị sạt lở mặt đường nghiêm trọng, đập Khe Cọi bị sạt lở thân đập; thiệt hại 10 ha ngô, 15 ha cam bưởi, 3 ha rau và 18 ha cây trồng khác. Đặc biệt, mưa lũ tại xã Hà Linh đã làm 2 người chết.

Nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống thiên tai

Tìm kiếm thi thể người mất tích do mưa lũ tại xã Hà Linh hồi cuối tháng 10/2023.

Và không chỉ năm nay mà cứ hễ xảy ra thiên tai, lũ lụt, địa phương này đều bị ảnh hưởng, gây thiệt hại tài sản, uy hiếp tính mạng người dân, tác động xấu tới tình hình phát triển kinh tế - xã hội. Bởi vậy, công tác truyên truyền về phòng chống thiên tai (PCTT) luôn được ngành chuyên môn ưu tiên thực hiện tại địa phương này.

Ông Bùi Ngọc Du – Chủ tịch UBND xã Hà Linh cho hay: “Chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh (Sở NN&PTNT) phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh vừa tổ chức tập huấn Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 553) tại địa phương. 100% đội ngũ cán bộ cấp xã, cấp thôn, lực lượng xung kích phòng chống thiên tai và người dân trên địa bàn đã được tìm hiểu về diễn biến khí hậu, thiên tai trên địa bàn cả nước nói chung và các loại hình thiên tai thường xảy ra trên địa bàn Hà Tĩnh nói riêng.

Dịp này, các học viên tiếp tục được trang bị thêm về các kỹ năng phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai; công tác quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng; hướng dẫn xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai, xây dựng kịch bản “4 tại chỗ” trong phòng chống thiên tai ở từng địa phương... Đây là cơ sở quan trọng, góp phần nâng cao năng lực phòng chống thiên tai cho chính quyền cấp cơ sở và người dân. Từ đó, giúp chính quyền cơ sở sát sao hơn trong công tác chỉ đạo điều hành, người dân cũng chủ động hơn trong công tác ứng phó và giảm nhẹ hậu quả do thiên tai gây ra”.

Nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống thiên tai

Mưa lũ cuối tháng 10/2023 khiến đập Tắt ở xã Hòa Hải (Hương Khê) bị vỡ

Được biết, năm 2023, Đề án 553 được triển khai rộng rãi trên 13 xã thuộc 13 huyện, thị xã, thành phố. Ngành chuyên môn đã tập huấn cho đội ngũ cán bộ cấp xã, cấp thôn với 853 học viên, tập huấn nâng cao năng lực cho hàng ngàn người là lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã và người dân.

Huyện Cẩm Xuyên với đặc thù địa hình có nhiều xã nằm xen kẽ giữa vùng đồi núi với vùng sâu trũng, ven sông, ven biển nên thường phải chịu hậu quả nặng nề khi xảy ra thiên tai, mưa lũ. Trận lũ lịch sử hồi năm 2020 đã khiến hàng loạt xã trên địa bàn huyện ngập sâu, gây thiệt hại 1.700 tỷ đồng, 1 người tử vong và 27 người bị thương. Bởi vậy, công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân về phòng chống thiên tai để giảm thiểu rủi ro luôn được chú trọng thực hiện.

Ông Nguyễn Văn Danh – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Huyện đã phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai tốt công tác tập huấn tuyên truyền Đề án 553 năm 2023 tại xã Cẩm Thành với hàng trăm người tham gia. Khóa tập huấn đã củng cố thêm kỹ năng ứng phó, phòng chống thiên tai đối với người dân vùng lũ. Từ thực tiễn cho thấy sự chủ động, ý thức người dân góp phần ứng phó với thiên tai hiệu quả.

Dựa trên những kiến thức, nền tảng được trang bị, huyện đã xây dựng kế hoạch và tiếp tục chỉ đạo 100% xã, thị trấn tăng cường thông tin truyền thông, kỹ năng phòng ngừa, ứng phó với các loại hình thiên tai; đảm bảo thông tin được phổ biến tới từng người dân tại các khu vực thường xuyên bị thiên tai. Đồng thời củng cố, kiện toàn các đội xung kích PCTT tại các xã, thị trấn để chủ động ứng phó và khắc phục ảnh hưởng thiên tai”.

Hà Tĩnh thường xuyên chịu ảnh hưởng của các loại thiên tai như: lốc xoáy, dông sét, hoàn lưu bão, áp thấp nhiệt đới... gây mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất. Tính riêng trong năm 2023, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 2 đợt mưa lũ khiến 3 người chết (ở Hương Khê), có 3.800 nhà ở bị ngập, hàng trăm ha cây rau màu, nông nghiệp bị hư hỏng, hơn 417 ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; gần 3.600 con gia cầm và 19 con gia súc bị chết, cuốn trôi.

Ngoài ra, mưa lũ khiến 12 đập thủy lợi bị vỡ, sạt lở; 5 cống, 1 trạm bơm bị sạt lở; cuốn trôi gần 3.400 m kênh mương, hơn 2.000 m kè và hơn 4.950 m bờ sông, bờ biển bị sạt lở, hư hỏng. Cùng đó, hạ tầng giao thông, lưới điện cũng bị ảnh hưởng...

Nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống thiên tai

Năm 2023, Đề án 553 được triển khai rộng rãi trên 13 xã thuộc 13 huyện, thị xã, thành phố.

Ông Trần Đức Thịnh – Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh nhấn mạnh: “Do biến đổi khí hậu nên tình hình thiên tai những năm qua trên địa bàn diễn biến ngày càng khó lường, trái quy luật tự nhiên. Thực hiện quan điểm, mục tiêu “phòng tránh là chính, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả”, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, phổ biến các kiến thức, kỹ năng phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai được ngành chuyên môn và các địa phương triển khai bằng nhiều hình thức (nhất là tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi, vùng có nguy cơ cao xảy ra thiên tai).

Năm 2023, trên cơ sở chỉ đạo của UBND tỉnh và Sở NN&PTNT, Chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh đã chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp với các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện tốt Đề án 553. Đề án góp phần xây dựng cộng đồng cấp xã, huyện an toàn trước thiên tai; có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, hình thành văn hóa phòng ngừa, chủ động và tích cực tham gia vào công tác phòng chống thiên tai của đại đa số người dân; giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, môi trường do thiên tai ”.

Chủ đề Thiên tai - bão lũ

Đọc thêm

Công điện ứng phó với bão MAN-YI gần biển Đông

Công điện ứng phó với bão MAN-YI gần biển Đông

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có công điện điện: UBND các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận; các Bộ: Quốc phòng, Công an, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Công Thương, Thông tin và Truyền thông, Ngoại giao; Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam về việc ứng phó với bão MAN-YI gần biển Đông.
Thông tin mới nhất về bão USAGI

Thông tin mới nhất về bão USAGI

Tin mới nhất về bão USAGI, hiện đang ở gần Nam Đài Loan, sức gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11. Cảnh báo gió mạnh, sóng lớn, nguy cơ cao với tàu thuyền. Biển động rất mạnh.
Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trong suốt hành trình 40 năm phát triển, Trường Năng khiếu thị xã Hà Tĩnh xưa và Trường THCS Lê Văn Thiêm nay luôn là lá cờ đầu của ngành GD&ĐT tỉnh nhà. Không chỉ đảm đương sứ mệnh là “nôi” bồi dưỡng nhân tài, chắp cánh ước mơ cho các thế hệ học sinh, Trường THCS Lê Văn Thiêm đang bắt nhịp xu thế, phát triển mô hình trường học tiên tiến, năng động, từng bước hội nhập quốc tế.