Nga sắp sửa thành lập thêm hạm đội mới - Hạm đội Bắc Cực

Nga có thể sẽ sớm thành lập hạm đội mới - Hạm đội Bắc Cực - có nhiệm vụ tuần tra trên Tuyến đường biển Phương Bắc và đảm bảo an toàn cho các tàu đi qua Bắc Cực.

Hãng thông tấn TASS đưa tin, Hạm đội Bắc Cực sẽ là một đơn vị riêng biệt trong Hải quân Nga. Nó sẽ giảm bớt nhiệm vụ bảo vệ Tuyến đường biển Phương Bắc và bờ biển Bắc Cực của Hạm đội Phương Bắc và Hạm đội Thái Bình Dương, tạo điều kiện cho các hạm đội này tập trung giải quyết các nhiệm vụ chiến đấu như đã định.

Trong giai đoạn đầu, cơ sở hạ tầng chính cho Hạm đội Bắc Cực sẽ được phân bổ từ các Hạm đội Phương Bắc và Thái Bình Dương. Nhưng trong tương lai, Hạm đội Bắc Cực sẽ nhận được những con tàu của riêng mình và các thiết bị đặc biệt có khả năng chống lại nhiệt độ cực thấp.

Phó Thủ tướng Yuri Trutnev - Đại diện Đặc mệnh toàn quyền của Tổng thống Nga tại Khu vực Viễn Đông - mới đây đã phát biểu trong cuộc họp của Hội đồng Liên bang, rằng “việc tạo ra một hành lang vận tải toàn cầu mới trên cơ sở Tuyến đường biển Phương Bắc là một nhiệm vụ chiến lược”.

Tuyến đường này đã và đang là tuyến đường biển ngắn nhất đến Trung Nga và Châu Âu. Nó ngắn hơn 40% so với tuyến đường qua kênh đào Suez . Nhưng cho đến nay lưu lượng vận tải của nó còn thua xa so với tuyến qua kênh đào - chỉ có 33 triệu so với 1 tỉ tấn mỗi năm.

Theo ông Trutnev, để đạt được sự cạnh tranh thực sự với kênh đào Suez, cần phải làm nhiều việc. Và một trong những nhiệm vụ chính là phải “xây dựng một hạm đội thích nghi với điều kiện Bắc Cực”.

Hiện có 5 tàu phá băng hạt nhân đang dẫn dắt các con tàu ở vùng biển Bắc Băng Dương.

Vào năm 2026, thêm 4 tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân thuộc dự án 22220 thuộc loại “Bắc Cực” sẽ được đưa vào hoạt động (tàu phá băng này có khả năng dẫn tàu chở dầu có trọng lượng rẽ nước lên đến 100.000 tấn đi xuyên qua lớp băng dày tới 3m), và đến năm 2027, tàu phá băng đầu tiên của dự án 10510 “Leader” cũng sẽ đi vào hoạt động.

Ngoài ra, vào giữa năm tới sẽ hoàn thành nhiệm vụ kỹ thuật để chuẩn bị cho việc thiết kế và xây dựng 4 tàu phá băng hoạt động bằng khí tự nhiên hóa lỏng.

Vào tháng 7, Phó Thủ tướng Yuri Borisov, người giám sát ngành công nghiệp quốc phòng trong chính phủ Nga, đã báo cáo với Tổng thống Vladimir Putin rằng, tàu phá băng mạnh nhất thế giới “Nước Nga” đã được đặt ở Viễn Đông (chính là dự án 10510), có khả năng vượt qua lớp băng dày 4m. Và để đảm bảo hàng hải quanh năm dọc theo tuyến đường phía Bắc, một số con tàu như vậy cũng sẽ được chế tạo.

Trong khi đó, phía Mỹ cũng tuyên bố có lợi ích riêng ở khu vực Bắc Cực. Theo đó, Mỹ sẽ giải quyết vấn đề theo cách riêng của họ như lôi kéo các đồng minh ở phương Tây; tăng cường sức mạnh cho lực lượng không quân ở Alaska với các máy bay chiến đấu F-35 cực kỳ hiện đại để đảm bảo quyền bá chủ của Mỹ trong khu vực.

Tuy nhiên, các chuyên gia - cả trong NATO và Lầu Năm Góc - đều nhận thức rõ rằng việc vượt qua “lằn ranh đỏ” là điều không thể chấp nhận được.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói rõ ràng rằng “những con gấu sẽ không bao giờ từ bỏ rừng taiga của mình”. Theo một ý nghĩa nào đó, trên thực tế gấu Bắc Cực của Nga đang là chủ nhân ở Bắc Cực.

Theo Laodong/Svpressa.ru

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói