Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov. Ảnh: Sputnik
Theo đài RT (Nga), trong cuộc họp báo ngày 1/12, khi được hỏi về những nỗ lực chung của Moskva và Washington nhằm hạn chế vũ khí hạt nhân, ông Lavrov nói rằng từ tháng 9/2021, Mỹ về cơ bản đã đóng băng các cuộc đàm phán song phương để đạt được thỏa thuận về hạn chế vũ khí tấn công chiến lược, rất lâu trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine.
“Không khó để hiểu lý do của họ là gì”, ông Lavrov nhấn mạnh. Tuy nhiên, ông thừa nhận rằng trách nhiệm của Washington và Moskva với tư cách là hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới không thay đổi. Đồng thời, nhà ngoại giao này cũng nhắc lại tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo Nga và Mỹ rằng không bên nào có thể chiến thắng trong chiến tranh hạt nhân và do đó cuộc chiến này không được phép bắt đầu.
Ngoại trưởng Nga khẳng định Moskva sẵn sàng tiếp tục tuyên bố đó và nhấn mạnh rằng bất kỳ cuộc xung đột nào giữa các quốc gia hạt nhân đều không thể chấp nhận được, vì ngay cả một cuộc chiến tranh thông thường cũng có nguy cơ rất lớn leo thang thành xung đột hạt nhân.
“Đây cũng là lý do tại sao chúng tôi rất lo ngại khi theo dõi những luận điệu của phương Tây. Họ cáo buộc chúng tôi đang chuẩn bị sử dụng vũ khí huỷ diệt hàng loạt”, ông Lavrov nói. Nhà ngoại giao này lưu ý rằng phương Tây, bao gồm Mỹ, Pháp và Anh, đang tìm mọi cách để tăng cường tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột ở Ukraine. Ông nói rằng về cơ bản, các quốc gia này đang tiến hành cuộc chiến chống Nga thông qua người Ukraine và đây là xu hướng nguy hiểm.
Trong cuộc họp báo, ông Lavrov cũng cáo buộc Mỹ và NATO tham gia trực tiếp vào cuộc chiến ở Ukraine vì họ ủng hộ Kiev cũng như huấn luyện quân đội Ukraine trên lãnh thổ. Đồng thời, phương Tây cũng gửi hệ thống phòng không tới Ukraine để ngăn chặn các cuộc tập kích của Nga nhằm vào cơ sở hạ tầng của Kiev.
Trước đó, truyền thông Mỹ từng đưa tin các quan chức nước này cho rằng khả năng Tổng thống Vladimir Putin sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Ukraine “đang ở mức cao nhất” kể từ khi chiến sự bùng phát hồi tháng 2, song Nga chưa có dấu hiệu thực hiện điều này.
Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby nói: “Tôi không có bình luận chi tiết nào về báo cáo này. Ngay từ đầu, chúng tôi nhận định rõ ràng rằng những tuyên bố của Nga về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân rất đáng quan ngại và chúng tôi xem xét chúng nghiêm túc. Chúng tôi tiếp tục theo dõi tình hình chặt chẽ nhất có thể và chưa thấy dấu hiệu Nga đang chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân”.
Đầu tháng 11, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố học thuyết hạt nhân của nước này chỉ cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân cho mục đích phòng thủ, cũng như các hướng dẫn nghiêm ngặt “theo đuổi mục đích duy nhất là phòng thủ”.