Người dân Cẩm Lĩnh bất an vì nguy cơ núi lở

(Baohatinh.vn) - Chưa hết “hoàn hồn” bởi sạt lở núi trong những ngày mưa lớn vừa qua, hàng chục hộ dân xã Cẩm Lĩnh (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) lại tiếp tục sống trong lo âu bởi nhà cửa, khu vực sản xuất đang có nguy cơ bị vùi lấp bất cứ lúc nào.

Sạt lở núi trên tuyến đường quốc phòng ven biển đi từ xã Cẩm Lĩnh (huyện Cẩm Xuyên) đến xã Kỳ Xuân (huyện Kỳ Anh).

Từ ngày 18/10 tới nay, tuyến đường quốc phòng ven biển đi từ xã Cẩm Lĩnh (huyện Cẩm Xuyên) đến xã Kỳ Xuân (huyện Kỳ Anh) chịu ảnh hưởng bởi tình trạng sạt lở núi nghiêm trọng, gây khó khăn cho người và phương tiện qua lại.

Anh Phạm Dương Du Nin (thôn 1, xã Cẩm Lĩnh) cho biết: “Khi qua khu vực này, chúng tôi rất lo sợ núi sạt lở. Thậm chí, vào ban đêm, chúng tôi không dám đi ra đường”.

Hiện, trên tuyến đường có nhiều điểm sạt lở, gây khó khăn cho người và phương tiện qua lại.

Theo nhiều người dân, chỉ tính riêng trên tuyến đường này đã có đến 10 điểm sạt lở. Sự lo lắng, bất an còn là tâm trạng của nhiều hộ dân có khu chăn nuôi, sản xuất dưới chân núi Chai (thuộc thôn 6), núi Bục (thuộc thôn 3) của xã Cẩm Lĩnh.

Sạt lở núi với chiều cao hơn 1km tại núi Chai (thôn 6, xã Cẩm Lĩnh).

Nhiều người còn nhớ như in vụ sạt lở nghiêm trọng ở núi Chai đã “xóa trắng” 6 ha đất rừng và 5 ha đất ruộng sản xuất của người dân Cẩm Lĩnh.

Anh Lê Ngọc Thủy (thôn 6, xã Cẩm Lĩnh) nhớ lại: “Vào ngày 18/10, gia đình tôi đang ăn cơm thì nghe thấy tiếng động lớn rồi núi bắt đầu lở, may mắn không có thương vong về người. Tuy nhiên, đất đá đã vùi lấp 2 ao cá, 2 mẫu ruộng của gia đình. Một số hộ dân xung quanh cũng bị thiệt hại các vật nuôi".

Vụ sạt lở “xóa trắng” 6 ha đất rừng và 5 ha đất ruộng sản xuất cùng hàng trăm mét kênh mương nội đồng.

Hiện tại, núi Chai, núi Bục dọc đường quốc phòng ven biển vẫn đang tiếp tục có nguy cơ sạt lở. Theo thống kê, toàn xã có 58 hộ gia đình nằm tại các vùng có nguy cơ lở núi, trong đó 7 hộ đã làm nhà ở và 51 hộ xây dựng trang trại.

UBND xã Cẩm Lĩnh đã nghiêm cấm người dân qua lại, sinh sống tại các địa điểm nguy hiểm để đảm bảo an toàn cho người dân, đồng thời khắc phục tạm thời các điểm sạt lở để phục vụ dân sinh.

Sạt lở núi còn san lấp nhiều diện tích đất ruộng, ao cá, cây lâm nghiệp của các hộ dân

Cũng theo các hộ dân tại đây, việc khôi phục lại đất sản xuất dưới chân núi Chai là điều rất khó vì khối lượng đất đá đổ xuống quá lớn, vùi lấp nhiều diện tích sản xuất, đất trồng cây lâm nghiệp và hàng trăm mét kênh mương nội đồng. Trong khi đó, đất tại núi Chai chủ yếu là cát sỏi và đá cuội nên việc tìm kiếm loại cây trồng phù hợp sau thiên tai cũng gặp nhiều thách thức.

Ông Đinh Hữu Ngụ (thôn 6, xã Cẩm Lĩnh) cho biết: “Hiện đất đai ở khu vực này chỉ có thể trồng cây lâm nghiệp chứ để tái sản xuất lúa là gần như không thể. Trong khi đó, hàng trăm mét kênh mương nội đồng cũng bị san phẳng khiến việc quay trở lại khôi phục sản xuất của chúng tôi đang rất khó khăn”.

Chủ tịch UBND xã Cẩm Lĩnh Nguyễn Công Tùng thông tin: Trước mắt, chính quyền địa phương đang tiếp tục cảnh báo, ngăn cấm người dân không qua lại tại các vị trí nguy hiểm. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ sớm đề xuất với các ban, ngành nhanh chóng có các giải pháp kịp thời giúp người dân sinh sống ở khu vực nguy cơ sạt lở cao di dời đến địa điểm an toàn hơn.

Chủ đề Mưa lũ ở Hà Tĩnh

Chủ đề Chung tay khắc phục hậu quả lũ lụt

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói