Các bệnh nhân bị ngộ độc khí ngày 4/12 được đưa vào BVĐK tỉnh cấp cứu.
Sáng 4/12, Khoa Cấp cứu - Chống độc (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh) tiếp nhận 3 bệnh nhân: chị N.T.T.T. (SN 1995), bà H.T.H. (SN 1964) và một trẻ sơ sinh 2 tuần tuổi (đều trú tại xã Ích Hậu, huyện Lộc Hà) trong tình trạng khó thở, ý thức lơ mơ. Xác minh ban đầu cho thấy: 3 người cùng trong một gia đình và trước đó có sử dụng than để sưởi ấm trong phòng kín.
Bác sỹ Nguyễn Trọng Tuyến (Khoa Cấp cứu - Chống độc), người tiếp nhận cấp cứu các ca bệnh cho biết: "Đến nay, trường hợp trẻ sơ sinh đã tạm ổn định và được chuyển lên Khoa Nhi để tiếp tục theo dõi, điều trị. Trường hợp bệnh nhân N.T.T.T cũng đã tỉnh táo đang được theo dõi tại Khoa Cấp cứu - Chống độc. Riêng đối với bệnh nhân H.T.H thì triệu chứng nặng hơn nên đã được chuyển lên tuyến trên để điều trị và theo dõi".
Đây là vụ ngộ độc khí CO mới nhất xảy ra trên địa bàn Hà Tĩnh trong năm nay do việc đốt than, củi để sưởi ấm trong phòng kín. Hàng năm, các vụ ngộ độc CO xảy ra tại nhiều tỉnh thành trong cả nước và gây nên những hậu quả nghiêm trọng. Gần nhất là vào đầu năm 2023, hai vợ chồng ở huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa tử vong do đốt than sưởi ấm trong phòng kín. Vào năm 2021, trên địa bàn huyện Nghi Xuân cũng xảy ra một vụ ngộ độc khí CO do đốt than sưởi ấm, rất may là vụ việc đã được phát hiện kịp thời.
Có thể nói, hậu quả để lại từ việc sưởi ấm bằng than, củi trong phòng kín là rất lớn và đã có những cảnh báo nhưng những vụ ngộ độc khí CO vẫn tiếp diễn. Điều này cho thấy nhận thức và ý thức tuân thủ các khuyến cáo từ ngành chuyên môn của người dân còn rất hạn chế.
2/3 bệnh nhân trong vụ ngộ độc khí ngày 4/12 được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh đã dần hồi phục.
Theo các chuyên gia y tế, đốt than trong phòng ngủ, nhà chật hẹp lại đóng kín cửa, khi cháy sẽ đốt hết khí oxy, sản sinh ra khí CO gây ngộ độc. Với đặc điểm của khí CO là không màu, không mùi vị nên rất khó nhận biết, nhất là khi đang ngủ. Quá trình nhiễm độc khí xảy ra rất nhanh, khi bệnh nhân bắt đầu cảm thấy bất thường cũng là lúc không còn khả năng kháng cự rồi lịm dần. Trường hợp ngộ độc nặng thường sẽ dẫn tới tử vong, trường hợp nhẹ sẽ gây nên nhưng tổn thương não khó hồi phục nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời.
Bác sỹ Nguyễn Trọng Tuyến (Khoa Cấp cứu - Chống độc) cảnh báo: "Hiện nay, thời tiết bắt đầu chuyển lạnh, nhu cầu sưởi ấm của người dân tăng cao, nhất là người già, trẻ em và phụ nữ mới sinh. Do sưởi ấm trong phòng kín nên nguy cơ ngộ độc khí rất là cao. Thực tế, hàng năm vào mùa lạnh, tại Khoa Cấp cứu – Chống độc đều ghi nhận sự gia tăng của các ca ngộ độc khí".
Theo khuyến cáo của các bác sỹ, khi thời tiết chuyển lạnh, người dân thay vì sử dụng than, củi để sưởi ấm trong phòng thì có thể sử dụng nhiều biện pháp giữ ấp khác như: che chắn kỹ các phòng; chăn đệm, trang phục phải đủ ấm, chắn được gió lùa...; dùng đèn sưởi, quạt sưởi.
Khi phát hiện có người bị ngạt khí, cần nhanh chóng đưa nạn nhân rời khỏi phòng, ra ngoài không khí trong lành để kịp thời bổ sung oxy, đồng thời gọi cấp cứu hoặc đưa đến cơ sở y tế gần nhất.