Nắng nóng gay gắt, nông dân Hà Tĩnh tăng cường sức đề kháng cho vật nuôi

(Baohatinh.vn) - Sử dụng thiết bị làm mát, bổ sung thức ăn giàu vitamin... là những giải pháp mà nông dân Hà Tĩnh đang áp dụng nhằm nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi.

Hà Tĩnh đang trải qua những ngày nắng nóng gay gắt, nền nhiệt lên cao là một bất lợi đối với hoạt động chăn nuôi. Những ngày qua, gia đình anh Nguyễn Văn Nguyên (thôn Bàu Am, xã Lưu Vĩnh Sơn, Thạch Hà) đang huy động công nhân tập trung chăm sóc đàn bò thịt quy mô hơn 120 con tại trang trại.

Gia đình anh Nguyễn Văn Nguyên (xã Lưu Vĩnh Sơn, Thạch Hà) bật quạt...

Theo anh Nguyễn Văn Nguyên, giống bò thịt gia đình nuôi là bò 3B và bò đực sữa. So với giống bò cỏ, sức chịu đựng của các giống bò này hạn chế hơn nên được gia đình đặt trong diện chăm sóc đặc biệt.

Để chống nắng nóng cho đàn bò, ngoài vận hành hệ thống quạt mát, gia đình mới đầu tư chi phí để lắp đặt hệ thống phun sương tự động. Với nền nhiệt độ cao này, công nhân thường xuyên tắm mát, tăng cường chất dinh dưỡng qua thức ăn và bổ sung các loại vitamin, khoáng chất cho gia súc.

Công nhân tắm mát cho đàn bò trong thời điểm nắng nóng.

Thời điểm này, 1 vạn con gà đẻ trứng trong trang trại của gia đình anh Nguyễn Hữu Dũng (xã Lưu Vĩnh Sơn, Thạch Hà) cũng đang được chăm sóc đặc biệt.

Anh Dũng cho hay: “Gà được nuôi khép kín với nền nhiệt độ lý tưởng dưới 30 độ C. Theo đó, ngoài lắp đặt máy theo dõi nhiệt độ, chúng tôi còn đầu tư 2 máy phát điện để vận hành trong trường hợp phải cắt điện do nguy cơ thiếu điện hoặc sự cố. Ngoài ra, đàn vật nuôi được tăng cường điện giải, bổ sung vitaim C, đường glucose... để tăng sức đề kháng”.

Anh Nguyễn Hữu Dũng (xã Lưu Vĩnh Sơn, Thạch Hà) đầu tư máy theo dõi nhiệt độ trong trang trại gà.

Hương Khê là địa bàn nắng nóng nhất Hà Tĩnh với nền nhiệt độ ngoài trời có khi lên đến 42 độ C. Để tránh bị sốc nhiệt cho đàn gia súc, gia cầm, người chăn nuôi đang chú trọng thay đổi cách chăm sóc để thích nghi với thời tiết cực đoan.

Anh Bùi Văn Sơn (thôn Trung Lĩnh, xã Hương Trạch, Hương Khê) chia sẻ: “Gia đình tôi đang nuôi 13 con trâu và bò. Trong giai đoạn nắng nóng này, thay vì chăn thả như trước, chúng tôi chuyển sang nuôi nhốt. Ngoài nguồn thức ăn tự nhiên, phụ phẩm nông nghiệp, gia đình đầu tư thêm thức ăn công nghiệp và các vitamin, khoáng chất và chú ý cho vật nuôi uống đủ nước. Vào thời điểm nhiệt độ cao, chúng tôi phun nước lên mái chuồng và bố trí quạt điện để quạt mát; chuẩn bị các điều kiện, phương tiện trữ nước đề phòng thiếu nước trong điều kiện nắng nóng kéo dài..."

Với hình thức chăn nuôi quy mô nông hộ, gia đình bà Bùi Thị Thuỷ (xã Thượng Lộc, Can Lộc) cũng đang chú trọng chăm sóc 3 con lợn nái và đàn lợn thịt quy mô 15 con/lứa. Bên cạnh che chắn, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, thoáng mát, gia đình bà chú trọng mật độ nuôi nhốt mà ngành chuyên môn khuyến cáo (cụ thể đối với nái 3-4 m2/con, lợn thịt 2m2/con). Cùng đó, bà lắp đặt thêm quạt để làm mát chuồng nuôi, không làm ẩm ướt nền chuồng và đảm bảo thường xuyên có đủ nước cho đàn lợn cũng như tăng cường chất dinh dưỡng qua đường thức ăn.

Nông dân tăng cường điện giải, bổ sung vitamin cho vật nuôi qua đường nước uống.

Ông Phan Quý Dương – Trưởng phòng Quản lý Chăn nuôi, Chi cục Chăn nuôi và thú y Hà Tĩnh cho biết: “Tình hình thời tiết nắng nóng đang diễn biến phức tạp có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sản xuất chăn nuôi trên địa bàn. Để chủ động bảo vệ an toàn cho đàn vật nuôi, các địa phương cần hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng đồng bộ các biện pháp phòng, chống nắng nóng cho vật nuôi. Theo đó, chuồng trại cần được sửa chữa, che chắn và vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng, hàng ngày thu gom phân và rác thải, thực hiện ủ phân sinh học; thường xuyên vệ sinh máng ăn, máng uống không để dư thừa gây ôi thiu; trồng nhiều cây xanh để có nhiều bóng mát và bố trí các rèm che xung quanh chuồng nuôi.

Cũng theo ông Phan Quý Dương, người chăn nuôi cần tăng cường khẩu phần thức ăn xanh cho đàn vật nuôi như: rau, cỏ tươi, củ, quả, các loại vitamin; tăng cường khẩu phần đạm, giảm tinh bột, mỡ, đường đối với từng loại gia súc, gia cầm. Cùng đó, theo dõi, giám sát chặt chẽ tình trạng của đàn vật nuôi; kịp thời phát hiện gia súc, gia cầm ốm, bị bệnh để cách ly, điều trị, xử lý hiệu quả, nhất là các bệnh đường tiêu hoá, hô hấp và các bệnh truyền nhiễm; thực hiện tiêm các loại vắc - xin để phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm theo quy định...

Thời tiết nắng nóng, người chăn nuôi chủ động bổ sung chất dinh dưỡng cho vật nuôi qua thức

Tổng đàn lợn toàn tỉnh đến thời điểm này đạt trên 400.000 con (trong đó, đàn lợn nái hơn 45.100 con), đàn bò trên 169.000 con, đàn trâu hơn 67.000 con, đàn gia cầm trên 10 triệu con...

Ở Hà Tĩnh, chăn nuôi lợn trang trại hiện chiếm trên 60% tổng đàn lợn; chăn nuôi trâu, bò, gia cầm chủ yếu vẫn đang quy mô nhỏ, nông hộ.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói