Vừa điều trị bệnh, chị Tịnh vừa trồng chè, chăn nuôi để có thêm thu nhập
19 tuổi, chị Tịnh sớm nên duyên vợ chồng và sinh được một cậu con trai. Nhưng ngay từ những ngày đầu tiên làm vợ, rồi làm mẹ, chị đã chìm trong những trận đòn của người chồng vũ phu. Không chịu đựng nổi, chị trở về nương nhờ bên ngoại.
Con trai tròn 7 tháng, chị quyết định đưa vào Đắk Lắk kiếm sống. Được sự đùm bọc của bà chủ, 5 năm gửi con, quần quật làm công rẫy, phụ hồ rồi tranh thủ lúc rỗi đi thu gom phế liệu, chị Tịnh đã tích lũy đủ tiền để xây ngôi nhà nhỏ kiên cố trong vườn ông bà ngoại ở thôn 4, xã Cẩm Quan.
Về quê, chị nhận ruộng, chăn nuôi rồi cần mẫn với nghề đồng nát để nuôi con ăn học.
Cuộc sống của mẹ con chị tưởng đã ấm êm lại thêm lần nổi sóng khi người chồng cũ tìm đến xin tha thứ. Thương con, chị quyết định cho anh cơ hội đoàn tụ. Thế nhưng, chứng nào tật đó, anh không thể thay đổi tính cách, thường xuyên hành xử bạo lực với vợ con.
Một lần nữa, chị Tình phải gửi con cho ông bà ngoại và vào miền Nam làm công nhân. Ở đây, chị đã gặp người đàn ông rất mực yêu thương chị nhưng lại không hề biết mình đã mang trong mình căn bệnh thế kỷ trong một vài lần sử dụng chung kim tiêm ma túy khi còn làm nghề đãi vàng thuê.
Mãi đến đầu năm 2006, khi đứa con trai với người chồng thứ 2 gần 1 tuổi, trong lần về quê nội (Yên Bái) để ăn tết, chồng chị mới phát hiện mình bị bệnh.
Nhận tin như sét đánh ngang tai, chị vội trở về Hà Tĩnh để xét nghiệm cho 2 mẹ con. May mắn không đến với chị đã đành, đứa con bé bỏng, vô tội cũng đành chấp nhận số phận.
Năm 2009, chồng chị mất. Nén nỗi đau, chị quyết định báo cáo với chính quyền, công khai bệnh tật và đưa con đi điều trị. Được Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh chăm sóc, điều trị tận tình, 2 mẹ con hồi phục sức khỏe, dần tăng cân. Cùng với sự tư vấn của các bác sỹ và tích lũy dần kiến thức về điều trị bệnh, chị như được tiếp thêm động lực khi biết mẹ con mình sẽ có cơ hội sống.
Thế nhưng, cũng như nhiều người nhiễm HIV, hành trình hòa nhập cộng đồng với chị Tịnh cũng nhức nhối những nỗi đau và sự tổn thương vì sự thiếu hiểu biết, cảm thông của một số người. Nỗi đau lớn nhất đó là lúc con chị bị trường học từ chối.
Chị kiên trì đấu tranh, giải thích với những người chưa hiểu và tìm sự giúp đỡ, bảo vệ của chính quyền, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh. Cuối cùng, cháu cũng được đến trường, trở thành trò chăm ngoan, học giỏi và ngày càng được thầy cô yêu quý.
“Cháu được miễn giảm các khoản đóng góp và thường xuyên được thầy cô hỗ trợ sách vở, áo quần. Cô giáo chủ nhiệm nói với tôi, thằng bé sạch sẽ, ngoan ngoãn, chăm học, quý hơn cả cục vàng” - chị Tịnh tự hào nói trong nụ cười lẫn nước mắt.
Giờ đây, con trai đầu đã lấy vợ, chị vừa được lên chức bà nội; con trai nhỏ đã biết thương yêu, chăm sóc mẹ. Chị nghỉ nghề đồng nát, chỉ làm 2 sào ruộng, chăm đàn gà và khu vườn nhỏ với mấy chục gốc chè, na. Chừng đó cùng với số tiền trợ cấp của Nhà nước và sự giúp đỡ của cộng đồng, mẹ con chị đã ổn định cuộc sống.