Người đàn bà 62 tuổi quen nghề móc túi và 4 bản án tù

(Baohatinh.vn) - Từng 3 lần phải sống sau song sắt nhà tù, nay ở tuổi 62, khi đã ở bên kia dốc của cuộc đời, Võ Thị Xuân (SN 1961, trú thôn Nam Tiến, xã Kỳ Bắc, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) lại tiếp tục đi "trả án”.

Người đàn bà 62 tuổi quen nghề móc túi và 4 bản án tù

Võ Thị Xuân xuất hiện tại phiên toà lưu động.

Ở độ tuổi ngoài 60 và đã nếm trải nhiều thăng trầm của cuộc đời, Võ Thị Xuân đã thừa kinh nghiệm sống để phân biệt đúng - sai. Ấy vậy mà, người đàn bà này lại khiến người thân ngán ngẩm. 62 tuổi, nhân thân của Xuân chẳng có gì đáng chú ý ngoài... 3 tiền án về tội trộm cắp.

Dẫu đã 3 lần phải ăn cơm tù, mặc áo sọc, song, dường như vẫn chưa đủ để Võ Thị Xuân tỉnh ngộ. Do thiếu tiền tiêu xài, khoảng 5h30’ ngày 27/5/2023, Võ Thị Xuân đón xe buýt từ huyện Kỳ Anh lên thị trấn Phố Châu (Hương Sơn) nhằm mục đích tìm kiếm tài sản để lấy trộm.

Đến khoảng 8h30’ cùng ngày, khi đến quầy bán hàng cau của bà H.T.X. (trú thôn An Phú, xã Sơn Phú, Hương Sơn) tại chợ Phố Châu, thấy chủ quầy cất tiền vào ví da rồi để trên sạp, Võ Thị Xuân vờ hỏi mua hàng rồi nhanh tay lấy trộm tài sản, đón xe buýt về nhà. Tổng số tiền Xuân đã lấy trộm của bà X. gần 16 triệu đồng.

Sau khi thực hiện vụ trộm cắp đầu tiên trót lọt, ngày 9/6/2023, Võ Thị Xuân lại tiếp tục theo đường cũ đến chợ Phố Châu. Tại đây, thị đã lấy trộm của bà T.T.L. (trú tổ dân phố 6, thị trấn Phố Châu) hơn 1,5 triệu đồng. Tuy nhiên, không may mắn như lần trước, hành vi của Xuân đã bị bà L. phát hiện và báo tin cho lực lượng chức năng bắt giữ.

Người đàn bà 62 tuổi quen nghề móc túi và 4 bản án tù

Bị cáo khai báo rành mạch, rõ ràng từng diễn biến hành vi phạm tội của mình.

Lật giở từng trang lý lịch của Võ Thị Xuân, ánh mắt của vị thẩm phán phụ trách xét xử vụ án bất chợt dừng lại ở dòng chữ: từng có 3 tiền án. Bên cạnh đó, địa điểm Xuân thực hiện hành vi phạm tội lại là chợ thị trấn - nơi đông người tập trung để giao dịch, mua bán. Chính vì vậy, sau khi xem xét, đánh giá tính chất của vụ án và hành vi của bị cáo, cuối tháng 9/2023, Tòa án nhân dân huyện Hương Sơn đã quyết định đưa Võ Thị Xuân ra xét xử lưu động về tội “Trộm cắp tài sản”. Qua đó, nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền pháp luật và ý thức cảnh giác cho bà con nhân dân.

Xuất hiện tại phiên xử, Võ Thị Xuân vẫn giữ vẻ mặt bình thản của kẻ đã quá quen với việc hầu tòa. Đôi mắt láo liên của kẻ đã quen sống với nghề “hai ngón” hiện rõ sự tinh quái. Bị cáo khai báo rành mạch, rõ ràng từng diễn biến hành vi phạm tội của mình và khẳng định, những gì cáo trạng đã truy tố là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

“Bị cáo từng 3 lần vào tù vì tội trộm cắp, vì sao không lấy đó làm bài học mà vẫn tiếp tục phạm tội? Bị cáo có từng nghĩ đến các con của mình sẽ sống như thế nào khi có một người mẹ hết lần này đến lần khác đi tù?...”, mỗi câu hỏi hội đồng xét xử đặt ra như muốn xoáy sâu vào tâm can của Xuân.

Bị cáo cho biết, bản thân từng ân hận và từng quyết tâm đoạn tuyệt với nghề “hai ngón” để hoàn lương, phục thiện nhưng cuối cùng vẫn không thể thắng được sự cám dỗ của đồng tiền. Biện minh cho hành động trộm cắp của mình, bị cáo cho rằng, chính sơ hở của người dân trong cách bảo quản tài sản vô tình tiếp tay cho kẻ xấu và việc mình liên tục lầm đường lạc lối xuất phát từ không có nghề nghiệp ổn định.

Dù đã từng nhiều lần đứng trước hội đồng xét xử và hứa hẹn sẽ trở thành người có ích nhưng giờ đây, sẽ chẳng mấy ai tin vào lời nói mà Xuân thốt ra. 36 tháng tù, một bản án nghiêm minh tương xứng với hành vi phạm tội của Võ Thị Xuân. Nghe phán quyết cuối cùng của tòa án, nhẩm tính với số tuổi của mình hiện có, Xuân không khỏi giật mình. Con đường đoàn tụ với con cháu bỗng trở nên xa vời. Quay nhìn lại hội trường xét xử chẳng có lấy một bóng người thân, bị cáo lớn tuổi lặng người quay đi...

Đọc thêm

Án mạng từ chuyện chiếc lưới bát quái

Án mạng từ chuyện chiếc lưới bát quái

Suốt phiên xử, bị cáo Trịnh Văn Sơn (trú huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) tỏ ra hối hận do không làm chủ được hành vi và mong được giảm nhẹ hình phạt để sớm trở về làm lại cuộc đời.
Bài 2: Thiết lập hệ thống ngăn chặn, bảo vệ vững chắc

Bài 2: Thiết lập hệ thống ngăn chặn, bảo vệ vững chắc

Người chưa thành niên trên cả nước cũng như ở Hà Tĩnh phạm tội đang đặt ra nhiều thách thức cho các cơ quan chức năng trong công tác đấu tranh ngăn chặn. Số lượng các vụ phạm tội do nhóm độ tuổi này gây ra đang có xu hướng gia tăng, đi kèm với đó là tính chất, mức độ nghiêm trọng. Để hạn chế thực trạng đáng buồn này, đòi hỏi sự vào cuộc trách nhiệm, đồng bộ của toàn xã hội.
Bài 1: Gia tăng số vụ và mức độ

Bài 1: Gia tăng số vụ và mức độ

Người chưa thành niên trên cả nước cũng như ở Hà Tĩnh phạm tội đang đặt ra nhiều thách thức cho các cơ quan chức năng trong công tác đấu tranh ngăn chặn. Số lượng các vụ phạm tội do nhóm độ tuổi này gây ra đang có xu hướng gia tăng, đi kèm với đó là tính chất, mức độ nghiêm trọng. Để hạn chế thực trạng đáng buồn này, đòi hỏi sự vào cuộc trách nhiệm, đồng bộ của toàn xã hội.