Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu (Ảnh: TASS).
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu ngày 26/2 tuyên bố, Nga buộc phải đẩy lùi các mối đe dọa ra xa biên giới “tùy thuộc vào vũ khí mà Ukraine được viện trợ”.
Trước đó, trong Thông điệp liên bang hôm 21/2, Tổng thống Vladimir Putin cảnh báo: “Chúng tôi muốn nói rõ rằng. Phương Tây cung cấp cho Ukraine vũ khí tầm xa bao nhiêu, thì chúng tôi buộc phải đẩy lùi mối đe dọa khỏi biên giới của chúng tôi xa bấy nhiêu”.
Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev trong tuần cũng nhấn mạnh, cách duy nhất để Nga đảm bảo hòa bình lâu dài với Ukraine là đẩy lùi các mối đe dọa ra xa nhất có thể, thậm chí tới sát biên giới Ba Lan.
Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine từ tháng 2/2022. Moscow nhiều lần hối thúc phương Tây ngừng viện trợ khí tài cho Kiev vì cho rằng điều này chỉ khiến xung đột kéo dài và có nguy cơ lan rộng, trong khi không thể thay đổi cục diện chiến trường. Moscow khẳng định sẽ đạt mọi mục tiêu đề ra trong chiến dịch quân sự. Nga sẵn sàng tìm kiếm các giải pháp chính trị, ngoại giao cho xung đột ở Ukraine nhưng với điều kiện phương Tây phải ngừng cấp vũ khí, Ukraine phải chấp nhận “thực tế mới về lãnh thổ”.
Về phần mình, chính quyền Kiev liên tục kêu gọi phương Tây hỗ trợ vũ khí tầm xa để tiến hành chiến dịch phản công, đẩy lùi lực lượng Nga khỏi lãnh thổ. Ukraine tuyên bố, hòa đàm chỉ diễn ra khi Nga đồng ý rút hết quân và khôi phục đường biên giới của Ukraine được quốc tế công nhận năm 1991, bao gồm cả bán đảo Crimea.
Mỹ và các đồng minh phương Tây cũng cam kết hỗ trợ Ukraine đến khi cần. Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc liệu Mỹ có hỗ trợ Ukraine giành lại Crimea hay không, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan hôm 26/2 cho biết, điều quan trọng nhất lúc này là cung cấp cho Kiev những công cụ để họ giành lại những vùng lãnh thổ ở miền Đông và miền Nam. Ông cũng nhắc lại tuyên bố trước đó của Tổng thống Joe Biden rằng, Washington sẽ chưa cấp máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine vào lúc này.
Bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga từ tháng 3/2014 sau một cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi. Kể từ đó đến nay, Moscow coi đó là lằn ranh đỏ và là vấn đề không thể thương lượng. Tháng 10 năm ngoái, Tổng thống Putin tiếp tục ký ban hành lệnh sáp nhập 4 vùng ở miền Đông và miền Nam Ukraine gồm Lugansk, Donetsk, và Zaporizhia, Kherson. Tuy nhiên, đến nay, Moscow mới chỉ kiểm soát khoảng một nửa những vùng lãnh thổ này. Moscow được cho là đang chuẩn bị cho một chiến dịch tấn công tổng lực để kiểm soát hoàn toàn vùng Donbass, miền Đông Ukraine, đồng thời tăng cường phòng thủ cho bán đảo Crimea trong bối cảnh Kiev phát tín hiệu sẽ tập kích vào đây.